Thiếu máu vì nước “tăng lực”

(Dân trí) - Các chuyên gia cảnh báo số trường hợp thiếu máu thiếu sắt tăng vọt trong nữ thanh thiếu niên hiện nay có nguyên nhân từ việc sử dụng quá nhiều các loại nước “tăng lực”.

Thiếu máu vì nước “tăng lực”


 

 

Hội Các nhà sản xuất thực phẩm lành mạnh (HFMA) đã cảnh báo rằng caffein có thể ức chế việc hấp thu muối khoáng của cơ thể, bao gồm cả sắt.

 

Thiếu máu thiếu sắt là rối loạn dinh dưỡng hay gặp nhất ở Anh và nghiên cứu gần đây đã cho thấy khoảng 40% số bé gái và phụ nữ trẻ tuổi từ 11 - 24 có lượng sắt hấp thu dưới mức khuyến nghị.

 

Thiếu sắt ảnh hưởng tới 18% số phụ nữ do bị mất máu liên quan đến kinh nguyệt. Mọt số nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng cứ 10 thiếu nữ Anh thì có một em uống tới 5 lon nước “tăng lực” có caffein mỗi tuần.

 

Khảo sát trên 10.000 người lớn Anh được Hội tiến hành thấy rằng 3/4 số thanh niên trong độ tuổi 18 – 24 không biết rằng caffein có thể hạn chế khả năng hấp thu những muối khoáng thiết yếu của cơ thể.

 

Giám đốc điều hành HFMA, Graham Keen, cho biết: “Các vi chất dinh dưỡng có vai trò thiết yếu đối với sức khỏe, và thiếu sắt là vấn đề rất phổ biến và không nên lơ là – nhất là với các em nữ vị thành niên.

 

“Cộng đồng cần được tiếp cận với những thông tin thật sự và có trách nhiệm về vai trò của các vitamin và khoáng chất thiết yếu”.

 

Khuyến cáo được đưa ra sau khi khảo sát của nhóm phân tích tiêu dùng Mintel thấy rằng trong năm qua 61% người Anh có sử dụng đồ uống thể thao và đồ uống “tăng lực”.

 

Báo cáo cũng cho biết 54% số người Anh thừa nhận thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, ở phụ nữ tỷ lệ này tăng lên 60%.

 

3/4 số người nói rằng họ thấy hưng phấn hơn khi có cảm giác sung sức, tỷ lệ này là 82% ở nữ, trong khi 2/3 (64%) cho biết họ dễ cáu kỉnh khi mệt mỏi.

 

Nhưng tuy nước “tăng lực” có thể mang lại sự sảng khoái nhất thời, song cũng có những nguy cơ đã được ghi nhận.

 

Những đồ uống này có liên quan với nhiều tác động tiêu cực, bao gồm các triệu chứng tim mạch như nhịp tim không đều, ngủ kém, căng thẳng và buồn nôn.

 

Một nghiên cứu năm 2011 tiến hành tại Mỹ đã báo cáo về nhiều trường hợp uống quá nhiều caffein trong các loại nước tăng lực đã bị những tác dụng phụ như co giật, hưng cảm, đột quị và đột tử.

 

Trường hợp tử vong của Joshua Merrick một nam thanh niên 19 tuổi ở Didsbury, Manchester (Anh) xảy ra hồi đầu năm nay được cho là có liên quan với nước tăng lực chứa nhiều caffein.

Bất chấp những cảnh báo, doanh số các loại đồ uống “tăng lực” vẫn không ngừng tăng, từ 454 triệu lít được tiêu thụ trong năm 2011 lên ước tính 550 triệu lít trong năm nay.

 

Những loại nước uống này được quảng cáo là cung cấp năng lượng, giupstinh thần tỉnh táo và tăng khả năng hoạt động thể lực.

 

Thành phần chung của chúng gồm đường glucose, caffein hoặc taurine, và có thể gồm những thành phần khác được cho là có lợi cho sức khỏe, như nhân sâm và các loại vitamin và khoáng chất khác nhau.

 

Nhưng các chuyên gia cảnh báo rằng một lon nước tăng lực 500ml có chứa tương đương 13 thìa cà phê đường và 160mg caffein – bằng với lượng trong 4 lon coca.

 

Lượng caffein giới hạn một ngày đối với người lớn là 400mg

 

Nguy cơ sức khỏe của nước tăng lực và đồ uống thể thao

 

- Lượng đường cao: Nước tăng lực có thể chứa khoảng 52g đường, nhiều hơn khuyến nghị của WHO là 50g mỗi ngày.

 

- Lượng caffein cao: Một lon 500ml có thể chứa 160mg caffein – bằng 4 lon coca. Giới hạn khuyến nghị hằng ngày là 400mg.

 

- Các triệu chứng tim mạch: Các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Bonn tháy rằng nước tăng lực làm thay đổi nhịp đập của tim và có thể làm tăng nguy cơ những rối loạn nhịp tim chết người.

 

Một số báo cáo khác đã liên hệ việc sử dụng nước tăng lực với nhịp tim không đều và thậm chí đột quị.

 

- Cánh cửa đến với rượu và ma túy: Các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Michigan đã báo cáo rằng những thanh thiếu niên uống nước tăng lực cũng dễ uống rượu và sử dụng ma túy. Những đối tượng này cũng dễ bắt đầu hút thuốc lá hơn.

 

- Tăng nguy cơ ngộ độc rượu: Các nhà nghiên cứu Mỹ thấy rằng việc pha nước tăng lực với rượu khiến người dùng có nguy cơ cao bị ngộ độc rượu.

 

Cẩm Tú

Theo Daily Mail

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm