Thủ tướng Anh: “Thế giới có thể chìm trong kỷ nguyên đen tối của y học”
(Dân trí) - Thế giới có thể “chìm trong kỷ nguyên đen tối của y học” khi con người sẽ chết vì những bệnh nhiễm trùng có thể điều trị được chỉ vì những vi khuẩn chết người đang dần trở nên kháng lại các thuốc kháng sinh, Thủ tướng Anh David Cameron cảnh báo.
Ông kêu gọi các chính phủ và các công ty thuốc trên khắp thế giới cùng bắt tay vào hành động để “thúc đẩy” việc tìm ra một thế hệ kháng sinh mới.
Bài phát biểu của Thủ tướng Anh thừa nhận mối lo ngại của các chuyên gia y học là những bệnh điều trị được như viêm phổi và lao có thể giết chết rất nhiều người như chúng đã từng làm trong thế kỷ 20.
Tình trạng thiếu các thuốc mới có thể chống trả vi khuẩn đã được Tổ chức Y tế thế giới mô tả là “một trong những nguy cơ toàn cầu lớn nhất mà y học hiện đại đang phải đối mặt”.
Nếu không hành động khẩn cấp, thế giới đang đứng bên bờ vực của kỷ nguyên “hậu kháng sinh”, các chuyên gia cảnh báo.
Trước đó, cố vấn y học của chính phủ Anh, GS Dame Sally Davies cũng cảnh báo hệ thống y tế Anh có thể thụt lùi 200 năm nếu không đối phó thành công với thảm họa vi khuẩn kháng kháng sinh.
GS Dame Sally Davies cho biết vấn đề vi khuẩn ngày càng trở nên đề kháng với các thuốc mạnh nhất hiện nay cần được xếp ngang hàng với nguy cơ khủng bố và thay đổi khí hậu đe dọa nước Anh.
Đi cùng với hiệu quả kém dần của kháng sinh trong việc chống lại vi khuẩn là “khoảng trống phát minh” - khi mà có rất ít thuốc mới được nghiên cứu.
Theo GS Dame Sally Davies, chỉ trong 20 năm nữa thì ngay cả những phẫu thuật nhỏ cũng có thể gây chết người do nhiễm trùng không thể điều trị được, “và nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, thì hệ thống y tế sẽ không khác gì so với hồi đầu thế kỷ 19”.
“Kháng kháng sinh là quả bom nổ chậm không chỉ ở Anh mà còn đối với cả thế giới. Chúng ta cần chung sức để đảm bảo rằng kịch bản bi thảm của tình trạng kháng kháng sinh lan rộng sẽ không trở thành hiện thực. Mối đe dọa này cũng nghiêm trọng ngang với sự thay đổi khí hậu”.
Cố vấn Dược của chính phủ Anh, Keith Ridge, cho biết mặc dù cơ chế kiểm soát việc kê đơn kháng sinh đã được siết chặt tại các bệnh viện, song vẫn cần kiểm soát chặt chẽ hơn và thận trọng hơn việc kê đơn kháng sinh trong phẫu thuật của các bác sĩ đa khoa.
Ở Anh, mặc dù nhiễm trùng bệnh viện do những vi khuẩn như tụ cầu vàng kháng methicilline (MRSA) và C. difficile đã giảm mạnh so với 10 năm trước – giảm 80% - song đang có những vi khuẩn khác thay thế, như E. coli và Klebsiella, hiện là những tác nhân gây nhiễm trùng bệnh viện hay gặp nhất.
Mỗi năm có khoảng 25.000 người chết ở châu Âu do những bệnh nhiễm trùng kháng kháng sinh. Còn ở Anh mỗi năm có khoảng 5.000 bệnh nhân chết do nhiễm trùng máu, một nửa số này là do vi khuẩn kháng thuốc.
Trong khi việc sử dụng kháng sinh ngày càng tăng – không chỉ trong chăn nuôi và thủy sản – thì tình trạng kháng kháng sinh cũng tăng dần cùng với “sự thiếu vắng” những thuốc mới có thể thế chỗ cho những thuốc đã mất tác dụng.
Từ năm 1987 đến nay chưa có nhóm kháng sinh mới nào được phát triển, và đây cũng là tình trạng chung của thế giới, mặc dù vẫn có một số ít các thuốc lẻ tẻ được nghiên cứu, bao gồm những công ty dược lớn của Anh như GSK và AstraZeneca. Lý do là sự suy thoái của thị trường. Các công ty rất ngần ngại khi bỏ tiền để phát triển những loại thuốc mới mà chỉ được dùng với liệu trình ngắn ngủi, so với các thuốc điều trị bệnh mạn tính – ví dụ như cao huyết áp – có thể bệnh nhân phải dùng cả đời.
Một lý do nữa khiến các công ty thuốc hiện ít đầu tư cho các kháng sinh mới vì chi phí để phát triển thuốc quá tốn kém. Trong khi bản quyền sáng chế đối với nhiều kháng sinh đã hết hạn, khiến cho có thêm nhiều công ty tham gia vào thị trường. Điều này đồng nghĩa với việc các hãng thuốc lớn thu được ít lợi nhuận hơn và do đó đầu tư ít hơn cho những thuốc điều trị “sống còn”.
Việc giải quyết “khoảng trống” này cần sự nỗ lực ở tầm quốc tế, và có thể bao gồm sự can thiệp của chính phủ trong phát triển thuốc mà hiện vẫn thuộc lĩnh vực tư nhân.
Cẩm Tú
(Tổng hợp)