1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Miền Bắc:

Thời tiết thất thường, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện

(Dân trí) - Thời tiết giá lạnh thất thường ở miền Bắc đã khiến nhiều người đổ bệnh, đặc biệt là trẻ em và người già. Đáng nói, số ca nặng nhập viện tăng do thời tiết lạnh, người dân ngại đi khám và tự điều trị tại nhà.

Nhiều bệnh nhân cấp cứu về đêm

11h đêm, đang ngủ, bỗng nhiên bé Hải Phương (30 tháng tuổi), con chị Minh Anh ở phường Phúc La, Hà Đông bỗng nhiên ho sặc sụa, lồm cồm bò dậy và nôn thốc nôn tháo. Vừa dọn dẹp giường đệm xong, cho bé uống nước để đi ngủ lại, bé lại nôn vọt ra tiếp. Sờ trán không thấy sốt, nghĩ con bị ho kích ứng nên chị cho con uống siro ho. Nhưng vừa uống xong một lúc, nằm xuống giường chuẩn bị ngủ, bé lại cho ra.

Đến 2h sáng, bé phờ phạc vì mệt, bố mẹ cũng mệt bải hoải nhưng vì quá lo lắng nên đã ôm con tới BV Nhi TƯ cấp cứu. Tại đây, bé được chẩn đoán là tiêu chảy do rotavirus, cho truyền một chai nước rồi được xuất viện, uống thuốc, bù nước tại nhà. Lúc này, chị mới vén bụng con lên, thấy bụng bé đầy hơi, vỗ kêu bồm bộp chị mới giật mình, vì trước đây, khi được 10 tháng tuổi, con chị đã bị tiêu chảy rotavirus một lần nên chị không nghĩ bé bị mắc lại.

Tại phòng khám tiêu hoá, cũng rất nhiều trẻ gặp tình trạng như con chị. Hầu hết các bé đều mệt lử do mất nước không được bù nước kịp thời, do các bậc phụ huynh đều nghĩ, chỉ tiêu chảy mới mất nước, còn nôn trớ không gây ra hiện tượng này.
 
Thời tiết thất thường, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện - 1
Ngoài trời giá rét, nhưng trong phòng bệnh, với 8 trẻ, 8 người lớn không khí vẫn rất nóng bức (Ảnh: T.N)

TS Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, đợt rét này, tại Bệnh viện Nhi TƯ, số trẻ khám và nhập viện không chỉ đông vào ban ngày mà còn kéo dài suốt đêm. Trẻ tới khám và nhập viện chủ yếu do các bệnh đường hô hấp, viêm phổi, hen, tiêu chảy do rotavirus… với tổng số bệnh nhi khám mỗi ngày từ 1.500 - 1.800 trẻ mỗi ngày. 

Đáng nói, số ca cấp cứu về đêm tăng hơn bình thường, do trời lạnh, nên khi con có hiện tượng ốm, cha mẹ đã tự ý mua thuốc cho con uống. Nhiều bé, chỉ bắt đầu từ sổ mũi, khúc khắc ho, sau vài ngày, đến đúng đêm đó thì lên cơn khó thở vì viêm phổi. Lúc này, bố mẹ mới vội đưa con đến viện thì bệnh đã rất nặng. Bình thường, nếu đi khám sớm, bé sẽ được điều trị tại nhà, nhưng nay do bệnh nặng hơn, nhiều bé phải nhập viện điều trị, phải tiêm, truyền.

Còn tại Bệnh viện Xanh Pôn, số bệnh nhi khám và nhập viện hằng ngày đã tăng lên khoảng 250-300 trẻ. BS Hoàng Minh Thu, Trưởng khoa Nhi tại đây cho biết, có tới 60-70% trẻ tới khám bị viêm phế quản, viêm phổi, tiêu chảy nhiều trẻ bệnh nặng và phải điều trị dài ngày.

Tại Viện Lão khoa TƯ, số người bệnh đến khám cũng tăng vọt. Theo số liệu tại khoa khám bệnh, vào những ngày lạnh, số bệnh nhân tới khám đã tăng lên lên 30% so với ngày thường. Bệnh nhân chủ yếu là các cụ trên 70 tuổi, bị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, viêm phổi, xương khớp... và đều trong tình trạng rất nặng.

