Thanh niên 21 tuổi bị rách cơ bụng vì tập thể dục sai cách

Nam Phương

(Dân trí) - Sau khi tự tập các động tác đu xà, chàng trai (21 tuổi, Quảng Ninh) đột ngột bị đau bụng quanh rốn, sau đó thấy có khối sưng gồ lên, ấn đau. Vào viện khám, cậu được chẩn đoán bị rách cơ bụng.

Vận động cơ thể, tập thể dục thể thao nói chung rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu tập sai cách có thể dẫn đến những chấn thương cho cơ thể như rách cơ, đứt dây chằng, thoát vị đĩa đệm… Trường hợp bệnh nhân nam 21 tuổi, ở phường Trưng Vương, TP. Uông Bí, Quảng Ninh mới đây là một ví dụ. 

Chàng trai cho biết, ngày hôm trước cậu đã tập cơ bụng với con lăn. Hôm sau đi làm về thấy mỏi lưng nên đã tập ngay động tác đu xà mà không thực hiện các động tác khởi động. Sau khoảng 10 lần đu xà thì đột ngột bị đau ở bụng. 

Thanh niên 21 tuổi bị rách cơ bụng vì tập thể dục sai cách - 1
Sau khi dẫn lưu ổ bụng, tình trạng chảy máu đã được cải thiện.

Sau đó, cậu thấy có khối sưng gồ lên khoảng 2cm, dài khoảng 7-8 cm nằm dọc bụng, ấn vào rất đau. Đến sáng hôm sau tình trạng không đỡ, cậu quyết định đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí khám.

Tại đây, bệnh nhân được siêu âm ổ bụng và chụp CT. Kết quả cho thấy có hình ảnh đứt cơ, chảy máu trong cơ thẳng bụng trái. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có chảy máu do đứt cơ thẳng bụng bên trái và chỉ định chọc dẫn lưu ổ máu tụ, sau đó chuyển khoa Ngoại tiêu hoá & tổng hợp tiếp tục theo dõi điều trị.

Các bác sĩ khoa Ngoại tiêu hoá & Tổng hợp cho biết, đây là trường hợp nhẹ nên sau khi được chọc dẫn lưu ổ máu tụ thì tình trạng chảy máu đã được cải thiện. Nếu nặng hơn, vết rách cơ gây chảy máu nhiều sẽ phải tiến hành phẫu thuật để khâu cơ ổ bụng, cầm máu cho người bệnh. 

Sau điều trị, sức khỏe người bệnh ổn định và đã được ra viện ngày 15/10. 

Bác sĩ khuyến cáo để việc tập luyện thể dục thể thao thực sự mang lại hiệu quả rèn luyện tốt nhất cho cơ thể, mọi người cần chú ý đảm bảo an toàn, tránh những chấn thương trong quá trình tập luyện. Cụ thể, cần luôn nhớ khởi động trước khi tập; tập các bài tập/môn thể thao phù hợp với cường độ và thời gian hợp lý. 

Khi thấy hiện tượng lạ, cần dừng tập ngay để tránh những chấn thương nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nước trước, trong cũng như sau khi tập. 

Những người có bệnh lý về đường hô hấp, tiền sử bệnh tim mạch, cơ -  xương khớp hay các bệnh rối loạn về chuyển hoá như: đường máu, mỡ máu… cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia về hoạt động thể chất để có hình thức luyện tập phù hợp với sức khỏe  của mình.