Ninh Bình:

Thầy thuốc hơn 10 năm đi vận động hiến giác mạc cứu giúp người mù

(Dân trí) - Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng hàng ngày bước chân của ông Tú vẫn không ngừng nghỉ. Ông đi đến từng nhà vận động người dân hiến giác mạc cứu giúp người mù. Hơn 10 năm qua, nhờ những bước chân “lặng lẽ” của ông mà nhiều người mù được nhìn thấy ánh sáng.

Gắn trọn một đời với nghề y chữa bệnh cứu người, năm 1990 khi đang là bác sĩ hồi sức cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Kim Sơn ông Nguyễn Đình Tú (SN 1939) về nghỉ hưu tại quê nhà ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Chân ướt chân ráo về quê nghỉ ngơi chưa được bao lâu, ông lại được chính quyền mời ra làm Trạm trưởng trạm y tế xã để chăm sóc sức khỏe cho người dân địa phương.

Hơn 5 năm làm việc tại trạm y tế xã, ông luôn được người dân quý mến vì sự tận tình chu đáo trong mọi công việc. Ông cũng đã cứu chữa cho nhiều người dân bằng nghiệp vụ của mình ngay tại trạm y tế xã mà không cần chuyển lên tuyến trên. Thời gian đó, bất cứ người dân nào ở xã Cồn Thoi không may bị ốm, bị bệnh gì là nhớ ngay đến bác sĩ Tú

Ông Nguyễn Đình Tú đang tuyên truyền vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn

Ông Nguyễn Đình Tú đang tuyên truyền vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn

Năm 1996, khi cán bộ y tế xã được chuyển sang công chức thì ông Tú nghỉ làm trạm trưởng. Nghỉ làm việc ở trạm xá xã chưa được bao lâu, ông được người dân bầu làm Bí thư chi bộ thôn. Làm Bí thư chi bộ được hơn 5 năm, đến năm 2002 ông được chuyển sang làm Ủy viên thường trực của MTTQ xã. Đến tháng 6/2004 thì được mời về làm Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Cồn Thoi và công tác cho đến nay.

“Nói là về nghỉ hưu nhưng hơn 20 năm qua tôi chưa được nghỉ ngày nào. Trước công tác trong ngành y thì bận rộn với công việc khám và chữa bệnh cho mọi người. Về quê nghỉ hưu, được bà con cùng chính quyền địa phương quý mến giao cho nhiều nhiệm vụ khác nhau. Thấy sức mình còn khỏe, còn cống hiến được, lại được mọi người tin tưởng, không nhận lại phụ lòng mọi người nên tôi cũng gắng để hoàn thành mọi việc”, ông Tú chia sẻ.

Kể từ khi chuyển qua làm công tác Hội chữ thập đỏ, cuộc sống của ông Tú gắn liền với công tác nhân đạo, nghĩa tình, giúp người nghèo... Trong công tác Hội Chữ thập đỏ, ông Tú luôn là người lãnh đạo sáng suốt, được lòng hội viên và nhân dân. Luôn giành được sự tin tưởng, quý trọng của lãnh đạo hội cấp trên và chính quyền địa phương. Ông không chỉ làm tốt công việc đưa người dân đến với công tác nhân đạo, ủng hộ người nghèo,… mà còn thành công rực rỡ trong phong trào vận động người dân tình nguyện hiến giác mạc khi chết để cứu giúp những người mù.

Ông Nguyễn Đình Tú đang tuyên truyền vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn

Dù tuổi đã cao nhưng ông Tú vẫn rất nhiệt huyết trong công tác nhân đạo của địa phương - ảnh Thái Sơn

“Thời điểm tôi được tiếp cận, biết đến khoa học hiện đại của ngành y có thể ghép giác mạc đem lại ánh sáng cho người mù, khi đó ở nước ta có khoảng 35.000 người mù cần được ghép giác mạc để được thấy ánh sáng. Vì giác mạc nhân tạo không sử dụng được mà chỉ có giác mạc của người đã chết mới có thể ghép cho người mù mới nhìn thấy được, đây là ước mơ lớn của ngành y tế không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới” – ông Tú tâm sự.

Thấy được ý nghĩa quan trọng của việc hiến giác mác cứu giúp người mù, ông Tú đã bắt tay ngay vào việc vận động người dân hiến giác mạc khi qua đời. Ông đã phải bắt đầu công việc này với nhiều khó khăn và nghị dị. Vì lúc này, việc hiến giác mạc đang còn là điều hoàn toàn mới với ngời dân. Nhiều lần đi vận động người dân đăng ký hiến giác mạc bị thất bại nhưng ông cũng không nản lòng mà lại càng quyết cao hơn để không từ bỏ công việc.

