Thực phẩm từ chuỗi an toàn được ưu tiên cho trường học
(Dân trí) - Nguồn thực phẩm được cung ứng từ mô hình liên kết chuỗi đang được TPHCM ưu tiên cho hệ thống các bếp ăn phục vụ học sinh. Ban Quản lý An toàn Thực phẩm kỳ vọng sẽ tạo được mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn, ổn định.
Kiểm soát thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn
Mất an toàn thực phẩm là vấn đề báo động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, nguy cơ gây ra nhiều loại bệnh nan y. Làm thế nào để thực phẩm kém chất lượng, chứa những độc tố tự nhiên, tồn dư hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh… không lên bàn ăn của người dân lâu nay là bài toán chưa tìm được lời giải.
TPHCM với quy mô khoảng 13 triệu dân, nhu cầu thực phẩm mỗi ngày rất lớn nhưng thành phố chỉ tự cung cấp được 20 đến 30% tổng sản lượng thực phẩm tiêu thụ hàng ngày số còn lại phụ thuộc vào nguồn hàng từ các tỉnh và nhập khẩu. Lợi dụng nhu cầu lớn, trong bối cảnh đời sống người dân còn khó khăn, nhiều nguồn thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo chất lượng vệ sinh đã len lỏi đến từng con hẽm.
Để kiểm soát thực phẩm từ nơi sản xuất đến bàn ăn thành phố đã chủ động xây dựng đề án thí điểm quản lý theo “chuỗi thực phẩm an toàn”, đề án trên đang mang lại hiệu quả khả thi. Thống kê đến tháng 9 năm 2018 cho thấy, Ban An toàn Thực phẩm đã thẩm định và cấp 229 giấy chứng nhận cho 128 trang trại cơ sở sản xuất, kinh doanh với tổng sản lượng thực phẩm đảm bảo quy định an toàn lên tới gần 110.000 tấn mỗi năm.
Các chuỗi thực phẩm đang được ưu tiên phát triển bao gồm rau, củ, quả, trái cây; chuỗi sản phẩm động vật tập trung vào thịt gia súc, gia cầm; chuỗi sản phẩm thủy sản cá tôm và nước mắm. Hiện, Ban An toàn Thực phẩm đã ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thủy sản từ các chuỗi cung ứng giữa TPHCM với 4 tỉnh Long An, Lâm Đồng, Bình Thuận, Sóc Trăng nhằm quản lý chất lượng thực phẩm từ nông trại đến bàn ăn.
Ưu tiên thực phẩm từ chuỗi cho các trường học
Ngộ độc thực phẩm là vấn nạn có nguyên nhân từ thực phẩm kém chất lượng hoặc khâu chế biến, bảo quản, vận chuyển không đảm bảo dẫn tới ôi thiu, nhiễm khuẩn gây hại cho sức khỏe người dùng. Những năm trước, trên địa bàn TPHCM liên tiếp xảy ra ngộ độc tập thể khiến nhiều người phải nhập viện cấp cứu. Sự cải cách trong hoạt động quản lý thực phẩm gần đây đã từng bước kéo giảm số vụ ngộ độc, riêng 9 tháng đầu năm 2018 trên địa bàn TPHCM không có vụ ngộ độc tập thể xảy ra.
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn Thực phẩm cho hay: “Chúng tôi đang tập trung xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn với những mục tiêu trọng điểm. Nguồn thực phẩm sạch đang được xây dựng từ chuỗi liên kết ngay tại thành phố và phối hợp với các tỉnh lân cận. Bài toán đặt ra là làm thế nào để thực phẩm sạch đến với người tiêu dùng?”
Các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp, suất ăn trường học… là những điểm dễ bị ngộ độc do việc trà trộn thực phẩm kém chất lượng vào khâu chế biến vì mục tiêu lợi nhuận. Trong các loại hình bếp ăn trên thì suất ăn trường học là nhóm cần được ưu tiên bởi thế hệ tương lai của đất nước phải được chăm sóc, bảo vệ tốt nhất trong mọi vấn đề đời sống xã hội đặc biệt là bữa ăn thường ngày. Suất ăn của học sinh không chỉ đơn thuần là đảm bảo đủ lượng và chất mà còn phải sạch.
PGS Phong Lan cho biết: “Ban An toàn Thực phẩm đã chủ động ký kế hoạch liên tịch với Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố về đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh. Ban an toàn thực phẩm đã phối hợp với Sở Giáo dục tiến hành thanh kiểm tra tất cả các trường trên địa bàn thành phố, chấn chỉnh việc thực hiện quy định tại những trường chưa đảm bảo quy định vệ sinh an toàn thực phẩm để tránh nguy cơ ngộ độc cho học sinh”.
Theo đó, Ban An toàn Thực phẩm đã xây dựng và tập huấn quy trình tiếp nhận thực phậm một chiều, quy trình xử lý trong trường hợp xảy ra ngộ độc cho tất cả giáo viên cũng như hiệu trưởng, đặc biệt là người phụ trách bếp ăn của trường. Quan trọng hơn, nguồn thực phẩm phục vụ chế biến suất ăn cho học sinh, không đơn thuần là những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng mà phải là những thực phẩm đạt chuẩn VietGAP; GlobalGAP; chuẩn hội nhập của Hàng Việt Nam chất lượng cao trong chuỗi thực phẩm an toàn có thể phục vụ xuất khẩu.
Bước đầu, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chọn thí điểm mô hình sử dụng thực phẩm đạt chuẩn chất lượng chế biến suất ăn cho học sinh tại 6 quận huyện. UBND thành phố cũng đã có văn bản đề nghị các quận huyện chỉ đạo các trường trên địa bàn thực hiện việc cung ứng suất ăn đảm bảo chất lượng, an toàn cho học sinh. Những trường trong các quận huyện đang thí điểm nhận được sự đồng thuận của các bậc phụ huynh. Sắp tới, Ban Quản lý an toàn thực phẩm sẽ tiến hành kiểm tra, tổng kết, công bố danh sách các trường đạt chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó tiếp tục nhân rộng mô hình, từng bước tạo mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn, ổn định trong cộng đồng.
Vân Sơn