Thực phẩm Tết giá “bèo”: Thấy làm mới sợ!
Thực phẩm chế biến Tết như lạp xưởng, chả lụa, bánh, mứt tràn ngập thị trường. Tuy nhiên, trong đó lượng hàng không bao bì, nhãn mác với giá cả không bình thường, thấp hơn hàng có nhãn mác đến 2/3 giá.
Rẻ hơn cả giá nguyên liệu
Tại khu vực nhà lồng chợ Lê Tấn Kế, bên hông chợ đầu mối Bình Tây, quận 6 - TPHCM, mặt hàng lạp xưởng bày bán đỏ rực cả chợ. Trong đó, phần lớn là loại không có bao bì. Loại lạp xưởng trần trụi này treo lủng lẳng trên sạp hoặc đóng thành “cây” cả chục ký. Hàng cấp thấp này có nhiều giá, từ 23.000 đồng- 30.000 đồng/kg, thậm chí có loại chỉ có 20.000 đồng/kg (chưa trả giá). Nhiều sạp ở đây còn bày bán loại lạp xưởng đóng hộp khá bắt mắt mang tên “Mai Quế Lộ” nhưng giá bán chỉ có 12.500 đồng/hộp (loại 1/2 kg).
Trên vỏ hộp không hề tìm thấy địa chỉ cơ sở sản xuất, hạn sử dụng. Ông chủ sạp tên Sơn giải thích: Hàng này ăn không ngon, chỉ thích hợp bỏ mối cho các quán ăn bình dân hoặc dùng để chế biến các món ăn, làm bánh. Những người bán còn bật mí, loại 20.000 đồng- 23.000 đồng/kg tiêu thụ khá mạnh. Có nhiều người đến lấy hàng kèm theo mua vỏ hộp giấy in sẵn “Lạp xưởng Mai Quế Lộ” về vô bao ni-lông hàn miệng và vào hộp loại 1/2 kg, bán với giá từ 15.000 đồng- 20.000 đồng/hộp là chuyện bình thường.
Qua tìm hiểu, ngoài nguồn lạp xưởng có giá thấp từ Sóc Trăng lên còn có nguồn lạp xưởng giá “bèo” 20.000 đồng/kg được làm từ nhiều lò ở quận 6, 8, 11, Tân Bình, Thủ Đức... để bỏ mối đi khắp nơi. Giá sỉ tại lò chỉ có từ 10.000 đồng- 15.000 đồng/kg.
Ông Bình, có thâm niên trên 30 năm trong nghề chế biến lạp xưởng tại quận 6, cho biết lạp xưởng cũng như bánh trung thu, giá nào cũng có. Muốn rẻ thì họ trộn nhiều mỡ, da heo vào. Giá mỡ chỉ có 5.000 đồng - 6.000 đồng/kg, thậm chí chợ chiều chỉ còn 3.000 đồng - 4.000 đồng. Còn da heo tại các chợ đầu mối như Phạm Văn Hai, An Lạc được các sạp thải ra, vứt bỏ đầy trên lối đi. Một số người thu gom đem bán lại cho lò với 1.000 đồng - 2.000 đồng/kg.
Trước đây, đoàn kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm quận Tân Bình đã phát hiện một vài cơ sở sản xuất lạp xưởng còn nghiền cả giấy cạc-tông trộn vào, còn nguyên liệu mỡ, thịt heo bốc mùi hôi thối nồng nặc. Các cơ sở này đều sử dụng phẩm màu công nghiệp để làm đỏ sản phẩm.
Tại các chợ lề đường ở quận 2, 9, Thủ Đức, Tân Phú... còn xuất hiện cả loại lạp xưởng chỉ có hơn 7.000 đồng nửa ký. Chúng tôi thắc mắc để đến Tết có bị mốc, chảy nhớt không thì được trả lời chắc nịch: “Để đến năm sau cũng không hề hấn gì. Nếu hư đem ra đây đền gấp đôi!”.
Tại chợ Bình Tây, chợ Minh Phụng (Q.6), chợ Phạm Thế Hiển, chợ Xóm Củi (Q.8), chợ Bà Chiểu, chợ Văn Thánh (Q. Bình Thạnh) bày khá nhiều mặt hàng chả lụa, cá viên không nhãn hiệu. Trong đó có nhiều loại có giá “bèo”, muốn mua bao nhiêu cũng có (nếu lấy số lượng vài chục ký phải đặt hàng trước). Chẳng hạn, chả lụa từ 20.000 đồng- 25.000 đồng/kg, chả quế từ 30.000 đồng- 35.000 đồng/kg. Người bán cũng cho biết hàng này dĩ nhiên là được trộn bột nhiều, nhưng bảo đảm dai, thơm mùi đặc trưng!
Nhiều cán bộ thú y cho biết, mùa Tết là thời điểm làm ăn mạnh của các lò chế biến thực phẩm kém phẩm chất. Sở dĩ các mặt hàng lạp xưởng, chả lụa có giá chỉ bằng một tô phở là họ có nguồn cung cấp heo bệnh, heo chết từ các trại ở Đồng Nai. Đối với heo mới chết có giá bán chỉ trên dưới 100.000 đồng/con, còn heo chết đã qua ngày thì ai nhặt cũng được. Heo chết này sẽ được chế biến thành lạp xưởng bằng màu công nghiệp đỏ au, còn chả lụa được làm trắng bằng chất tẩy công nghiệp, kể cả chất tạo dẻo, chống mốc. Vừa qua đoàn kiểm tra liên ngành quận Bình Thạnh phát hiện một cơ sở sản xuất giò chả trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, sử dụng cả chất tẩy trắng công nghiệp rất độc gây nhiều chứng bệnh ung thư cho người sử dụng.
Sửa “đát” ngày càng phổ biến
Mới đây Đội 5B QLTT TPHCM kiểm tra, phát hiện Công ty TNHH Nước giải khát Băng Cốc (77 Phù Đổng Thiên Vương, quận 5), tổ chức sửa “đát” (hạn sử dụng) nhiều loại thực phẩm chế biến đóng gói do Thái Lan sản xuất với quy mô lớn. Tại hiện trường có 42 lon bánh mực viên Xcite đã được xóa “đát” bằng chất aceton, 55 thùng (24 lon/thùng) và 12 lon đã được in “đát” mới đến tháng 11/2007, 10 thùng bánh hết hạn sử dụng từ ngày 28/6/2006, 384 kg mực viên dạng xá đều đã hết hạn sử dụng và 130 gói đậu phộng không nhãn hiệu. Cơ quan chức năng cũng đã thu hồi 7 con dấu dùng để in đát, 3 hộp mực dùng để sửa đát và cả trăm vỏ hộp dùng để đóng gói.
Ngoài ra, cơ quan chức năng còn phát hiện thêm khoảng 700 thùng (23 mặt hàng bánh, kẹo, nước ép trái cây, thạch, nước ngọt đóng lon của công ty này đang gửi tại một kho trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4, chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ). Phần lớn số hàng này đều thuộc dạng cận “đát” từ tháng 4 – 6/2007.
Ông Quang Thanh, đội trưởng Đội 5B, cho biết hàng do Công ty TNHH Nước giải khát Băng Cốc sửa “đát” được phân phối ra thị trường nhiều tỉnh - thành, trong đó có cả siêu thị ở TPHCM (hiện đã thu hồi được 121 sản phẩm tại 3 siêu thị).
Theo Nguyễn Hải
Người lao động