1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thanh Hoá: Dịch "tai xanh" hoành hành

(Dân trí) - Từ ngày 28/3/2008 đến nay (5/4), dịch “tai xanh” ở lợn đã xảy ra tại 40 xã, trên địa bàn 8 huyện với tổng số lợn bị ốm đã lên trên 10.531 con, một số lợn đã bị chết, hiện nay bệnh đang có chiều hướng lây lan nhanh ra diện rộng.

8 huyện có bệnh "tai xanh" là Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Quảng Xương, Đông Sơn, Yên Định, Thọ Xuân, Nông Cống, Hậu Lộc - Thanh Hoá.

 

Tại huyện Đông Sơn, theo báo cáo của Trạm Thú y huyện, tính đến đầu giờ chiều 4/4, toàn huyện có 120 con lợn trong giai đoạn sinh sản bị chết và 2.226 con đang trong tình trạng bị nhiễm bệnh. Hiện dịch đã lan rộng ra 17 xã, thị trấn trong huyện. Các xã có số lợn chết nhiều là Đông Phú, Đông Vinh, Đông Minh.

 

Riêng huyện Triệu Sơn, dịch lợn tai xanh đã lan ra 23 xã, với tổng số 8.005 con lợn bị ốm và chết do dịch.

 

Trước tình hình bệnh dịch diễn biến phức tạp, UBND các huyện đang tập trung chỉ đạo các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Phân công các thành viên ban chỉ đạo, cán bộ thú y đến các thôn, xóm thống kê, phân loại đàn lợn để có biện pháp phòng chống, cách ly để điều trị tại chuồng theo hướng dẫn của Chi cục Thú y tỉnh. Lập các chốt kiểm dịch theo ba cấp từ huyện đến thôn và thực hiện trực 24/24 giờ. Tuyên truyền để người dân thực hiện 3 không: không giấu bệnh, không bán “chạy” lợn bệnh, không vứt rác bừa bãi... Thực hiện tiêu hủy ngay số đã chết và mắc bệnh.....

 

Vấn đề khó khăn nhất trong việc phòng, chống dịch ở huyện hiện nay là người dân vẫn chưa ý thức hết được mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh nên vẫn tổ chức bán “chạy” cho các tư thương trong và ngoài huyện. Để ngăn chặn tình trạng trên, huyện đã thành lập các chốt kiểm dịch, yêu cầu mỗi xã phải thành lập từ  2 - 3 chốt kiểm dịch, mỗi chốt kiểm dịch có 1 công an và 1 cán bộ thú y trực 24/24, đến nay ngoài 3 chốt của huyện, các xã trong huyện đã thành lập được khoảng 30 chốt kiểm dịch.

 

Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng đã ra công điện khẩn cho các địa phương yêu cầu các hộ chăn nuôi, các chủ trang trại chăn nuôi tập trung chủ động thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng, tiêm phòng dịch bệnh “tai xanh” ở đàn lợn của mình; thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, nâng cao sức đề kháng cho đàn lợn; tự giác khai báo khi xảy ra dịch; thực hiện nghiêm túc chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan thú y; thực hiện “ba không”: không giấu bệnh, không bán chạy lợn bị bệnh, không vứt xác lợn chết bừa bãi.

 

Tổ chức các lực lượng giám sát dịch bệnh, tiêu hủy toàn bộ số lợn mắc bệnh theo quy định và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, cơ quan Thú y và quy định hiện hành của Pháp luật. Sử dụng ngay các biện pháp kỹ thuật cần thiết theo hướng dẫn của cơ quan thú y để bao vây, kiểm soát khu vực có dịch, khống chế vùng dịch, tiến tới dập tắt ổ dịch. Nghiêm cấm việc giết mổ, vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc ra ngoài ổ dịch, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm.

 

Khoanh vùng dịch, lập ngay các chốt kiểm dịch tại tất cả các xã trên các trục đường giao thông ra, vào vùng dịch bệnh và cử các lực lượng Thú y, Công an, Quản lý thị trường hoạt động 24/24 giờ trong ngày; lập biển báo nơi có dịch, hạn chế người, phương tiện ra vào vùng dịch. Nghiêm cấm triệt để việc đưa lợn, sản phẩm của lợn chưa qua xử lý, chế biến chín ra vào vùng dịch khi chưa công bố hết dịch. Tiến hành tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng trên phạm vi toàn xã, huyện có dịch tại các khu vực chăn nuôi, lối ra vào vùng dịch, khu vực tiêu hủy, chôn lấp lợn bệnh.

 

Nguyễn Duy 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm