Thu phí “cắt cổ” ở cơ sở hai của bệnh viện Chợ Rẫy

Nhiều bệnh nhân thấy mình như bị lừa sau khi được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang “cơ sở” hai (còn gọi là vệ tinh) của bệnh viện này điều trị. Mỗi bệnh nhân dù bệnh nhẹ hay nặng cũng phải trả hơn 1 triệu đồng viện phí mỗi ngày.

 

Thu phí “cắt cổ” ở cơ sở hai của bệnh viện Chợ Rẫy - 1

Các bệnh nhân từ bệnh viện Chợ Rẫy được chuyển sang TT A1
 

Vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật vận động (1A Lý Thường Kiệt, Q.Tân Bình, TPHCM, gọi tắt là Trung tâm 1A) để điều trị tiếp nhưng nhiều bệnh nhân không thể nằm yên vì giá viện phí quá cao.

 

Bệnh viện “2 ngày 3 triệu”

 

Sáng 21/4, trước cửa phòng bệnh 12A khoa chấn thương thần kinh Trung tâm 1A, bệnh nhân D.V.N. (77 tuổi, ở Đức Hòa, Long An) nhất định không chịu nằm trên giường bệnh mà ngồi ngay trên ghế đá. “Nhanh lo thủ tục xuất viện đi. Viện phí cao như vậy làm sao chịu nổi”. Ông N. cứ ngồi ôm đầu gối, liên tục nhắc người cháu làm thủ tục xuất viện.

 

Ông N. bị té do tăng huyết áp. Khi đến Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ đã chụp CT cho ông và thông báo không có máu tụ trong não. Qua một đêm nằm tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ngày 18/4 ông N. được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang Trung tâm 1A. Sáng 19/4, hai ông cháu choáng váng khi nhận được giấy thông báo phải nộp tiền tạm ứng viện phí 3 triệu đồng. Ông hốt hoảng, hỏi những bệnh nhân xung quanh thì họ bảo cứ hai ngày Trung tâm 1A sẽ có giấy thông báo nộp tiền tạm ứng 3 triệu đồng.

 

Chưa kể bệnh nhân nào có chỉ định phẫu thuật, chụp CT, MRI sẽ phải nộp tiền riêng. Có bệnh nhân còn gọi trung tâm này là bệnh viện “2 ngày 3 triệu”. Nghe vậy, hai ông cháu xin được xuất viện ngay. Số thuốc bác sĩ chỉ định trong ngày 20/4 ông N. cũng từ chối dùng. Vậy mà lúc thanh toán viện phí lên gần 1,5 triệu đồng, trong đó chỉ riêng tiền thuốc điều trị một ngày gần 1 triệu đồng, tiền chuyển viện 100.000 đồng và tiền giường nằm hai đêm 240.000 đồng...

 

Ngồi trên giường bệnh, ông N.H.H. (51 tuổi, ở Nhơn Trạch, Đồng Nai) vừa xếp quần áo vào chiếc túi xách để đón xe về nhà vừa kể ông là dân lao động, mỗi ngày làm mướn được 60.000-80.000 đồng. Viện phí mỗi ngày hơn 1 triệu đồng đối với ông là một số tiền rất lớn. Dù chưa khỏe hẳn nhưng ông H. đã phải làm thủ tục xuất viện.

 

Cầm hóa đơn thanh toán viện phí, ông H. phàn nàn chỉ nằm điều trị hai ngày mà phải đóng gần 2,5 triệu đồng. Ông thắc mắc không biết bác sĩ cho thuốc gì mà mắc thế vì chỉ riêng tiền thuốc trong hai ngày đã hết 1,9 triệu đồng. Trước khi ông làm thủ tục xuất viện, trung tâm còn in sẵn giấy báo toa thuốc xuất viện có giá hơn 1,6 triệu đồng nhưng ông đã từ chối mua.

 

Bệnh nhân N.V.N. (ở Đắc Nông) điều trị ba ngày phải đóng viện phí 3,2 triệu đồng, bệnh nhân L.T. (Campuchia) nằm tám ngày đóng 9,2 triệu đồng, bệnh nhân N.T.L. (Bình Thuận) nằm tám ngày đóng 8, 3 triệu đồng... chưa kể những lần chụp CT (800.000 đồng/lần).

 

“Trích” cho Bệnh viện Chợ Rẫy 15%

 

Ngày 14/5/2010, Bệnh viện Chợ Rẫy đã ký hợp đồng với Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng trẻ tàn tật về việc phối hợp chăm sóc điều trị bệnh nhân chuyển từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang.
 
Mỗi tháng Trung tâm 1A hỗ trợ Bệnh viện Chợ Rẫy các chi phí quản lý, điều hành, chỉ đạo tuyến... 15% trên tổng số tiền thu được từ số bệnh nhân do Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang (ngoại trừ tiền thuốc và y cụ).
 
Số tiền này được phân bổ cụ thể như ban giám đốc 2,5%, phòng kế hoạch tổng hợp 2,5%, phòng tài chính kế toán 2,5%, khoa chuyển bệnh 7,5%.
 
Bác sĩ Đỗ Trọng Ánh, giám đốc Trung tâm 1A, cho biết Bệnh viện Chợ Rẫy đã ký hợp đồng với Trung tâm 1A gần một năm nay để phối hợp chăm sóc điều trị bệnh nhân chuyển từ đó sang. Tuy nhiên, bên trung tâm chỉ lo cơ sở vật chất, điều phối và xem xét là chính chứ các chỉ định cận lâm sàng, chỉ định thuốc chủ yếu là của bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy.
Có ép buộc chuyển viện?

