1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thuốc bảo hiểm y tế: Uống no... không hết bệnh

Bảo hiểm khẳng định không phân biệt. Còn bác sĩ nói: Có hai danh mục thuốc cho người thường và người có thẻ???

Thuốc bảo hiểm y tế: Nhiều đến ngán!

 

Ông Nguyễn Ngọc Anh ở Bình Thuận mắc bệnh không nặng lắm, chỉ là chóng mặt mỗi khi thức dậy vào buổi sáng. Ông đến TT Y tế huyện khám theo diện bảo hiểm y tế (BHYT) và được bác sĩ cho một... bịch thuốc về uống.

 

Uống được vài tháng, ông ngán quá vì thuốc quá nhiều mà không hết bệnh. Ông phải lặn lội vào TPHCM khám ở một bệnh viện tư, khám hết 40 ngàn đồng rồi tự mua thuốc về uống và kết quả là ông Anh đã khỏi bệnh.

 

Anh Nguyễn Bình (Q12) cho biết một lần uống thuốc BHYT anh đã sợ tới già bởi anh bị cảm cúm nhưng bác sĩ cho một mớ thuốc uống đến nửa tháng. Toàn bộ số thuốc đó anh đem hỏi giá ở các nhà thuốc tư thì chỉ có 12.000 đồng. Anh chỉ uống vitamin, còn số khác thì bỏ đi chứ uống cũng chẳng có tác dụng gì. Cuối cùng anh ra nhà thuốc mua thuốc trị bệnh cảm cúm của mình.

 

Thuộc diện mua BHYT bắt buộc, chiều 25/10, tôi đến khám tại nơi cơ quan đăng ký là Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Tôi khai bệnh ngứa, bác sĩ cho hai loại thuốc: tiofene (60 viên, do Domeco Đồng Tháp sản xuất) và loridin rapitab (10 viên, do Ấn Độ sản xuất), tổng giá trị hai loại thuốc này là 20 ngàn đồng (giá thị trường). Nhưng hỡi ôi, một số viên thuốc tiofene đã rạn vỡ ra từ đời nào mặc dù hạn dùng của nó đến tháng 5/2009.

 

Cũng mua thuốc trị bệnh ngứa, một dược sĩ tại một cửa hiệu thuốc ở ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh) cho tôi ba loại: hai viên cézin (do Mỹ sản xuất), hai viên beno và hai viên amsnot, tổng cộng là bốn ngàn đồng. Theo người dược sĩ, thuốc này uống vào là hết ngứa ngay nhưng phải kiêng ăn đủ thứ như thịt bò, thịt gà, tôm, cua... Còn thuốc BHYT phải uống liên tục trong nhiều ngày, nhiều tháng.

 

Khám bệnh cũng như mua vé máy bay 

 

Ông Hoàng Kiến Thiết, Phó ban Bảo hiểm xã hội, phụ trách BHYT, cho rằng không có sự phân biệt nào giữa khám bệnh thông thường và khám bệnh BHYT. Bộ Y tế và Bảo hiểm Việt Nam đã thống nhất danh mục thuốc gốc cho các bệnh viện vận dụng ra toa điều trị.

 

Ông Bùi Đức Tráng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội TPHCM, cũng cho rằng thuốc BHYT không phải chất lượng kém mà là khác về hàm lượng so với thuốc khám thông thường. Ông cho rằng không có một danh mục thuốc riêng nào cho BHYT cả. Quy định của Bộ Y tế là sử dụng thuốc như nhau trong điều trị, không phân biệt BHYT hay khám thông thường và dịch vụ. Tuy nhiên phải sử dụng thuốc nội từ 50% đến 60%. Ông Tráng cho rằng khám bệnh cũng như đi máy bay. Đi vé hạng nhất thì chất lượng dịch vụ tốt hơn vé thương nhân, vé thương nhân thì hơn vé bình thường. Ông thừa nhận khám và thuốc BHYT không thể tốt hơn dịch vụ được.

 

Bác sĩ Phan Văn Nghiệm, Trưởng phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TPHCM, cho rằng hiện nay có hai danh mục thuốc gốc. Danh mục thuốc dùng chung có hơn 10 ngàn loại. Danh mục thuốc dành cho khám chữa bệnh BHYT chỉ có khoảng một nửa. Do đó, khi khám và kê toa, bác sĩ sẽ nhìn vào “cái khung” quy định thuốc dành cho BHYT mà đặt bút. Theo bác sĩ Nghiệm, khi khám thông thường, bác sĩ căn cứ vào 10 ngàn loại thuốc mà kê toa phù hợp với bệnh nhân chứ không phải bị bó tay trong “cái khung” quy định thuốc BHYT.

 

“Lâu nay chúng tôi đã kiến nghị nên đưa vào sử dụng chung danh mục thuốc cho người có thẻ BHYT như người điều trị thường. Nghĩa là người có thẻ BHYT vẫn được dùng thuốc có cùng hàm lượng, nồng độ... chất lượng như khám thường.

 

Theo bác sĩ Nghiệm, cho người có BHYT thuốc với hàm lượng khác là không công bằng và lớn hơn là kìm hãm chính sách xã hội hóa y tế về lâu dài. Bác sĩ Nghiệm ví von: “BHYT giống như việc bắc cầu qua sông, việc này rất khó khăn và chi phí cao nhưng khi đã bắc được cầu rồi thì lợi ích kinh tế, xã hội sẽ rất lớn. Sao anh không chịu bỏ chi phí đầu tư xây cầu để thu lợi ích về lâu dài mà cứ sợ lỗ, gây cho tâm lý ức chế và người dân không hưởng ứng tích cực”.

 

Theo báo Pháp luật TPHCM