Thanh niên bị điện giật chết lâm sàng sống lại sau… “ngủ đông”

(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn sau khi bị điện giật, nam bệnh nhân đã may mắn sống sót nhờ được bác sĩ hạ thân nhiệt chủ động xuống dưới ngưỡng sinh lý bình thường.

Khi đang thao tác thay bóng đèn tại nhà, anh N.V.P. (26 tuổi, ngụ tại huyện Hóc Môn, TPHCM) bị điện giật gục tại chỗ. Nạn nhân được người nhà sơ cứu rồi hỏa tốc chuyển đến một Bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở hoàn toàn.

Qua thăm khám nhanh, các bác sĩ đánh giá bệnh nhân có nguy cơ tử vong rất cao nên tiến hành hồi sinh tim phổi tích cực, đồng thời huy động liên chuyên khoa trong bệnh viện khẩn cấp cứu chữa. Sau 20 phút hồi sức liên tục, bệnh nhân bắt đầu có mạch và huyết áp, tay chân có phản xạ. Tuy nhiên, do não bị thiếu oxy trong thời gian dài, bệnh nhân đã rơi vào hôn mê, nguy cơ chết não dẫn tới tử vong hoặc phải sống thực vật suốt phần đời còn lại.

Thanh niên bị điện giật chết lâm sàng sống lại sau… “ngủ đông” - 1

Nam thanh niên đã may mắn thoát chết sau khi được bác sĩ cho "ngủ đông"

Sau hội chẩn nhanh bên giường bệnh, các bác sĩ quyết định chuyển bệnh nhân đến khoa Hồi sức Tích cực để thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chủ động nhằm ngăn chặn tình trạng tổn thương não. Cơ thể bệnh nhân được giảm nhiệt độ từ ngưỡng sinh lý 37 độ C xuống còn 33 độ C. Lúc này, người bệnh đi vào trạng thái ngủ đông, phương pháp trên được các bác sĩ duy trì liên tục trong 24 giờ.

Sau “ngủ đông” bệnh nhân từng bước được nâng dần thân nhiệt, các chỉ số sinh hiệu có tiến triển khả quan. Qua 5 ngày điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục ngoài mong đợi, anh tỉnh táo hoàn toàn, tiếp xúc tốt, da niêm hồng, tay chân cử động tốt, ăn uống bình thường tri giác bình thường.

Các bác sĩ cho biết, trước đây bệnh nhân ngừng tuần hoàn dù cấp cứu thành công, tim đập trở lại, phục hồi được mạch huyết áp thì tỉ lệ sống sót cũng rất thấp do não và các cơ quan đã tổn thương nặng. Nếu may mắn qua được nguy kịch bệnh nhân có thể bị di chứng não rất nặng nề như mất trí nhớ, liệt, co giật, nằm tại chỗ, sống thực vật.

Phương pháp hạ thân nhiệt chủ động là kỹ thuật làm lạnh để đưa nhiệt độ cơ thể bệnh nhân xuống dưới mức nhiệt độ sinh lý bình thường, nhằm giảm nhu cầu chuyển hóa của cơ thể (giống trạng thái ngủ), não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm; giúp việc tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não, từ đó các tế bào não sẽ hồi phục, tăng khả năng sống sót cho bệnh nhân trong hồi sức cấp cứu tim mạch.

Thanh niên bị điện giật chết lâm sàng sống lại sau… “ngủ đông” - 2
Hạ thân nhiệt chủ động là kỹ thuật đã được ứng dụng ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam (ảnh minh họa)

Các nghiên cứu về hạ thân nhiệt cho thấy hiệu quả cao trong việc phục hồi chức năng não sau ngừng tim. Thành công trong áp dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt sẽ góp phần cứu sống các bệnh nhân tổn thương não cấp sau ngừng tuần hoàn, cũng như sau chấn thương sọ não hoặc tai biến mạch não… Kỹ thuật hạ thân nhiệt nhằm cứu não ở bệnh nhân mắc bệnh lý tim mạch, ngưng tim, ngưng thở nguy kịch đã được ứng dụng ở các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, châu Âu, những năm gần đây đã được các nước châu Á, trong đó có Việt Nam áp dụng.

Bệnh nhân sẽ được hạ thân nhiệt bằng 2 phương pháp làm lạnh gồm: làm lạnh bên ngoài cơ thể bằng sử dụng nước lạnh,chăn lạnh hoặc miếng dán với thiết bị trao đổi nhiệt, hạ nhiệt khu trú bằng mũ; làm lạnh bên trong cơ thể (làm lạnh nội mạch) kiểm soát thân nhiệt nội mạch qua catheter chứa dung dịch lạnh đưa vào tĩnh mạch trung tâm hoặc truyền dịch lạnh vào tuần hoàn chung.

Tuy nhiên, kỹ thuật “ngủ đông” cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu người làm công tác chuyên môn không kiểm soát được quá trình làm lạnh sẽ khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ về chuyển hóa, đông máu và suy đa tạng. Ngược lại, nếu không kiểm soát được quá trình làm ấm, cơ thể bệnh nhân rất dễ bị tổn thương tế bào thần kinh.

Vân Sơn