Thừa Thiên Huế: Máy chạy thận hiện đại tiền tỷ cất kho... 8 năm

Đại Dương

(Dân trí) - Hai chiếc máy chạy thận nhân tạo trị giá hơn 1,2 tỷ đồng/chiếc bị cất kho suốt 8 năm kể từ khi nhập khẩu về cơ sở khám chữa bệnh Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Cơ sở khám chữa bệnh Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế trước đây là Bệnh viện đa khoa Chân Mây thuộc quản lý Sở Y tế tỉnh, nay thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc (gọi tắt là Trung tâm)

Thừa Thiên Huế: Máy chạy thận hiện đại tiền tỷ cất kho... 8 năm - 1

Bệnh viện đa khoa Chân Mây trước đây thuộc Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, nay là cơ sở khám chữa bệnh Chân Mây thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc.

Trước thông tin phản ánh cơ sở này cất kho 2 máy chạy thận nhân tạo trị giá hàng tỷ đồng cất kho lâu năm gây lãng phí, ngày 6/4, BS Ngô Văn Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết, máy đã nhập về từ năm 2004-2005. Tuy nhiên do đơn vị nhỏ quá, không thể vận hành được các thiết bị chuyên môn sâu nên chưa đưa 2 thiết bị này vào sử dụng được.

Theo BS Ngô Văn Dũng, máy chạy thận sử dụng được không phải chỉ có người chuyên môn về chạy thận nhân tạo đứng máy mà còn các ekip vận hành các thiết bị đi kèm như máy thở, máy đo điện não đồ… tính ra phải có 4-5 cán bộ, bác sĩ mới vận hành được cả guồng máy.

Hiện đơn vị đã phải để 2 máy chạy thận nhân tạo gần 8 năm chưa một lần sử dụng ở phòng X-Quang có máy lạnh chạy 24/24h để tránh hư hỏng thiết bị.

Thừa Thiên Huế: Máy chạy thận hiện đại tiền tỷ cất kho... 8 năm - 2

Hai máy chạy thận nhân tạo giá hơn 1,2 tỷ đồng/chiếc cất kho ở cơ sở khám chữa bệnh Chân Mây thuộc Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế (Ảnh: Đại Dương).

Do chưa lần nào sử dụng, nên hiện tại cũng không biết máy có còn hoạt động tốt các chức năng hay không. Nhân viên y tế tại cơ sở khám chữa bệnh Chân Mây tuần nào cũng phải cắm điện, bật điện cho máy khởi động chạy, nhằm làm ấm các thiết bị phía trong cho máy đỡ hư.

Trong khi 2 chiếc máy tiền tỷ cất kho thì ở nhiều bệnh viện khác, bệnh nhân chạy thận phải chờ đợi đến phiên vì thiếu máy.

"Tôi nhìn thấy cũng rất uổng và phí. Máy không sử dụng được vì không đủ nhân lực. Có người cũng từng hỏi tại sao máy để vậy không dùng tôi cũng không biết nói sao" - ông Dũng xót xa.

Cách đây mấy năm, đã có lần BS Hoàng Văn Thám, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Chân Mây từng đề xuất chuyển máy đi nơi khác nhưng vẫn chưa được cấp trên phê duyệt. Để làm rõ việc trên, PV đã liên hệ để đặt câu hỏi với Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có câu trả lời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm