Thủng dạ dày vì... “nghiện” game online

Khoa ngoại Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM vừa tiếp nhận ca thủng dạ dày hiếm có. Bệnh nhi 15 tuổi, được cấp cứu trong tình trạng đau bụng dữ dội, do “nghiện” game, chơi suốt ngày đêm và bỏ bữa gây thủng dạ dày.

 

Mọi độ tuổi đều có thể bị nghiện game

Mọi độ tuổi đều có thể bị nghiện game

Thủng dạ dày, bỏ học và suy đồi đạo đức

 

Sự việc xảy ra khi người nhà thấy bệnh nhi T.T.P, quận 2, đau bụng đột ngột, đau không giảm và bụng gồng cứng như gỗ, đã chuyển đến cấp cứu tại BV Nhi đồng 2. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm cận lâm sàng, kết hợp tiền sử và triệu chứng đau, các bác sĩ (BS) chẩn đoán bệnh nhi bị thủng dạ dày do viêm loét, quyết định mổ có nội soi hỗ trợ. Kết quả mặt trước dạ dày của P bị thủng một lỗ khoảng 2cm, bờ nham nhở.

 

Các BS đã xén mép và khâu lại lỗ thủng này. Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch, phẫu thuật viên chính, P cũng có tiền sử căn bệnh này. Thay vì chữa trị dứt điểm, P tự làm tăng nguy cơ thủng do loét dạ dày của mình lên gấp nhiều lần vì chơi game ngày đêm, ăn uống không đúng giờ giấc và dẫn đến hậu quả như trên.

 

Trước đó, cũng tại BV Nhi Đồng 2, bé trai tên T.A, sinh năm 2005, tại TPHCM được mẹ đưa đến điều trị tại Khoa Tâm lý của BV lần đầu tiên khi mới hơn 6 tuổi. Trước đó, cô giáo phàn nàn A không chịu học, chỉ toàn vẽ hình trong game như máy bay, ô tô và đòi về.

 

Chị H (mẹ bé T.A) nói: “Bé tiếp xúc với game khi mới 5 tuổi. Ban đầu bé qua tiệm Internet gần nhà để xem hoạt hình, về sau chuyển sang chơi game đua xe, bắn súng. Mỗi lần bé xin 2.000đ (chơi được 30 phút), mỗi ngày bé xin 5-6 lần”. Một trường hợp tương tự khác là L.Q, 15 tuổi, TPHCM, đến  khám bệnh trong tình trạng xanh xao, rũ rượi. Ban đầu, mỗi ngày Q chỉ chơi game 1-2 giờ, sau đó thì hầu như cả ngày. Khi cảm thấy yêu cầu của mình không được thỏa mãn, Q cầm dao dọa giết mẹ.

 

Trường hợp một học sinh lớp 7 được bố lo lắng đưa đến khám và tư vấn vì liên tục ăn trộm tiền của mẹ để chơi game rồi bỏ nhà đi bụi với “bang hội” theo lời kêu gọi của “bang chủ”. “Bang hội” của em cũng gồm các bạn đồng lứa biết nhau qua game online. Đến khi tìm được con đưa về nhà, ông mới biết, con ông đang cố phấn đấu để quyết tâm lên “bang chủ”…

 

BS Thái Thanh Thủy, Trưởng khoa Tâm lý BV Nhi đồng 2, cho biết, hằng ngày tại khoa có rất nhiều trường hợp đến khám do rối loạn tâm lý vì game. “Ngày nào BV cũng có 2-3 trẻ đến điều trị để cắt “nghiện” game”, BS Thủy nói.

 

Người lớn: “Nghiện” lướt web!

