Thực phẩm và khả năng chữa bệnh
Từ nhiều thập niên nay, ở các nước phương Tây đã có sự phát triển cao về công nghệ sinh học và khoa học, sử dụng dinh dưỡng hợp lý làm phương pháp điều trị thay thế. Vậy khi bị bệnh, họ sử dụng thực phẩm như thế nào?
Sốt nặng
Nên ăn sữa chua và mật ong hằng ngày. Mật ong (cả ong thường và ong chúa) có tỷ lệ glucoza và levuloza cao (65 - 70%) và saccaroza (2-3%). Ngoài ra còn có muối vô vơ, các axit hữu cơ khác (axit formic, axetic, tactric, malic...), các men tiêu hóa như lipaza, amilaza, invectin, tinh bột, protic, sáp, sắc tố, phấn thơm, phấn hoa nhiều axit amin và các vitamin A, D, E, các muối khoáng khác...
Ngoài tác dụng bổ dưỡng cơ thể, mật ong còn được dùng cho bệnh nhân lao, suy dinh dưỡng, kiệt sức, còi xương ở trẻ em. Lòng đỏ trứng gà trộn mật ong có chất kích thích để tăng hồng cầu rất rõ. Mật ong làm giảm độ axit dịch vị (HCl) trong viêm loét dạ dày - tá tràng, có tác dụng làm giảm các triệu chứng nóng rát, đau xót, âm ỉ khó chịu ở vùng thượng vị, trong viêm tấy xung huyết niêm mạc dạ dày ruột cấp. Mật ong trộn với nước chanh tươi dùng trong sốt cao, co giật ở trẻ em rất tốt.
Phòng đột quỵ
Trà xanh ngăn chặn sự tạo mảng bám (lớp mỡ) trên thành mạch. Trà làm giảm sự thèm ăn nên không làm tăng cân. Trà xanh cũng tốt cho hệ miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH bang Kansas đã định lượng chất ôxy trong trà xanh và phát hiện ra rằng hàm lượng này có hiệu lưucj gấp 100 lần vitamin C và 25 lần vitamin E trong việc bảo vệ các tế bào, chống lại những tổn thương mà người ta nghĩ có liên quan với bệnh ung thư, bệnh tim và những bệnh khác.
Hen suyễn
Hành tây giúp các khí quản phổi dễ dàng co thắt (nhiều bà mẹ làm những túi hành đặt lên ngực con, giúp giảm bớt các chứng bệnh hô hấp, thở thoải mái hơn).
Viêm khớp
Cá hồi, cá ngừ, cá thu và cá mòi giúp ngăn chặn bệnh viêm khớp (trong cá có dầu omega, tốt cho hệ thống miễn dịch).
Rối loạn tiêu hóa
Chuối làm ổn định chứng rối loạn tiêu hóa. Cháo cà rốt có tác dụng trị được tiêu chảy vì nó bù được lượng nước và điện giải mất đi, đồng thời có tác dụng giảm nhu động ruột, hút các chất nhầy và độc tố của vi khuẩn.
Nấu cháo (súp) cà rốt cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên bị tiêu chảy: 1 lít nước cháo loãng, khoảng 400g cà rốt tươi, rửa sạch, cạo vỏ và cho vào nước cháo nấu chín. Cho ăn cháo (súp) cà rốt này trong 2 ngày đầu trẻ bị tiêu chảy, mỗi ngày từ 100 - 150ml/kg thể trọng.
Các vấn đề về xương
Dứa có thể ngăn gãy xương hoặc loãng xương nhờ có chứa nguyên tố mangan. Đậu tương và thành phẩm của nó là đậu phụ được nông dân Trung Quốc dùng hằng ngày cho nên phụ nữ ở những vùng này ít khi bị loãng xương.
Có vấn đề về trí nhớ
Sò giúp cải thiện sức vận hành của trí nhớ nhờ cung cấp lượng kẽm cần thiết. Ngoài ra, nên dùng loại thực phẩm giàu axit omega-3 và DHA vì có tác dụng lên não bộ và hệ thần kinh trung ương, tác dụng bảo vệ tim mạch.
Cá nước lạnh đặc biệt nhiều mỡ và là nguồn phong phú nhất về omega-3. Tuy nhiên, cá nuôi có ít omega-3 hơn so với cá hoang dã, cá hồi sông, cá ngừ, cá tuyết chấm đen, cá thu, cá trích, cá sác đin...
Cảm lạnh
Tỏi làm cho đầu bớt nặng, làm giảm lượng cholesterol. Khi cảm thấy bắt đầu đau họng, bạn hãy ăn ngay tỏi, nó sẽ giúp bạn ngăn chặn được viêm họng.
Ho
Tiêu đỏ có chất tương tự với chất có trong siro ho. Dùng tiêu đỏ cũng nên thận trọng vì làm cho dạ dày bị cồn cào.
Y học truyền thống cũng đưa ra lời khuyên với ho ở trẻ em: Trẻ ho kèm theo đau họng và chảy nước mũi (không có nhiễm khuẩn hô hấp) thì cho điều trị tại nhà bằng các biện pháp như xông nước lá, các thuốc ho Đông y, mật ong, húng chanh... không cần dùng thuốc kháng sinh.
Mạch máu bị tắc
Ăn quả bơ. Chất béo đơn không bão hòa trong quả bơ làm giảm lượng cholesterol. Hành được y học coi là “thuốc bổ” của tim. Một nghiên cứu cho thấy hằng ngày ăn 200g hành củ sống sẽ tránh được sự hình thành những nguy cơ rắc rối ở mạch máu.
Củ hành còn là nguồn cung cấp chất selen, vitamin E, che chở cho các tế bào khỏi bị tấn công bởi các gốc tự do.
Đường huyết không cân bằng
Chất crom trong súp lơ xanh và đậu phộng giúp điều hòa chất insulin và nồng độ đường trong máu.
Theo BS. Đào Xuân Dũng
Khoa học & Đời sống