Thuốc bổ dương và những cuộc tìm kiếm miệt mài
Thuốc bổ dương thường được hiểu là thuốc giúp cơ thể cảm thấy thoải mái, hưng phấn, khỏe mạnh. Và quan trọng không kém là mạnh về “chuyện ấy”. Nếu hiểu theo nghĩa này thì có thể xếp thuốc bổ dương vào nhóm thuốc kích dục. Việc tìm kiếm loại thuốc này là chuỗi những câu chuyện hấp dẫn từ khắp 5 châu.
Có hay không thuốc kích dục?
Thuốc kích dục (chữ tiếng Anh là “aphrodisiac” xuất phát từ chữ Aphrodite - tên của vị nữ thần tình yêu trong Thần thoại Hy Lạp) với ý nghĩa là một loại thuốc mà khi uống, tiêm, dán, xịt... làm tăng nhu cầu tình dục ở một người bình thường. Đây là mơ ước từ ngàn xưa đến nay của một số ít người (đa số không có ý đồ tốt) và có lẽ mãi mãi vẫn chỉ là mơ ước.
Người ta thường mường tượng hễ dùng mấy thứ thuốc này là tự nhiên nam hay nữ gì cũng bị mê hoặc, sẵn sàng nhảy bổ vào các cuộc truy hoan, không kiềm chế nổi, bất chấp tất cả. Thật ra, trong sách vở y học chưa thấy nói có ai phát minh ra loại thuốc kích dục theo kiểu này, mà chỉ thấy nói có những loại thuốc tác động lên não làm tăng hưng phấn đủ thứ, trong đó có hưng phấn tình dục.
Một vài loại chất cũng tác động trên khu vực não chỉ huy sự hưng phấn tình dục, nhưng cũng mới chỉ nghiên cứu trên chuột mà thôi.
Có rất nhiều loại thuốc kích dục đã được lưu truyền, ví dụ như rượu. Bản thân rượu có thể gây hưng phấn (dù là bất kỳ loại rượu gì) nhưng chỉ uống ở mức độ vừa phải, chứ nhiều quá đến mức chân nam đá chân chiêu thì lấy đâu ra niềm vui trong “chuyện ấy”. Thậm chí, uống lâu ngày còn bị tổn hại thần kinh (kể cả thần kinh cương), hậu quả là “cậu nhỏ” liệt luôn.
Người ta hay chọn sừng tê giác làm thuốc kích dục chỉ vì hình thức bên ngoài của nó nhìn giống như bộ sinh dục nam cỡ “khủng” chứ sừng tê giác cũng chỉ giống như sừng trâu, sừng bò mà thôi. Hiệu quả chưa thấy đâu, nhưng hậu quả thì nhãn tiền, loài tê giác đang trên bờ tuyệt chủng. Bộ phận sinh dục của con dê đực cũng được chọn vì khả năng làm việc “đáng nể” của nó, nhưng không có chứng cứ khoa học nào khẳng định ăn “cái đó” xong thì khỏe và “sung” cả. Châu Á, châu Phi, châu Âu cũng tìm thuốc tráng dương
Không chỉ ở nước ta mà các nước châu Á khác, châu Phi, thậm chí châu Âu cũng lưu truyền thứ thuốc tráng dương. Một giống bọ (côn trùng) Tây Ban Nha được người ta tán nhuyễn thành bột rồi uống, vì nó có chất cantharidin làm ngứa bộ phận sinh dục. Thực ra, cantharidin là một chất hóa học được dùng để làm thuốc trị mụn cóc. Người ta lấy chất này (dung dịch nồng độ 0,7%) bôi lên mụn cóc, nó sẽ đẩy mụn cóc lên và bong khỏi da. Tuy nhiên, vì đây là một chất cực độc nên các cơ quan quản lý như Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không cho phép lưu hành. Thế nhưng do thiếu hiểu biết, một số người lại tận dụng chất này như một chất kích dục.
Thật sự, cantharidin không có khả năng làm tăng ham muốn tình dục, mà chỉ có tác dụng kích thích niêm mạc vùng sinh dục, gây ngứa ngáy, khiến dương vật dễ cương, còn vùng âm hộ thì bứt rứt không yên. Nhưng ít ai biết được, với cantharidin từ “tác dụng” chuyển qua “tác hại” chỉ một bước chân. Nhẹ thì cương đau kéo dài (với nam giới) nặng thì có thể tử vong (cả nam và nữ). Ở Nam Phi, cantharidin được dùng làm chất độc giết người, làm thận suy, chảy máu ồ ạt đường ruột. Liều gây chết người thông thường là 32-65mg, nhưng đôi khi chỉ cần 10mg cũng có thể đưa một người “về nơi xa vắng”.
Testosterone giúp tăng cường “yêu”?
Trong Tây y, có lẽ testosterone có tác dụng bổ dương cho những người lớn tuổi bị giảm hàm lượng testosterone trong máu. Ngoài chuyện sinh lý giảm, những người này còn bị nhiều triệu chứng khác như hay buồn ngủ, dễ cáu gắt, buồn vui bất chợt, sức lực giảm sút, ăn kém ngon, có khi còn có những đợt đỏ bừng mặt... giống như phụ nữ vào giai đoạn mãn kinh vậy.
Hiện tượng này cũng được gọi là mãn kinh nam (tắt dục nam). Tuy nhiên, dùng testosterone phải thận trọng, cần có sự theo dõi chặt chẽ của bác sĩ vì nó là một nội tiết tố (tức là một loại chất vi lượng trong cơ thể). Nếu dùng sai thì gây hại khó hồi phục (ví dụ phụ nữ dùng nó sẽ bị mọc râu, tắt kinh, nam giới bị vô sinh...).
Thực tế, có một loại “thuốc bổ dương” thuộc dạng ngon bổ rẻ rất dễ áp dụng, đó là thể dục thể thao. Bơi lội, chạy bộ, đi bộ giúp tráng dương rất tốt. Và điều này không ai có thể phủ nhận, chỉ cần bạn có sự kiên trì mà thôi.
Theo TS.BS Nguyễn Thành Như
Sức khỏe & Đời sống