DNews

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người

Nam Phương -Hồng Hải

(Dân trí) - Mới đây tại Hà Nội, một người tử vong, 4 người nhập viện sau khi uống rượu ngâm táo mèo tại một đám cưới. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu cho thấy, nồng độ methanol là 34%, ethanol chỉ 14,4%.

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người

Uống rượu ngâm táo mèo: 1 người tử vong, 4 người nhập viện

Đang điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, anh T.X.T. (35 tuổi) cho biết, trong mâm cỗ đám cưới có 5 người uống rượu. Cả 5 người đều uống 2-3 bữa, riêng bữa rượu chiều chủ nhật (ngày 21/7) là uống nhiều nhất.

"Sau bữa rượu vào chiều tối ngày chủ nhật, tôi thấy rất mệt nên đã ngủ li bì hơn 2 ngày, không thể dậy nổi, gia đình cũng chỉ nghĩ tôi bị say rượu. Đến chiều thứ 3 (ngày 23/7) khi có biểu hiện quá mệt, buồn nôn, chóng mặt, đau người, lại biết có một người cùng uống rượu đã tử vong, quá lo lắng tôi bảo vợ đưa đi khám", anh T. chia sẻ.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, 4 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, có người bị giảm thị lực, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng, nồng độ methanol trong máu rất cao.

Loại rượu ngâm táo mèo các nạn nhân uống được mua từ một người ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc với số lượng 30 lít. Kết quả xét nghiệm mẫu rượu các bệnh nhân uống trong đám cưới cho thấy, nồng độ cồn công nghiệp methanol là 34%, trong khi ethanol chỉ có 14,4%. Loại rượu các nạn nhân uống là rượu rởm, được pha với cồn công nghiệp methanol.

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 1
Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 2

Loại rượu các nạn nhân uống là rượu rởm, nồng độ ethanol chỉ 14,4%, trong khi nồng độ cồn công nghiệp methanol lên đến 34%.  

Điều các bác sĩ lo ngại là có thể có nhiều người khác trong đám cưới bị ngộ độc, chưa có các biểu hiện cụ thể ra bên ngoài, nhưng đã bị tổn thương ngầm phía trong.

"Chúng tôi lo ngại số lượng người uống rượu và nhiễm độc có thể sẽ nhiều hơn con số 4 bệnh nhân đang điều trị. Vì số lượng người đến đám cưới chắc chắn sẽ rất đông, những người uống rượu, khả năng ngộ độc sẽ khá cao, nhưng chưa có biểu hiện", TS Nguyên nói.

Sau 4 ca ngộ độc rượu methanol từ đám cưới, sáng 24/7 có thêm bệnh nhân 49 tuổi ở Thái Nguyên nhập viện vì ngộ độc cồn công nghiệp methanol.

Theo TS Nguyên, rượu ethanol khi vào cơ thể chuyển hóa rất nhanh, trong khi đó methanol lại ngược lại tốc độ chuyển hóa, đào thải rất chậm (sau 7-8 ngày vẫn có thể tồn tại trong máu). Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành axit formic, là chất độc hơn methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh...

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 3
Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai

Đặc biệt, các bệnh nhân có thể uống nhiều loại rượu, rượu thông thường "cạnh tranh" với methanol, làm quá trình chuyển hóa methanol chậm hơn. Các biểu hiện ngộ độc methanol sẽ chậm hơn so với khi chỉ uống riêng rượu methanol. Tuy nhiên, ethanol chỉ "trói chân" tạm thời methanol, chỉ cần qua đêm methanol sẽ chuyển hóa thành chất độc.

Vì thế, nhiều người chủ quan nghĩ không sao, không đi kiểm tra song bỗng dưng một ngày thấy bị bệnh về mắt, đột quỵ mà không hề biết rằng là do ngộ độc rượu methanol từ mấy ngày trước.

Có nhiều hình thức ngộ độc methanol như uống rượu rởm, uống cồn sát trùng… Hầu hết các trường hợp vào viện đều rất nặng, hôn mê, nhiễm toan chuyển hóa, cá biệt có người bị tổn thương mắt, não, bị mù một bên, thậm chí đã ghi nhận cả ca tử vong. 

"Methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt, dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu nên dễ bị nhầm lẫn", BS Nguyên cho biết.

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 4

Methanol khi vào người được cơ thể chuyển thành axit formic, là chất độc hơn methanol rất nhiều, gây tổn thương mắt, thần kinh...

Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa (do có quá nhiều axit formic được chuyển thành từ methanol), co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch.

Nhồi máu não chỉ vì… uống rượu 

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân các vụ ngộ độc từ rượu trắng không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm khoảng 42%, rượu ngâm cây "thuốc" chiếm khoảng 36%, rượu ngâm động vật và phủ tạng (như ong đất, tắc kè, mật động vật các loại…) khoảng 10%. 

Không chỉ cồn công nghiệp methanol, uống rượu thông thường nếu cũng lạm dụng có thể để lại những hậu quả đáng tiếc. Trung tâm Chống độc từng tiếp nhận chàng trai 30 tuổi, quê Bắc Ninh những tưởng chỉ say rượu bình thường không ngờ lại bị nhồi máu não, một dạng của đột quỵ não. 

Sau khi uống rượu, chàng trai bị nôn rất nhiều, ngày hôm sau thì có biểu hiện nói ngọng, yếu tay. Kết quả chụp chiếu cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não cả 2 bên. 

Bệnh nhân bị nhồi máu não là do uống quá nhiều rượu, không phải tai biến mạch máu não thông thường. Chính việc uống rượu nhiều quá, nôn nhiều dẫn đến mất nước, máu cô đặc khiến bệnh nhân rất dễ bị tắc mạch khi trên nền một số nguy cơ khác như béo phì, cao tuổi, mạch máu có vấn đề… 

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 5
Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 6

Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương não, hạ đường huyết chỉ vì uống rượu thường.