 

Các bệnh nhân và người thân của họ cho biết phần lớn bệnh nhân nằm điều trị tại đây được điều trị gần như giống nhau, cùng được truyền dịch, chích thuốc 2-3 lần/ngày và được phát thêm vài viên thuốc uống. Dù bệnh nhân nằm ít hay nhiều ngày, bệnh nhẹ hay nặng đều có mức viện phí hơn 1 triệu đồng/ngày.

 

Không chỉ bức xúc về tiền thuốc quá cao, nhiều bệnh nhân còn bức xúc vì phí chuyển viện. Từ Bệnh viện Chợ Rẫy đến trung tâm này chưa đầy 4km, mỗi xe chuyển bệnh xếp 4-5 bệnh nhân nhưng khi thanh toán viện phí trung tâm vẫn thu mỗi người 100.000 đồng. Nhiều bệnh nhân so sánh đón ta-xi chuyển viện sẽ rẻ hơn nhiều. 

 

Giá thuốc tại trung tâm là áp thầu giá thuốc của Bệnh viện Chợ Rẫy nên sẽ không mắc hơn. Về việc một số đơn thuốc hoặc thuốc dùng điều trị cho bệnh nhân có giá cao, ông Ánh cho biết sẽ tìm hiểu xem có chuyện bác sĩ có cho quá tay hay không để rà soát, chấn chỉnh. Theo ông Ánh, có thể các bác sĩ dưới quyền đã qua mặt ông để làm điều này. Vì vậy, trung tâm sẽ phối hợp với trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy tăng cường giám sát các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy khi qua trung tâm điều trị.

 

Về giá chuyển bệnh mà bệnh nhân thắc mắc, ông Ánh vẫn khẳng định tất cả dịch vụ ở trung tâm là rẻ. Sau đó, ông dẫn chứng một bệnh viện còn thu giá tiền chuyển viện mắc hơn. Về những toa thuốc giá cao (1,4-1,6 triệu đồng) được in sẵn cho bệnh nhân và phục vụ bệnh nhân ngay tại bệnh viện, bà Lê Thị Hòa - điều dưỡng trưởng của Trung tâm 1A - giải thích sở dĩ Trung tâm phải làm vậy vì thấy bệnh nhân chạy không tìm ra thuốc nên trung tâm mới phục vụ thuốc cho bệnh nhân luôn.

 

Không thể đổ hết lỗi cho Chợ Rẫy

 

Sáng 26/4, chúng tôi đã có buổi làm việc với PGS.TS.BS Dương Minh Mẫn, trưởng khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, xung quanh hiện tượng mà bệnh nhân cho là “chặt chém” tại Trung tâm 1A. Ông Mẫn cho biết do luôn trong tình trạng quá tải nên Bệnh viện Chợ Rẫy đã chọn Trung tâm 1A làm vệ tinh cho mình.

 

Mỗi ngày khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển sang Trung tâm 1A số lượng bệnh nhân khá lớn, khoảng 30-40 bệnh nhân với tình trạng bệnh lý tạm ổn định. Không chỉ bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị mà bác sĩ bên Trung tâm 1A cũng tham gia điều trị cho bệnh nhân. Ông Mẫn nói: “Tôi luôn nhắc anh em cho thuốc phải đúng chỉ định, tùy từng hoàn cảnh bệnh nhân mà chọn thuốc điều trị cho hợp lý”.

 

Khi nhìn một số toa thuốc do bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy kê, bác sĩ Mẫn cho rằng không có lý do gì để một bác sĩ phải kê đơn cho một bệnh nhân bị chấn thương đầu nhẹ, đi lại được với giá thuốc 800.000-1 triệu đồng/ngày.

 

“Tôi không chấp nhận điều này”, bác sĩ Mẫn nói và thừa nhận bác sĩ trên đã quá tay trong chỉ định, kê toa. Có nhiều loại thuốc không cần thiết nhưng bác sĩ trên vẫn cho. Ví dụ thuốc Celecoxib rất đắt tiền, dùng điều trị các bệnh xương khớp lại được chỉ định điều trị trong chấn thương sọ não? Thuốc Lepatis (chỉ định cho bệnh gan) cũng được kê cho bệnh nhân.

 

Về việc truyền đạm, bác sĩ Mẫn cho biết tại khoa chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh nhân nào muốn truyền đạm phải được ông ký duyệt. Trong khi theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết những bệnh nhân bị chấn thương đầu ở Trung tâm 1A đều được bác sĩ cho truyền đạm mỗi ngày.

 

Ông Mẫn nhấn mạnh: “Khi thành lập cơ sở vệ tinh này, chỉ riêng thuốc giảm đau tôi đưa ra năm loại từ thuốc rẻ tiền như Paracetamol 500mg đến những thuốc đắt tiền hơn để cho bác sĩ lựa chọn, tùy vào tình hình kinh tế của bệnh nhân. Tôi quản lý về mặt hành chính, tôi cử bác sĩ, điều dưỡng qua Trung tâm 1A điều trị, còn giá thuốc thế nào Trung tâm 1A phải quản lý. Cơ sở vệ tinh cũng phải có trách nhiệm chứ không phải đổ hết do bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy”.

 

Theo Thùy Dương

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm