Thuốc bắc "ngậm" thuốc... độc

Nhiều người bảo quản đông dược bằng cách sấy lưu huỳnh nhiều lần hay dùng nhôm phốt pho, lục hóa khổ. Đây là những hóa chất khi gặp hơi nước, ánh sáng sẽ biến thành chất độc.

Tê liệt thần kinh

 

Tại một đại lý thuốc đông y nổi tiếng của thôn Nghĩa Trai (Tân Quang, Văn Lâm, Hưng Yên), chị T. nói: “Chúng tôi thường bảo quản thuốc bằng cách sấy lưu huỳnh. Thuốc đã sấy lưu huỳnh nhiều lần không bao giờ đem ra dùng. Nếu có bệnh sẽ chế riêng các vị thuốc rồi sắc uống”.

 

Chị Thường, một hộ sơ chế thuốc bắc ở phố Từ Sơn (thị trấn Từ Sơn, Bắc Ninh), nói thường đặt những bát thuốc chống ẩm, chống sâu mọt dưới các giá gỗ rồi xếp bao đựng thuốc lên trên, mối mọt không dám bén mảng. Chị lấy ra một viên chống ẩm màu xám lục đưa ra không khí trong một phút, viên thuốc bắt đầu thả bụi. Chị Thường cho biết cách làm phổ biến của người buôn chuyên nghiệp hiện nay là đặt thuốc vào giữa mỗi bao dược liệu.

 

Theo TS Nguyễn Viết Thân, bộ môn dược liệu, ĐH Dược Hà Nội, viên thuốc màu xám lục mà người dân dùng bảo quản thuốc đông dược có công thức hóa học là AlP (AlxP1-x) gọi là nhôm phốt phua (hay nhôm phốt pho), gặp hơi nước sẽ tạo thành phốt phin (PH3), một khí độc có tỉ trọng nhẹ như không khí nên dễ thấm vào dược liệu và khử trùng dược liệu. Tuy nhiên phốt phin là khí độc đối với người. Khi nhiễm độc, người ta bị nhức đầu, mệt mỏi, ù tai, bắp thịt co giật, nhiều trường hợp nôn mửa, đau bụng và dẫn đến tê liệt thần kinh.

 

Ông Cao Minh Quang, cục trưởng Cục Quản lý dược, Bộ Y tế: Hoạt động nhập khẩu sơ chế buôn bán đông dược vẫn còn “nằm trong bóng tối”, ngành dược chưa thể quản lý hết được vì khâu thực thi các văn bản pháp luật yếu. Cục Quản lý dược đang xây dựng các giải pháp để khắc phục. 

 

Ông Thân cho biết nhiều trường hợp người buôn dược liệu còn phun chloropicrin (lục hóa khổ) trực tiếp lên bao tải chứa đựng dược liệu. Chất này gặp ánh sáng sẽ tạo thành clor và phosgene, một chất cực độc, cũng có tác dụng diệt côn trùng, sát trùng mạnh.

 

Lược bỏ kỹ thuật an toàn

 

TS Nguyễn Văn Khải cho biết tất cả mẫu thuốc ông mua ở Nghĩa Trai và Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), sau khi đem phân tích đều cho kết quả lượng chất bảo quản tồn dư cao gấp nhiều lần cho phép.

 

Dược liệu bị sấy lại quá nhiều lần bạc cả màu, hoàn toàn mất đi mùi vị tự nhiên của nó. Các phân tử SO2 và SO3 đã ngấm vào các mặt cong và các tế bào thuốc, không thể phát tán đi được. Những phân tử này khi kết hợp với nước sẽ tạo thành axit sulfuric, một loại chất độc, hoặc kết hợp với nhiều chất khác có trong dược liệu tạo hành những tinh thể có độ bền vững rất cao. Chất này nếu tồn dư nhiều trong cơ thể sẽ gây ung thư.

 

TS Lê Thị Kim Loan, trưởng khoa bào chế - Viện Dược liệu, nói: “SO2 là loại khí rất độc, gây ra bệnh ung thư, suy thận và một số bệnh khác nữa. Nó rất độc đối với người bào chế do phải tiếp xúc trực tiếp".

 

TS Kim Loan cho biết các phương pháp bảo quản an toàn khác như chiếu xạ, dùng ánh sáng hồng ngoại, đông khô, bảo quản chân không chi phí rất cao. Trong điều kiện làm ăn nhỏ lẻ, thủ công chạy theo lợi nhuận, những yêu cầu kỹ thuật trên đã bị lược bỏ.

 

Theo Việt Hằng

Tuổi trẻ