Ông Tú đã cùng với những người trong hội thường xuyên đi đến từng nhà, gặp gỡ từng người, tuyên truyền cho mọi người biết về giá trị cao cả và nhân văn của việc hiến giác mạc. Đặc biệt là sự mong chờ ánh sáng của những người mù khi phải sống một cuộc đời trong bóng tối. Chia sẻ để người dân biết và hiểu hơn về việc tình nguyện hiến giác mạc cứu giúp những người mù cao cả và quý giá như thế nào…

Ông Nguyễn Đình Tú đang tuyên truyền vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn
Trên chiếc xe máy cũ, ông Tú đi đến khắp các xóm làng vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn

“Một người hiểu rồi nhiều người nhận ra được giá trị của việc hiến giác mạc. Từ đó, số người dân tình nguyện đăng ký hiến giác mạc của địa phương tăng lên. Ban đầu chỉ có một người qua đời hiến giác mạc, qua mỗi một năm con số này lại tăng lên khiến phong trào hiến giác mạc ngày càng được nhân rộng ra toàn xã. Đến nay, Cồn Thoi là một trong những địa phương có số người hiến giác mạc nhiều ở tỉnh Ninh Bình và trong cả nước”, ông Tú cho biết.

Ông Tú cho biết thêm: “Nếu như con gái tôi không tự nguyện hiến đôi giác mạc của mình khi qua đời thì tôi chẳng nói và vận động được ai nghe theo để hiến giác mạc. Mọi người nhìn theo tấm gương của người con trong gia đình tôi mà nghe theo và tin hơn về những lời tôi nói khi đi vận động người dân hiến giác mạc. Để từ đó, ai cũng hiểu được đôi giác mạc của người chết cần lắm cho những nguời mù như thế nào”.

Ông Nguyễn Đình Tú đang tuyên truyền vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn
Ông Tú cùng Kỷ niệm chương vì sức khỏe nhân dân do Bộ Y tế truy tặng cho con gái ông là chị Nguyễn Thị Lan - ảnh Thái Sơn

Con gái ông Tú là chị Nguyễn Thị Lan trước khi chết đã tình nguyện hiến giác mạc cho y học. Năm 2008 chị Lan qua đời, đôi giác mạc của chị đã hiến đi cứu giúp được hai người mù nhìn thấy ánh sáng. Nhiều người rất cảm động về tấm lòng cao cả của con gái ông Tú. Chính từ điều này mà từ đó về sau, mọi người luôn nhìn từ tấm gương chị Lan để giúp đỡ, ủng hộ hơn nữa phong trào hiến giác mạc cứu giúp những người mù nhìn thấy ánh sáng của ông Tú đang làm.

Ông Tú là người đầu tiên khởi xướng phong trào hiến giác mạc ở Cồn Thoi. Ông được ví như ngọn lửa cháy lan và thắp sáng của vùng quê trong phong trào hiến giác mạc. Để hiện nay, người ở Cồn Thoi đều luôn tin rằng: “Một ngọn nến trước khi tắt thì sẽ thắp sáng được hai ngọn nến khác” – Một người qua đời đôi giác mạc của họ sẽ giúp cho hai người mù được nhìn thấy ánh sáng.

Cả xã Cồn Thoi hiện đang có số người đã hiến giác mạc nhiều nhất trong cả nước với 81 người. Số người đăng ký hiến giác mạc khi qua đời hiện nay đã lên đến gần 300 người. “Người chết đi chôn vào lòng đất rồi thân xác sẽ hư nát thành tro bụi. Nếu tình nguyện hiến đôi giác mạc thì sẽ cứu giúp được người mù. Ngoài này còn được Bộ Y tế vinh danh, là niềm tự hào của gia đình vì người đã chết nhưng vẫn sống mãi. Người thân trong gia đình có người hiến giác mạc còn được hưởng nhiều quyền lợi về bệnh mắt khi đi khám và chữa trị tại bệnh viện. Nhất là không may gia đình có người bị mù sẽ được hưởng lại giác mạc để được nhìn thấy ánh sáng”.

Ông Nguyễn Đình Tú đang tuyên truyền vận động người dân hiến giác mạc - ảnh Thái Sơn

Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc" của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trao tặng cho ông Nguyễn Đình Tú - ảnh Thái Sơn

Trước những việc làm cao cả, ông Nguyễn Đình Tú đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tặng “Kỷ niệm chương vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”. Ông cũng nhận được nhiều bằng khen khác của tỉnh Ninh Bình, Trung ương hội Chữ thập đỏ Việt Nam, tỉnh hội, huyện hội Chữ thập đỏ, bệnh viện mắt Việt nam…

Thái Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm