Thẳng tay loại bỏ cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng kém chất lượng
(Dân trí) - Các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng (TPCN) phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP) mới được chứng nhận tiêu chuẩn. Động thái này của cơ quan chức năng nhằm siết lại thị trường hỗn loạn về TPCN, với hơn 20.000 mặt hàng được công bố nhưng nhiều mặt hàng không đạt chất lượng.
Công bố một đằng, chất lượng một nẻo
Tại hội thảo giới thiệu tài liệu hướng dẫn thực hành sản xuất tốt TPCN diễn ra ngày 29/3, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) TPCN là một lĩnh vực hiện rất nóng, với hơn 20 nghìn mặt hàng (trong đó khoảng 60% là hàng sản xuất trong nước). Tuy nhiên qua thanh kiểm tra phát hiện nhiều sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, phần lớn là sản xuất tại Việt Nam.
Vi phạm về chất lượng thường gặp là: hàm lượng không đúng như công bố, điều kiện độ ẩm, nhiễm vi sinh nhất là các thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược liệu- trong điều kiện khí hậu nóng ẩm như Việt Nam điều kiện bảo quản không tốt rất dễ phát triển nấm mốc… Vì thế, việc sản xuất TPCN phải đạt GMP là một cách để kiểm soát, siết chặt chất lượng mặt hàng này.
Theo TS Phong, do chưa có quy định bắt buộc sản xuất TPCN phải theo tiêu chuẩn GMP, thế nên có những doanh nghiệp đầu tư rất hiện đại, quy trình sản xuất rất chặt chẽ ra sản phẩm tốt. Nhưng bên cạnh đó lại có hàng nghìn cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ, trong khi với các cơ sở nhỏ lẻ này thì rất khó để bảo đảm chất lượng, duy trì kiểm tra, kiểm định chất lượng định kỳ, cho ra lò những mẻ TPCN không đảm bảo chất lượng.
Trong khi đó, theo một điều tra của HIệp hội thực phẩm chức năng tại 2 thành phố lớn là TPHCM và Hà Nội có đến 60-70% người trưởng thành có sử dụng TPCN.
“Khi kiểm tra, chúng tôi phát hiện có những cơ sở chỉ có mỗi văn phòng, không có nhà máy nhưng cũng công bố sản phẩm và đưa sản phẩm ra thị trường. Thậm chí khi đoàn kiểm tra của Cục ATTP đến thì không thấy văn phòng đâu vì họ đã chuyển văn phòng sang địa chỉ khác mà không báo cáo, vì vậy Cục đã phải rút giấy phép kinh doanh”, ông Phong cho biết.
Quá nửa cơ sở kinh doanh TPCN khó đạt GMP
Theo các chuyên gia, việc áp dụng GMP với sản xuất TPCN sẽ đáp ứng được hai mục tiêu, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là về chất lượng sản phẩm, tiếp nữa là tạo hành lang pháp lý minh bạch, công bằng để doanh nghiệp phát triển lành mạnh, loại bỏ được các doanh nghiệp không đủ điều kiện sản xuất tham gia vào thị trường.
Theo TS Phong, khi áp dụng GMP sẽ có quá nửa số sơ sở sản xuất TPCN khó đạt yêu cầu. Muốn được tiếp tục kinh doanh họ sẽ phải nỗ lực hơn nhiều, cố gắng đầu tư và nâng cao chất lượng quản lý hơn nhiều.
“Chúng tôi mong muốn tiến tới chỉ các cơ sở sản xuất có nhà máy sản xuất đạt GMP mới được đứng ra công bố sản phẩm TPCN, đảm bảo sản phẩm có chất lượng cho người tiêu dùng” – ông Phong nói.
Theo đó, ý kiến này sẽ tiếp tục được thảo luận và muộn nhất, tháng 6/2017 Bộ Y tế yêu cầu ban hành thông tư, nhằm siết chặt quản lý nhưng không được làm khó doanh nghiệp. Vì thế, việc áp dụng sẽ được thực hiện theo lộ trình để các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Các nước trong khu vực sẽ thực hiện lộ trình này vào năm 2021.
Về vấn đề này, GS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - chuyên gia cao cấp về dược học cho rằng: “Quá trình phát triển GMP là quá trình không bao giờ kết thúc mà sẽ phát triển không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng uy tín của doanh nghiệp, bảo vệ người tiêu dùng . Đây không phải là cơ quan quản lý làm khó doanh nghiệp mà là đặt ra yêu cầu cao hơn, sản xuất ra các sản phẩm chất lượng hơn để bảo vệ người tiêu dùng”.
Kinh nghiệm từ triển khai và phát triển GMP từ ngành dược nước ta trước đây cho thấy, muốn đạt và phát triển nhà máy GMP thì quan trọng nhất là hệ thống quản lý, liên quan đến con người, chứ không phải chỉ là đầu tư xây dựng lại nhà xưởng to đẹp sẽ được công nhận GMP. Đến 2010, nước ta đã có 4 nhà máy dược đạt chuẩn GMP – hệ thống GMP cao nhất được 50 nước phát triển cao nhất thế giới áp dụng.. Bộ Y tế cũng đã có chính sách đấu thầu thuốc hướng về người bệnh và phải ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP ở mức cao.
“Vì thế, trong lĩnh vực này, việc sản xuất ra TPCN đạt chất lượng cũng là vì người tiêu dùng. Dù vậy, khi làm tài liệu hướng dẫn này, xây dựng chính sách này, BYT cũng phải làm rõ được việc khuyến khích doanh nghiệp phát triển GMP thì doanh nghiệp được lợi gì?”, GS Truyền nói.
Hồng Hải