Chú ý khi bé “bỗng dưng” nôn vọt

Đó là lưu ý của các chuyên gia với các bậc phụ huynh trong thời điểm này. Khác với các bệnh về đường hô hấp, biểu hiện rất rõ ràng với sổ mũi, ho… dần diễn tiến nặng lên đến viêm họng, viêm phế quản phổi… nếu không được điều trị đúng cách. Còn với bệnh tiêu chảy do rotavirus lại diễn ra đột ngột, bất ngờ. Dấu hiệu nôn thốc nôn tháo còn khiến nhiều người lầm tưởng con bị viêm họng gây nôn trớ. Nhưng ở những thời điểm này, có thể nói đó là dấu hiện sớm nhất của tiêu chảy.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, có thể nói, nôn trớ là một trong những dấu hiệu cơ bản để nghĩ đến khả năng bé bị tiêu chảy. Cũng có những bé bị đi ngoài rồi mới nôn nhưng đại đa số đều bị nôn trớ rồi mới đi ngoài. Hơn nữa, hiện tượng nôn trớ đến rất bất ngờ, bé vẫn đang chơi đùa khỏe mạnh, ăn uống bình thường nhưng chỉ qua nửa ngày đã có thể có hiện tượng này, cứ ăn cái gì vào là nôn ra cái đó. Nôn gây mất nước không kém gì tiêu chảy, vì thế cần bù nước cho bé ngay nếu không tình trạng mất nước sẽ khiến bé suy kiệt nhanh chóng.

Khi thấy con nôn, bố mẹ có thể phân biệt với nôn do viêm họng, nôn do hóc khi ăn với nôn do tiêu chảy, bằng cách chú ý bụng của bé. Hầu hết các bé đều có hiện tượng đầy hơi, trướng bụng khó tiêu và đây chính là nguyên nhân khiến bé ăn vào, dạ dày lại co bóp tống thức ăn ra ngoài, gây nôn.

Để phòng các bệnh về hô hấp, BS Nguyễn Văn Lộc, Trưởng phòng khám Hen phế quản đưa ra lời khuyên, giữ trẻ vừa đủ ấm là rất quan trọng. Trong những ngày qua, nhiều trẻ phải nhập viện cũng là do trẻ bị ủ ấm quá mức, khiến bé ra mồ hôi rồi thấm ngược trở lại, gây lạnh và phát bệnh. Người lớn cần lưu ý, trẻ luôn ưa vận động, vận động rất nhiều. Nên khi người lớn mặc 3 áo mới đủ ấm thì mặc cho trẻ với số lượng tương tự đã là nóng do bé vận động nhiều. Vì thế, khi bé chơi đùa, nên cởi bớt quần áo, thường xuyên kiểm tra mồ hôi lưng.
 
Thời tiết thất thường, nhiều bệnh nhân nặng nhập viện - 2
Người già cần chủ động đi khám khi có biểu hiện bệnh, phòngnguy cơ bệnh diễn tiến nhanh, nặng phải nhập viện điều trị (Ảnh: H.Hải)

Con với người già cũng rất dễ bị bệnh khi thay đổi nhiệt độ đột ngột. Buổi sáng ngủ dậy, đang ở trong chăn ấm, người nhà cần từ từ ngồi dậy, kéo bỏ dần chăn xuống để cơ thể thích ứng với nhiệt độ phòng, sau đó, mặc thêm áo ấm rồi mới xuống giường. Với các hoạt động khác trong ngày, kể cả ra ngoài đi dạo, các cụ cũng cần thong thả, từ từ để cơ thể thích nghi dần khi bước ra ngoài vì nhiệt độ ngoài trời và trong nhà rất chênh lệch. Khi ra ngoài, vấn đề cần quan tâm đầu tiên là đủ ấm và tránh gió, không để gió lùa vào tai, đầu, cổ, chân… thì sẽ giúp thân nhiệt đủ ấm, không gây mất nhiệt khiến người già đổ bệnh.

“Còn khi có dấu hiệu bệnh, người già cần được đến viện khám, điều trị theo đúng chỉ định vì ở đối tượng này, do sức đề kháng yếu, bệnh dễ diễn tiến nhanh, nặng lên khi không được điều trị”, TS Đỗ Khánh Hỷ, Phó GĐ Viện Lão khoa quốc gia đưa ra lời khuyên.

Ngọc Linh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm