Thanh Hóa: Phát hiện hàng chục mẫu thuốc, thực phẩm chức năng không đạt chuẩn
(Dân trí) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hàng nghìn cơ sở hành nghề dược với hơn 10.000 loại thuốc tân dược lưu thông, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, qua kiểm tra vẫn còn tình trạng cơ sở kinh doanh dược vi phạm như bán thuốc không theo đơn, không niêm yết giá...
Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Thanh Hóa đã tiến hành kiểm tra tại một quầy thuốc GPP do dược sĩ Mai Xuân Mâu, ở xã Nga Thành, huyện Nga Sơn làm chủ, đã phát hiện nhiều sai phạm như: việc niêm yết giá thực hiện chưa đầy đủ; sắp xếp, phân biệt các nhóm thuốc chưa đúng; bảo quản một số loại thuốc chưa bảo đảm, theo dõi điều kiện bảo quản thuốc cũng chưa đầy đủ, thường xuyên.
Đây không phải lần đầu quầy thuốc của ông Mai Xuân Mâu vi phạm những tiêu chuẩn nêu trên. Trước đó, đã nhiều lần đoàn thanh tra chuyên ngành của địa phương cũng đã tiến hành kiểm tra và nhắc nhở.
Theo thống kê của Sở Y tế Thanh Hóa, hiện nay, trên địa bàn tỉnh này có hơn 3.000 cơ sở hành nghề dược, hơn 10.000 loại thuốc tân dược lưu thông trên thị trường, trong đó thuốc sản xuất trong nước đáp ứng khoảng gần 50% nhu cầu sử dụng, còn lại phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Hàng năm, Sở Y tế Thanh Hóa đã phối hợp với các ngành, địa phương tiến hành các đợt thanh kiểm tra để xử lý vi phạm, chấn chỉnh sai phạm của các đơn vị. Một trong những vi phạm khá phổ biến của các cơ sở hành nghề dược tư nhân là thuốc không niêm yết giá hoặc không tuân thủ quy định niêm yết giá.
Thông tư liên tịch số 50/2011/TTLT-BYT-BTC-BCT quy định các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc bằng cách in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc, bảo đảm không che khuất nội dung của nhãn gốc và không được bán cao hơn giá đã niêm yết. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế rất nhiều nhà thuốc, quầy thuốc, đại lý bán lẻ vẫn không thực hiện quy định trên, giá thuốc tăng liên tục và giá mỗi nơi lại khác nhau.
Qua kiểm tra của lực lượng chức năng, các cơ sở hành nghề dược tư nhân chủ yếu vi phạm việc không thực hiện niêm yết giá hoặc niêm yết giá thuốc không đầy đủ; không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc và không có chứng chỉ hành nghề (hoặc đã hết thời hạn hiệu lực); bán thuốc không theo đơn...
Năm 2016, Sở Y tế Thanh Hóa phối hợp với Trung tâm Kiểm nghiệm tiến hành phân tích, kiểm nghiệm chất lượng hơn 1.000 mẫu thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, phát hiện hàng chục mẫu thuốc và thực phẩm chức năng không đạt chất lượng và một số mẫu thuốc giả.
Bên cạnh đó, qua khảo sát thực tế tại một số quầy thuốc tân dược trên địa bàn thành phố Thanh Hóa và một số huyện cho thấy, tình trạng người dân mua thuốc mà không cần đơn thuốc của bác sĩ diễn ra khá phổ biến. Một số người bệnh còn truy cập internet, tra cứu “đơn thuốc trên mạng” và áp dụng cho bệnh của mình. Việc sử dụng kháng sinh tùy tiện còn bởi sự “tiếp tay” của chủ các quầy thuốc khi khách không có đơn kê của bác sĩ mà vẫn bán thuốc.
Ông Phạm Ngọc Thơm - Phó Giám đốc Sở Y tế Thanh Hóa, đánh giá, vấn đề quản lý các cơ sở hành nghề dược vẫn tồn tại nhiều bất cập, nhiều địa phương chưa vào cuộc mà coi việc quản lý hành nghề y, dược là trách nhiệm của ngành y tế; ý thức của người hành nghề chưa cao và chưa cập nhật kiến thức chuyên môn thường xuyên; địa bàn rộng, nhân lực thanh tra, quản lý hành nghề của ngành còn thiếu...
Cũng theo ông Thơm, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tiếp tục tập huấn hàng năm cho các cơ sở hành nghề trên địa bàn, đồng thời cấp chứng chỉ, cấp giấy phép hành nghề y, dược đúng theo quy định của pháp luật. Mặt khác, tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe, nhận biết và sử dụng thuốc điều trị hợp lý, an toàn của người dân.
Trần Lê