1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thiếu an toàn trong tiêm thuốc, truyền dịch

Đó là kết luận rút ra từ những thông số trong đề tài nghiên cứu “Khảo sát tiêm an toàn tại các cơ sở thực hành bệnh viện” của sinh viên điều dưỡng Đại học Y dược TPHCM sau khi tiến hành khảo sát 226 điều dưỡng viên tại các cơ sở y tế lâm sàng.

80% nhân viên y tế không rửa sạch tay

 

 Báo cáo tại hội nghị khoa học điều dưỡng mở rộng Bệnh viện Nhi Đồng 2, ngày 27/9, nhóm nghiên cứu cho biết: Hơn 70% điều dưỡng rút thuốc chạm tay vào vùng vô khuẩn, 50% pha thuốc không đúng số lượng theo quy định, 60% rút thuốc không đủ liều và tình trạng điều dưỡng dùng tay đậy nắp kim chiếm 57%, cô lập kim tiêm không đúng cách chiếm 47%.

 

Theo nghiên cứu này, các điều dưỡng không thiếu kiến thức về kỹ thuật tiêm nhưng do không có chỗ rửa tay, bất tiện khi đi lại, phòng bệnh quá đông người, một giường 2-3 bệnh nhân làm ảnh hưởng việc chuẩn bị người bệnh khi tiêm...

 

Nếu không được chỉnh sửa, những sai sót này sẽ trở thành thói quen gây mất an toàn cho bản thân điều dưỡng, người bệnh và cộng đồng.

 

3/10 trẻ sơ sinh bị nhiễm trùng tại bệnh viện

 

Theo một nghiên cứu khác tại BV Nhi Đồng II từ tháng 1 – 5/2006, tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện ở trẻ sơ sinh là trên 31% (14 trường hợp). Thời gian nằm viện đến khi cấy máu dương tính trung bình 12 - 14 ngày.

 

Các bác sĩ của khoa Sơ sinh BV Nhi Đồng II đã cùng đồng nghiệp thuộc Bộ môn Nhi ĐH Y-Dược TPHCM đã tiến hành nghiên cứu trên 45 trường hợp trẻ sơ sinh có nuôi ăn đường tĩnh mạch ngoại biên tại BV Nhi Đồng II.

Trong 14 trường hợp mắc nhiễm trùng bệnh viện, thì có 9 trường hợp rơi vào các trẻ sơ sinh non tháng, trong khi trẻ sinh đủ tháng là 3 ca. Như vậy, dù còn số ít nhưng cũng đã phản ánh được tình hình trẻ sơ sinh non tháng mắc nhiễm trùng bệnh viện cao gấp 3 lần trẻ đủ tháng.

Trong đó, tỷ lệ tử vong do nhiễm trùng máu bệnh viện là 8/14 trường hợp, chiếm 17,78% trên tổng số trẻ sơ sinh có nuôi ăn tĩnh mạch ngoại biên bị nhiễm trùng bệnh viện.

Nhóm nghiên cứu báo cáo, 100% nhân viên có rửa tay thường quy hoặc sử dụng dung dịch sát khuẩn nhanh trước khi tiếp xúc trên bệnh nhi. Tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện khá cao, có thể là do thao tác của điều dưỡng trong quá trình thay dịch truyền, các thao tác trong quá trình tiêm chích, thực hiện kỹ thuật vô trùng…

Trong những tháng đầu năm, khoa sơ sinh BV Nhi Đồng II nhận khoảng 587 bệnh nhi, trung bình từ 117 - 118 bệnh trong 1 tháng. Theo nhóm nghiên cứu, kết quả của nghiên cứu này chưa phản ánh chính xác tỷ lệ nhiễm trùng bệnh viện qua nuôi ăn đường tĩnh mạch ngoại biên, vì chưa loại trừ được các yếu tố ảnh hưởng khác.

Tuy nhiên, họ nhấn mạnh nuôi ăn tĩnh mạch cũng là yếu tố góp phần làm gia tăng bệnh cảnh nhiễm trùng máu bệnh viện.

Được biết, vấn đề tiêm truyền không an toàn hiện nay đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm ở các nước đang phát triển, là nguy cơ lây nhiễm các bệnh đường máu như: viêm gan siêu vi, HIV... đối với người bệnh và nhân viên y tế cộng đồng.

 Theo Tuổi trẻ, Sài Gòn giải phóng, Vietnamnet