Thanh Hóa: Dịch cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại nhiều địa phương

(Dân trí) - Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xuất hiện dịch cúm gia cầm ở một số xã thuộc huyện Hậu Lộc với tổng đàn gia cầm phải tiêu hủy lên đến hơn 13.000 con. Tuy nhiên, địa phương này vẫn chưa công bố dịch cúm gia cầm.

Tình trạng dịch cúm H5N1 đã xuất hiện trên địa bàn Thanh Hóa được hơn một tuần nay tại các địa phương như: Xã Liên Lộc, Hoa Lộc, Thịnh Lộc của huyện Hậu Lộc. Trước đó, tại huyện Yên Định và thị xã Sầm Sơn cũng đã xuất hiện gia cầm nhiễm cúm H5N1.

Chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tiêu hủy đàn gia cầm bị nhiễm cúm H5N1.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tiêu hủy đàn gia cầm bị nhiễm cúm H5N1.

Tại xã Thịnh Lộc, từ ngày 3/8 đã xuất hiện dịch cúm gia cầm. Đàn gia cầm 2.600 con vịt của gia đình anh Tống Văn Luyến và hơn 600 con gia cầm gồm gà, vịt và ngan của gia đình anh Vũ Văn Duy, ở thôn Hòa Bình, có những triệu chứng bất thường, ban đầu chỉ vài con chết sau đó là đồng loạt cả đàn.

Sau khi cơ quan chức năng lấy mẫu đi xét nghiệm và cho kết quả dương tính với vi rút H5N1, chính quyền địa phương đã nhanh chóng cho tiêu hủy số gia cầm trên.

Trong 3 ngày, kể từ khi bắt đầu bùng nổ dịch, xã Thịnh Lộc có tất cả 12 hộ gia đình có đàn gia cầm bị nhiễm cúm H5N1, với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 11.584 con.

Tại xã Liên Lộc, dịch cúm gia cầm bùng phát bắt đầu từ ngày 10/8. Những triệu chứng bất thường xuất hiện trên đàn gia cầm của hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nam, thôn 2 với 725 con gia cầm (trong đó có 150 con gà, 25 con ngan và 550 con vịt). Sau đó, cũng tại thôn 2, hộ gia đình anh Nguyễn Văn Tiến đã phát hiện gần 500 con gia cầm bị nhiễm cúm H5N1, ngay sau đó phải mang đi tiêu hủy.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tại xã Liên Lộc đã tiêu hủy 725 con gia cầm và đã cơ bản ngăn chặn được ổ dịch lây lan. Còn tại xã Hoa Lộc đã có 280 con gia cầm phải tiêu hủy vì bị nhiễm bệnh.

Tiêu độc, khử trùng tại khu vực tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh.
Tiêu độc, khử trùng tại khu vực tiêu hủy gia cầm nhiễm bệnh.

Ngay sau khi nhận được báo cáo từ chính quyền địa phương, Chủ tịch huyện Hậu Lộc đã có công văn yêu cầu tăng cường giám sát nhằm phát hiện nhanh các trường hợp gia cầm mắc bệnh, chết nghi do cúm gia cầm để xử lý kịp thời, tiêm phòng bổ sung cho những đàn gia cầm chưa nhiễm bệnh để tránh lây lan trên diện rộng. Tổ chức lực lượng tục trực, bố trí sẵn sàng nhân lực, vật tư, kinh phí để chủ động ứng phó khi có dịch xảy ra.

Các địa phương nơi có dịch cúm A/H5N1 đã tiêu hủy kịp thời các đàn gia cầm nghi mắc bệnh, song song với đó là tăng cường công tác tuyên truyền vận động người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm, cảnh giác với dịch cúm, thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, thành lập chốt bảo vệ túc trực 24/24 để tránh việc vận chuyển gia cầm từ nơi khác đến hoặc từ địa phương ra ngoài.