 

Không chỉ trẻ em, ở người lớn, bên cạnh việc “nghiện” game online còn xuất hiện thêm tình trạng “nghiện” Internet và trào lưu lướt web trên các loại điện thoại thông minh, máy tính bảng…

 

Điển hình như câu hỏi được độc giả gửi đến nhờ các BS tư vấn: “Mình có thói quen nghiện lướt web. Ngày nào mà không lên mạng là người cứ bứt rứt không yên. Chỉ khi nào lên mạng đọc tin tức, trao đổi online một lúc thì thấy thoải mái hẳn ra…” hoặc: “Tối nào trước khi đi ngủ tôi cũng phải lên mạng bằng máy tính bảng đọc tin tức ít nhất 30 phút. Đây là thói quen không bỏ được mặc dù cả ngày tôi làm việc trên máy tính…”.

 

Các BS cho rằng, tưởng chừng đó là thói quen vô hại, nhưng thực tế thói quen đó đang dần phổ biến trong thời đại nhà nhà sử dụng máy tính, điện thoại có lướt web và dần dần “nghiện” lúc nào không biết.

 

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ, Viện trưởng Viện Tâm lý học thực hành (TPHCM), cho biết, theo những nghiên cứu của nước ngoài, người “nghiện” sử dụng Internet sẽ lên mạng trung bình 38 tiếng/tuần, còn ở người không “nghiện” chỉ 8 tiếng/tuần. Trong đó, có 35% người “nghiện” Internet thường xuyên sử dụng dịch vụ chat, 28% chơi các game thủ vai, 15% đọc tin tức trực tuyến, 13% cho email, 7% cho việc lướt web... “Nghiện” Internet gây hậu quả tiêu cực đến sức khỏe, học tập và công việc như thường xuyên mất ngủ, nói dối về việc sử dụng mạng, quên thời gian trong khi truy cập mạng...

 

“Quên cuộc sống thực”

 

BS Thái Thanh Thuỷ, Trưởng Khoa tâm lý BV Nhi Đồng 2, cho biết, các trò chơi trên máy tính, game trực tuyến không chỉ mang lại cảm giác thư thái, giải trí mà còn giúp trẻ nhỏ xây dựng những kỹ năng, tư duy, tính sáng tạo… Tuy nhiên, nếu không kiểm soát chặt chẽ trẻ sẽ lún sâu vào thế giới ảo, quên đi cuộc sống thực.

 

Biểu hiện của một người nghiện Internet là sử dụng Internet trung bình 38 tiếng mỗi tuần cho những mục đích không liên quan đến công việc, học tập và điều đó gây ra những hậu quả tiêu cực như ngủ không đủ 4 tiếng/đêm, luôn trông mong vào lần lên mạng sắp tới, bực dọc khi mạng rớt… “Nguyên nhân khiến sa đà vào game online là muốn được tham gia vào một thế giới ảo. Ở thế giới này, các quy ước xã hội hoàn toàn được xóa bỏ, thay vào đó là không gian mở. Người chơi là một con người hoàn toàn khác, với những tính cách được giải thoát”,  PGS Thọ nhấn mạnh.

 

BS Phan Thiệu Xuân Giang, Giảng viên tâm lý thần kinh, tâm bệnh học phát triển trường ĐH Văn Hiến, TPHCM, cho rằng, để can thiệp hiệu quả thì yếu tố quan trọng là sự nỗ lực của bản thân người đó, sự trợ giúp của gia đình trong việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời dưới sự trợ giúp của các BS, chuyên gia tâm lý. Việc điều trị bằng thuốc cũng có hiệu quả cho một số trường hợp nhưng không thể thiếu trị liệu tâm lý - xã hội đi kèm.

 