Bên cạnh đó, trung tâm cũng tiếp nhận nhiều trường hợp tổn thương não, hạ đường huyết chỉ vì uống rượu thường. Các trường hợp này mắc sai lầm nguy hiểm là uống rượu mà không ăn, bỏ bữa, dẫn đến hạ đường máu. Bản thân rượu cũng gây hạ đường máu. Nhiều người trẻ vào viện trong tình trạng đường máu về gần như bằng 0. 

Tình trạng hạ đường huyết nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương não, hôn mê, thậm chí dẫn tới tử vong. Trường hợp nào bị hôn mê sâu, nằm lâu thì có thể dẫn đến tổn thương cơ, tiêu cơ vân, suy thận… 

Lạm dụng rượu bia lâu ngày sẽ gây các bệnh về gan, thần kinh và làm giảm miễn dịch của cơ thể. Đáng lưu ý, nhiều người vẫn sai lầm cho rằng, uống rượu xịn, uống bia không hại gan nhưng thực chất dù rượu bia xịn cũng vẫn là gánh nặng cho gan.

Rượu được xác định có liên quan đến 200 loại bệnh, là chất gây nhiều bệnh nhất trong các chất nguy hại cho sức khỏe. Sử dụng rượu lâu ngày làm suy yếu hệ miễn dịch, giảm sức chống đỡ của cơ thể. Người uống rượu lâu ngày khi bị viêm phổi và bị nhiễm trùng nói chung rất dễ trở nặng, tăng nguy cơ tử vong so với bệnh nhân không dùng rượu ở cùng một bệnh.

Rượu nào không được uống? Uống thế nào để an toàn?

Người dân không phân biệt được rượu bằng mắt thường, chỉ biết rượu trắng, không nhãn mác, giá rẻ, bán trôi nổi ngoài thị trường không ai kiểm soát. Một số ít uống cồn y tế vì cho là cồn y tế an toàn dùng cho người, nhưng thực chất là cồn y tế rởm, chứa chủ yếu là cồn công nghiệp methanol. Điều này đòi hỏi quản lý chất sinh phẩm sát trùng này, cảnh báo người dân rõ ràng.

Bác sĩ khuyến cáo rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể. Nó có thể ảnh hưởng đến não gây ức chế thần kinh trung ương, gây hôn mê, ảnh hưởng chức năng hô hấp gây ngừng thở, thở yếu, ảnh hưởng chức năng tim mạch, tụt huyết áp, ảnh hưởng đến đường máu chuyển hóa gây hạ đường huyết, hạ thân nhiệt... Nó cũng là một chất làm mất khả năng kiểm soát, thậm chí chỉ uống ít. 

Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 7
Thứ men say nhiều quý ông mê có thể độc chết người - 8

Rượu là một chất ảnh hưởng rất nhiều đến các chức năng của cơ thể, vì thế chúng ta nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu.

Về liều lượng, bia, rượu vang, rượu mạnh là đồ uống có cồn ở các nồng độ khác nhau. Lượng cồn tiêu thụ được tính toán dựa trên nồng độ cồn của đồ uống và thể tích đồ uống. Cụ thể theo công thức tính sau: Dung tích (ml) x nồng độ (%) x 0,79 (hệ số quy đổi).

Một đơn vị rượu là 10gr cồn tương đương 3/4 lon bia 330ml; 135ml rượu vang; 30ml rượu whisky. Nếu uống cần hạn chế, đối với nam ≤ 2 đơn vị cồn/ngày, nữ ≤ 1 đơn vị cồn/ngày.  

Chúng ta nên cố gắng hạn chế tối đa việc uống rượu. Nếu bắt buộc phải uống, bạn cố gắng uống ít nhất có thể. Một điều cần đặc biệt lưu ý là uống vào phải ăn, đặc biệt thức ăn giàu năng lượng nguồn gốc từ tinh bột để tránh hạ đường huyết như cơm, cháo. Đây là điều rất quan trọng.

Ngoài ra, chúng ta nên uống từ từ, chậm rãi nhằm giảm kích ứng niêm mạc miệng và dạ dày đồng thời giúp gan có thời gian để kịp oxy hóa rượu giảm nguy cơ say và ngộ độc rượu. Trước khi uống rượu, bạn nên uống nước lọc, nước quả, nước súp hoặc nước canh và đồ ăn đặc biệt là rau xanh nhằm pha loãng nồng độ cồn của rượu, giảm kích ứng dạ dày. Bạn nên ăn đồ ăn có nhiều protein khi uống rượu để làm chậm quá trình hấp thu rượu vào máu.  

Hầu hết mọi người đều lầm tưởng uống nước chanh hoặc đồ uống chua có thể giúp giải rượu nhanh hơn. Tuy nhiên, nước chanh chứa rất nhiều axít với một người uống rượu, không ăn gì thì có thể khiến dạ dày bị tổn thương gây nôn thêm. Thay vào đó, chúng ta có thể uống cốc nước đường, sữa, nước canh, nước mật ong… hoặc uống oresol bù nước, điện giải.

Đặc biệt, bạn không nên uống thêm vitamin B1, B6, acid folic… để làm giảm đau đầu khi say, bởi sẽ có hại cho gan. Paracetamol, aspirin và một số loại thuốc giảm đau, hạ sốt khi uống với rượu sẽ kích ứng niêm mạc dạ dày, gây chảy máu đường tiêu hóa. Bên cạnh đó, bạn không không nên uống rượu với đồ uống có ga, với caffeine…

Ảnh: Nam Phương