Ông Nguyễn Văn Đảng, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc cho biết: “Hiện nay, dịch cúm H5N1 ở địa phương đã cơ bản được dập tắt. Chúng tôi đang khoanh vùng và tránh để xảy ra tình trạng dịch phát sinh, lây lan. Bên cạnh đó chính quyền đã phát động tiêm phòng vắc-xin chống dịch cho đàn gia cầm của toàn xã, đồng thời tăng cường các chốt kiểm dịch 24/24, không cho buôn bán vận chuyển gia cầm ra khỏi địa phương”. 

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Phòng NN&PTNT cho biết: “Dịch cúm gia cầm đã xuất hiện trên địa bàn huyện được một tuần nay rồi, đầu tiên ở xã Thịnh Lộc. Cho đến thời điểm hiện tại thì dịch bệnh H5N1 đã cơ bản được khống chế. Công tác tuyên truyền, đưa vắc-xin đến các xã để tiêm phòng những đàn gia cầm chưa phát bệnh được quan tâm”. 

Ông Nguyễn Văn Đảng, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc trao đổi với PV.
Ông Nguyễn Văn Đảng, Chủ tịch UBND xã Thịnh Lộc trao đổi với PV.

Khi được hỏi về báo cáo của huyện, của xã và số liệu liên quan đến công tác dập dịch và phòng chống của các cơ quan chức năng thì ông Toản vòng vo không cung cấp rồi bảo chúng tôi qua gặp Chủ tịch huyện Hậu Lộc để trao đổi thông tin thêm”. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước ngày 3/8, đã phát hiện hai ổ dịch ở hai huyện đó là Sầm Sơn và Yên Định, ở Sầm Sơn đã phát hiện tiêu huỷ hơn 300 con gia cầm. Tại Yên Định phát hiện và tiêu hủy hơn 295 con mắc bệnh. Ngay sau khi phát hiện các ổ dịch cán bộ thú y cùng với lãnh đạo hai địa phương Yên Định và Sầm Sơn đã báo cáo lên Phòng xin ý kiến chỉ đạo tiêu huỷ ngay số gia cầm bị mắc bệnh. Hiện 2 địa phương trên đã qua 21 ngày không xuất hiện thêm ổ dịch mới. 

Sáng ngày 17/8, trao đổi với Dân trí, ông Lê Văn Hiển, Phó GĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: “Sau khi có dịch, UBND tỉnh và Sở cùng Chi cục Thú y đã có văn bản chỉ đạo các địa phương phòng chống và dập dịch. Từ ngày 13/8 đến nay, tại các địa phương này chưa có phát sinh thêm ổ dịch mới. Đây là những ổ dịch nhỏ lẻ, đang trong tầm kiểm soát nên tỉnh chưa công bố dịch. Đến thời điểm này, khhông phát hiện thêm các ổ dịch mới tại các địa phương có dịch trước đó. Còn đối với huyện Hậu lộc do mới phát hiện ổ dịch chúng tôi cũng đã chỉ đạo dập dịch và tiêu huỷ ngay, nhưng do thời tiết mưa nên ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Đối với hai đơn vị là Sầm Sơn và Yên Định đến nay vẫn không phát sinh thêm ổ dịch nào nữa”. 

Ông Lê Văn Hiển - PGĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa trao đổi với PV Dân trí.
Ông Lê Văn Hiển - PGĐ Sở NN&PTNT Thanh Hóa trao đổi với PV Dân trí.

Liên quan đến thông tin đến nay Thanh Hóa chưa công bố dịch cúm gia cầm, ông Hiển cho biết: “Trong nguyên tắc chống dịch là không được giấu dịch. Theo nguyên tắc công bố dịch trên địa bàn một huyện phải có từ 3 xã trở lên có dịch, tỉnh phải có từ 3 huyện trở lên. Nhưng dịch ở đây đang ở mức độ nhỏ nên đang trong tầm kiểm soát”. 

Nguyễn Thùy - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm