Thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất

(Dân trí) - Lần đầu tiên bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện thành công kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay. Trước đó, kỹ thuật này chỉ được thực hiện cho người lớn.

BS Mai Cường, khoa Hồi sức tích cực (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi Nguyễn Mai Thu (14 tuổi) được chuyển đến khoa đêm 1/8, sau khi được cấp cứu tại khoa Nhi. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nguy cấp do bị suy tim nặng, có tiền sử hở van hai lá, có tổn thương cơ tim trước đó… Dù được cấp cứu, điều trị tích cực nhưng bệnh nhân vẫn ở tình trạng sốc nặng, suy tim, huyết áp tụt còn 60/40mmHg, nguy cơ tử vong cao.
 
Bệnh nhi đã hồi phục sau 6 ngày được chạy ECMO. Ảnh: Song Hiệp
Bệnh nhi đã hồi phục sau 6 ngày được chạy ECMO. Ảnh: Song Hiệp

“Đứng trước bệnh nhân nguy cơ tử vong mười mươi vì sốc nặng, suy tim, các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định tiến hành kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO) cho bệnh nhi. Dù lường trước khó khăn (do kích thước mạch máu trẻ em nhỏ, bác sĩ phải lựa chọn cannula đặt trong mạch máu sao cho vừa đủ để hút máu ra và bơm máu vào) nhưng các bác sĩ rất quyết tâm vì chỉ có thực hiện thành công phương pháp này mới cứu được bệnh nhi khỏi tử vong”, BS Cường cho biết.

BS Phạm Thế Thạch (Khoa Hồi sức tích cực, BV Bạch Mai) cho biết, kỹ thuật ECMO có thể được áp dụng cho việc hỗ trợ chức năng tim - chức năng phổi khi có suy tim nặng, sốc tim hay các suy hô hấp cấp tiến triển nặng mà không đáp ứng với các biện pháp hồi sức thường quy cũng như hồi sức nâng cao.

Hiện nay, kỹ thuật ECMO được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực hồi sức, điều trị hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển nặng như: viêm phổi do cúm H5N1, H1N1, H7N9 nặng mà các máy hỗ trợ hô hấp không hiệu quả; viêm phổi do vi khuẩn hoặc do các tình trạng sốc nguyên nhân do tim như: do viêm cơ tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim nặng, nhồi máu phổi nặng, suy tim nặng chờ ghép tim…

Trước đó, tại Khoa Hồi sức tích cực, kỹ thuật này đã được áp dụng cho 20 bệnh nhân trưởng thành và đều cho kết quả tốt. Còn đây là trường hợp bệnh nhi đầu tiên được thực hiện thành công kỹ thuật này. Sau 6 ngày được áp dụng kỹ thuật ECMO, tình trạng bệnh nhi tiến triển tốt, sau đó hồi phục hoàn toàn nên đã ngừng kỹ thuật ECMO và rút ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân đã tự thở được mà không cần bất kì hỗ trợ nào khác, ăn, ngủ tốt, sức khỏe ổn định và sẽ được xuất viện vài ngày tới.

Tú Anh