Thói quen trong chế biến thịt gây hại cho sức khỏe

(Dân trí) - Cho thêm nước lạnh khi đang luộc thịt hoặc hầm xương, sớm cho muối vào thịt khi đun nấu, chiên thịt xông khói trong chảo nóng...là những thói quen thường thấy nhưng có hại.

 

Cho thêm nước lạnh khi đang luộc thịt hoặc hầm xương

 

Cho thêm nước lạnh khi đang luộc thịt hoặc hầm xương: Đây là sai lầm khá phổ biến của những người nội trợ. Theo các chuyên gia về thực phẩm, trong thịt và xương có chứa nhiều protein và chất béo, nếu cho nước lạnh vào trong khi đang chế biến sẽ làm cho nhiệt độ của nước giảm đột ngột, protein và chất béo ngay lập tức bị kết tủa; các rãnh, khe hở của thịt và xương sẽ co lại và rất khó mềm. Bên cạnh đó mùi vị tươi ngon của thịt và xương cũng bị ảnh hưởng.

 

Ngoài ra trong khâu chế biến thịt, nhiều người có thói quen sớm cho muối vào thịt khi đun nấu. Thành phần chủ yếu của muối là NaCl, chất này dễ làm cho protein trong thịt bị kết tủa khiến cho miếng thịt nhỏ lại, thịt trở nên cứng hơn và khó chế biến.

 

Thái thịt ngay khi chín. Sau khi luộc, bạn không nên thái ngay bởi nước chưa kịp thoát ra ngoài; khiến thớ thịt không đẹp mắt. Tốt nhất, nên đợi khoảng 5-10 phút cho thịt lợn và khoảng 20 phút cho món gà luộc.

 
Chế biến quá nhiều thịt trong chiếc nồi nhỏ

Chế biến quá nhiều thịt trong chiếc nồi nhỏ. Việc nấu nướng với một chiếc nồi quá nhỏ khiến thịt trong nồi không thể thấm gia vị và chín đều. Bên cạnh đó, sử dụng chiếc nồi quá tải còn khiến món ăn khó có được màu sắc bắt mắt.

 

Chiên thịt xông khói trong chảo nóng. Không ít bà nội trợ “hồn nhiên” chiên thịt xông khói trong chảo nóng mà không biết rằng thịt xông khói khi tiếp xúc với nhiệt độ cao của dầu ăn dễ dàng sinh ra độc tố gây ung thư. Thay vào đó, bạn có thể đặt thịt hun khói lên lá nhôm rồi làm nóng trong lò nướng chừng 18 phút. Miếng thịt sẽ có được màu vàng ươm, giòn tan như mong đợi.

 

Để thịt sống trong tủ lạnh quá lâu. Với thịt gia súc, gia cầm và hải sản, USDA khuyến cáo không nên để lạnh quá hai ngày. Trong khi đó, thịt nướng, đã qua chế biến có thể kéo dài thời gian bảo quản lên tới năm ngày mà không làm thất thoát quá nhiều dinh dưỡng và hương vị đặc trưng.

 

Làm lạnh thịt sai cách. Khi mua về, nhiều chị em thường tiện tay cho thịt vào ngăn đá để làm lạnh. Theo cách này, thịt khó có thể giữ được hương vị đặc trưng nếu để lâu. Tốt nhất, bạn nên dành chút thời gian, dùng giấy sáp hoặc giấy bạc bọc thịt lại, bịt kín rồi bảo quản .

 

Dùng thớt để thái thịt, rau. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên sử dụng loại thớt riêng biệt khi thái thịt, rau sống và đồ chín. Nguyên nhân là khi thái, một lượng không nhỏ vi khuẩn sẽ nhanh chóng bám vào thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến người ăn.
 

Dùng thớt gỗ mòn để thái thịt. Không riêng gì thịt lợn sống, thịt gia cầm và thủy sản cũng không nên sử dụng thớt gỗ trong trạng thái mòn vẹt để thái nhỏ. Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng khẳng định theo cách này, các vi khuẩn trú ngụ ở bề mặt tơi xốp, ẩm thấp của gỗ dễ dàng bám vào những kẽ nhỏ của thịt gây hại. Thậm chí, món ăn còn bị ám mùi vô cùng khó chịu.

 
Làm tan thực phẩm ở nhiệt độ phòng

 

Làm tan thực phẩm ở nhiệt độ phòng. Để thực phẩm thit rã đông trong nhiệt độ phòng, vi khuẩn sẽ có cơ hội tấn công nó dễ dàng. Đặc biệt, nếu không chế biến thức ăn ngay sau đó, bạn dễ đối diện với các vấn đề về sức khỏe.

 

Thay vì để đồ ăn tự tan, bạn nên rã đông thực phẩm bằng ba thao tác nhỏ. Cụ thể, khi lấy thức ăn từ tủ đông nên bọc kín bằng túi ni lông đặt vào ngăn lạnh, chờ đến khi chúng tan đá thì nhanh chóng bắt tay vào chế biến món ăn.

 

Rã đông thịt ở nhiệt độ cao. Nhiều người muốn rút ngắn thời gian rã đông thịt bằng cách đặt chúng gần bếp hoặc ngâm vào nước sôi. Khi gặp nhiệt độ cao, bề mặt của thịt hình thành một lớp màng cứng, ảnh hưởng đến sự khuếch tán nhiệt độ trong miếng thịt, tạo cơ hội cho các loại vi trùng, vi khuẩn sinh sôi nảy nở, làm thịt bị biến chất.

 

 

Theo V.Thủy

Gia đình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm