1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thừa cân béo phì tác động “tiêu cực” đến giống nòi

(Dân trí) – Trong vòng 20 năm qua, tầm vóc người Việt Nam có sự cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, sự khập khiễng của chế độ dinh dưỡng hiện nay khiến dân số rơi vào “lưỡng cực” suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì, các bệnh mãn tính không lây tăng nhanh.

Thống kê của Trung tâm dinh dưỡng TPHCM cho thấy tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi có sự thay đổi đáng kể, tỷ lệ suy dinh dưỡng chỉ còn 6,8%. Tuy nhiên, thừa cân, béo phì ở trẻ lứa tuổi này lại gia tăng nhanh chóng, cuối năm 2010 mới ở mức 11,5% thì đến quý 3 của năm 2011 con số này đã lên đến gần 20%.

Khảo sát mới đây của ngành y tế học đường TPHCM tại các trường thuộc quận 1, tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì tăng bình quân 20%. Mới đây nhất, qua đợt khám sức khỏe cho học sinh của một trường tiểu học ở Q.3, cho thấy tỷ lệ học sinh thừa cân, béo phì lên đến 40%.

Thừa cân béo phì tác động “tiêu cực” đến giống nòi - 1
Gia đình, nhà trường cần chuẩn bị cho trẻ chế độ ăn uống và vận động hợp lý

BS Nguyễn Tài Dũng, phụ trách chương trình y tế học đường TPHCM cho biết, hiện thành phố có khoảng 1,5 triệu học sinh từ tiểu học đến phổ thông. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1.200 trường bán trú có tổ chức cho học sinh ăn trưa tại trường, tương đương khoảng 500.000 học sinh. Song phần lớn các trường chưa có chế độ ăn uống dành riêng cho trẻ suy dinh dưỡng và trẻ thừa cân, béo phì các trẻ vẫn ăn theo sở thích và nhu cầu khiến trẻ béo phì ngày càng tăng cao trong khi trẻ suy dinh dưỡng ngày càng còi cọc.

Bà Tô Thị Kim Hoa, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố khuyến cáo gia đình và nhà trường cần chuẩn bị chi tiết cho trẻ một chế độ ăn uống, vận động hợp lý. Nhà trường cần tập trung việc đẩy mạnh chương trình dinh dưỡng học đường, bổ sung các vi chất dinh dưỡng (vitamin A, viên sắt, iot ...) cho học sinh. Ngoài ra cần phải có biện pháp khống chế tình hình gia tăng thừa cân béo phì ở trẻ nhỏ.

Bà Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng thành phố kiến nghị, chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011 - 2020 cần triển khai các giải pháp can thiệp đặc thù cho từng vùng miền và các nhóm đối tượng cụ thể, trong đó chú trọng đến vấn đề suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em để góp phần nâng cao tầm vóc của người Việt Nam. Đồng thời kiểm soát tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh mãn tính không lây có liên quan để bảo vệ sự phát triển bền vững của giống nòi.

Vân Sơn