1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thủng ruột vì... ngậm tăm khi ngủ

(Dân trí) - Sau chầu nhậu “quắc cần câu” trong đám giỗ, ông T. ngậm tăm xỉa răng rồi lên giường đi ngủ. Ngày hôm sau, ông phải nhập viện vì đau bụng dữ dội. Qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện chiếc tăm đã xuyên thủng đại tràng của bệnh nhân.

Đó là trường hợp của ông N.T.T (47 tuổi, ngụ tại TPHCM) ông được chuyển đến bệnh viện Nhân Dân Gia Định trong tình trạng đau bụng dữ dội kèm theo sốt cao. Nghi ngờ bệnh nhân có dị vật trong đường ruột, các bác sĩ tiến hành kiểm tra. Không ngoài dự đoán, hình ảnh chụp CT cho thấy đại tràng của bệnh nhân bị một vật nhỏ nhọn hai đầu xuyên thủng gây ra triệu chứng viêm phúc mạc.
 
Thủng ruột vì... ngậm tăm khi ngủ - 1
Chiếc tăm tre là thủ phạm đâm thủng ruột ông T
 
Qua nội soi, các bác sĩ gắp ra thủ phạm gây nên những cơn đau dữ dội cho bệnh nhân là chiếc tăm tre dài 4cm, đồng thời tiến hành thủ thuật “vá” lại lỗ thủng đường tiêu hóa. Theo thông tin người nhà bệnh nhân cung cấp, ông T. có thói quen ngậm tăm xỉa răng. Nhiều khả năng ông đã nuốt tăm sau bữa nhậu trong đám giỗ.
 
Theo BS Tường Thanh,khoa Ngoại tiêu hóa của bệnh viện, nuốt phải dị vật là trường hợp hay gặp trong cấp cứu. Nhiều trường hợp, dị vật sẽ vượt qua đường tiêu hóa mà không gây biến chứng, nhưng các dị vật sắc như kim may, tăm xỉa răng, xương cá, xương gà làm gia tăng nguy cơ thủng đường tiêu hóa, tắc nghẽn đại tràng, xuất huyết tiêu hóa, áp xe, hình thành rò tiêu hóa thậm chí tử vong.

Người nghiện rượu, người mang răng giả, bệnh nhân lớn tuổi (bệnh mất trí nhớ), trẻ em, và người có thói quen "ngậm" tăm là những đối tượng hay nuốt phải. Do khả năng gây biến chứng và mức độ nghiêm trọng tiềm tàng nên khi vô y nuốt tăm nên tham khảo y kiến bác sỹ. Để hạn chế tình trạng nuốt phải tăm ở những người có nguy cơ cao, bác sĩ khuyến cáo thay vì dùng tăm tre, tăm gỗ có thể dùng tăm bằng tinh bột hoặc dùng chỉ nha khoa thay cho tăm.

Li Uyên