Còn theo BS Thái Thanh Thủy, đa số các ca cai “nghiện” game khoa tâm lý tiếp nhận đều cho thấy chính cha mẹ vô tình nhường chỗ cho các hình ảnh trên Internet, truyền hình chiếm mất hình tượng của mình trong các giai đoạn phát triển của trẻ. Các trường hợp trẻ “nghiện” game đều do người lớn lơ là, ít quan tâm đến trẻ. Nguy hại hơn, nhiều vị phụ huynh khi phát hiện con “nghiện” game online thay vì gần gũi với con lại quát tháo, đánh đập, chửi bới, thậm chí giam con trẻ 24/24h trong nhà. Điều này khiến trẻ ngày càng xa lánh gia đình, tìm vào thế giới ảo. Vì vậy, có thể chấm dứt sự đam mê game online bằng một hoạt động mới lành mạnh, kết hợp với việc giáo dục, thay đổi nhận thức của người “nghiện” game.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc điều trị chứng “nghiện” game online – Internet hiện nay rất khó khăn. Các biểu hiện lâm sàng cho thấy người bệnh không chỉ có những vấn đề cảm xúc, hành vi và nhận thức mà còn biểu hiện rõ về mặt tâm lý. Chính vì thế, việc cai “nghiện” hoặc điều trị phải được nghiên cứu rõ ràng với sự trị liệu sẽ hiệu quả nếu có cả ekip các BS chuyên tâm thần và chuyên gia tâm lý lâm sàng.

 

Hiện nay, các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi xung quanh vấn đề có hay không tình trạng “nghiện” Internet - game online như một bệnh lý tâm thần cần được chẩn đoán. Các hướng nghiên cứu còn mang tính manh nha và chưa thật sự có cơ sở lý luận rõ ràng.

 

Ba lần nhập viện vì nghiện game

 

Bị bố mẹ cưỡng chế, “trói” khiêng đến BV Tâm thần trong bộ dạng tả tơi, Nguyễn Văn Minh phải 3 lần nhập viện liên tục mới chữa được bệnh nghiện game. Nhưng dấu ấn của căn bệnh để lại trong cả cuộc đời của cậu. Khi nhập viện, Minh đang là học sinh lớp 10 một trường chuyên, có thành tích học tập nổi trội. Cao 1,65m, từ cân nặng 50kg, Minh đột nhiên gầy tọp chỉ còn 40kg, hốc hác, đờ đẫn. Tính tình cục cằn, lúc nào dường như cũng lo âu, bồn chồn về điều gì.

 

Cô giáo cho gia đình biết, Minh lên lớp bập bõm. Chỉ sau vài ngày theo dõi, bố mẹ cậu đã biết sự thật: Những lần Minh bảo đi có việc này, việc kia rút cuộc đều ra hàng net. Ở đó đã có một chỗ ngồi quen thuộc mà hàng ngày Minh lên đó làm một game thủ. Hóa ra từ nửa năm nay, Minh đã thường xuyên ăn thua với những trận đấu ảo trên mạng, say sưa để lên được phẩm cấp trong các game. Thậm chí Minh còn kiếm được tiền bằng cách “cầy” cho lên hạng, rồi bán lại “account”, hoặc bán đồ cho các tay chơi kém hơn. Lần bị áp giải đi BV đó là hậu quả của 3 ngày ngồi “thiền” trước màn hình của Minh.

 

Với thể trạng suy kiệt và rối loạn tâm thần kèm theo, Minh đã được các BS điều trị bằng thuốc, kết hợp với liệu pháp tâm lý, hoạt động thể thao. Sau 2 tháng, Minh  dần hồi phục và được xuất viện. Nhưng 2 tháng sau đó, gia đình lại đưa Minh trở lại BV, điều trị tiếp 1 tháng, ra viện. Lần thứ 3, chỉ 2 tuần sau đó, các BS lại gặp lại bệnh nhân quen thuộc.

 

Ba lần nhập viện trong vòng 6 tháng khiến cả gia đình Minh dày dạn kinh nghiệm khi “quản lý” game thủ. Rất may là sau đó, nhờ sự kiên trì của BV và gia đình, như tỉnh ra, Minh đã trở lại trường học, tốt nghiệp THPT rồi đại học và có việc làm. Thế nhưng, Minh cũng chỉ có cuộc sống làng nhàng. Gia đình tiếc cho tinh thần ham học, sự thông minh đĩnh đạc của Minh ngày nào giờ chỉ là quá khứ mờ nhạt.    

 

 

 Ng.H ghi

Theo Võ Tuấn

Lao động