1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thận trọng với dầu chuối

Dầu chuối thường được cho vào các món chè, thạch, các loại bánh… Loại dầu này có mùi thơm đặc trưng, kích thích vị giác, nên người ta thường cho nhiều vào các món ăn. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu ăn nhiều dầu chuối, gan sẽ tích trữ lại chất độc, có thể dẫn tới ung thư.

Thơm thì có thơm

 

Dạo qua một loạt các hàng chè mới thấy dầu chuối là một chất phụ liệu được cả người bán lẫn người ăn “hưởng ứng” nồng nhiệt. Ở hàng chè trên vỉa hè A15 Nghĩa Tân, chị bán chè thoăn thoắt bỏ đá vào cốc, sau đó, “phun” vào mỗi cốc chè một lượng dầu chuối đựng trong lọ nhựa màu trắng giống như lọ đựng thuốc nhỏ mũi nhưng to gấp 3 lần.

 

Liều lượng dầu “phun” vào mỗi cốc chè nhiều ít tuỳ thuộc vào …tay bóp của chị bán chè. Quan sát của chúng tôi cho thấy, nhiều người chưa thấy “đã” nên vẫn đưa cốc xin thêm loại hương liệu này.

 

Ở các hàng bán thạch đen, người bán hàng bán kèm luôn cả dầu chuối đựng trong lọ thuỷ tinh bé xíu như lọ penixilin ngày xưa. Giá của lọ bé này là 5.000đ. Chị Hoàng Hiếu Thủy, ngõ 577 Thụy Khuê cho biết, chị mua một lọ dầu chuối này cho vào khoảng 5 cốc thạch đường, cả nhà ăn cơm tối xong thường có thói quen mỗi người ăn một cốc thạch.

 

Ở chợ Đồng Xuân, những lọ dầu chuối bé, đựng trong lọ penixilin giá bán buôn chỉ có 3.000đ/lọ. Còn ở chợ Bắc Qua, họ chào bán dầu chuối đựng trong can nhựa 30l với giá 21.000đ/lít. Còn loại đóng chai thuỷ tinh nửa lít giá 15.000đ. Chủ quầy hàng Dũng Khánh - Quầy 11B1 chợ Bắc Qua cho biết: Mùa bánh trung thu, chị bán được rất nhiều dầu chuối. Còn bình thường khách hàng của chị chủ yếu mua về để làm bánh ngọt. Khi hỏi mua dầu chuối để về làm bánh và yêu cầu có hoá đơn chị ái ngại:”Dầu chuối này là người ta tự pha chế. Lấy đâu ra hoá đơn”.

 

Có chất gây tê liệt thần kinh, đau bụng

 

Khi người ta tách rượu, phần cặn còn lại chính là dầu Fuzel. Dầu Fuzel chính là alco cao. Đặc biệt có chứa một lượng nhiều alcolisoamil. Là đồng phân của C5H11OH. Sau đó, người ta pha loãng và đem ra thị trường bán. Trong dầu chuối có este gây tê liệt thần kinh, đau bụng. Việc đưa aldehyt vào cơ thể và tích tụ theo thời gian sẽ gây ung thư.

 

PGS.TS Hoa Hữu Thu, CN Khoa Hóa, trường ĐH KHTN, ĐH QGHN

Tích tụ trong cơ thể gây độc

 

GS.TS Bùi Minh Đức, chuyên gia về độc học dinh dưỡng và an toàn thực phẩm cho biết: “Dầu chuối tên thương phẩm là Banane Oil, tên khoa học là Isoamyl Acetat, công thức hoá học là C7H14O8. Dầu này là loại dầu cực kỳ đậm đặc, các sản phẩm hiện nay trên thị trường đã được pha loãng. Khi pha, người ta thường dùng dầu hoả loại có thể hoá hơi ở 60 - 70ºC. Khi chạm tay gây xót, chạm mắt gây bỏng”.

 

Dầu chuối độc ở chỗ, người ta đã không dùng dung môi, các sản phẩm tinh khiết cho thực phẩm để pha loãng vì loại này cực kỳ đắt tiền và thường phải nhập ngoại. Vì vậy người ta dễ cho các chất dẫn xuất rẻ tiền để pha chế ra dầu chuối. “Điều này là chắc chắn vì với giá thành bèo bọt như vậy thì lấy đâu ra sản phẩm đạt yêu cầu về độ tinh khiết”, GS Đức khẳng định.

 

Theo GS Đức, người dùng dầu chuối mỗi lần ăn ít nhất khoảng 1 - 2cc lượng dầu vào cơ thể. Loại dầu này không phản ứng ngay với cơ thể mà gan sẽ tích trữ lại độc tố. Trong đó có những độc tố siêu vi lượng (lượng cực kỳ nhỏ) vào cơ thể cũng bị giữ lại không thể đào thải ra nổi. “Chắc chắn trong dầu chuối có aldehit, gan sẽ giữ lại chất độc này, tích tụ lâu ngày sẽ gây ung thư. Chúng tôi khuyến cáo người tiêu dùng không nên lạm dụng dầu chuối”, GS Đức nói.

 

Theo Việt Nga

Sức khỏe & Đời sống