Thận trọng khi sử dụng thiết bị sưởi trong mùa đông

(Dân trí) - Thời tiết lạnh buốt, nhiều gia đình, đặc biệt gia đình có trẻ nhỏ, người già phải nhờ vào các thiết bị sưởi để chống lạnh. Mang lại hiệu quả giữ lạnh, nhưng cũng có nhiều tai nạn bỏng, ngạt khí, cháy nổ khiến người bệnh nguy kịch, thậm chí tử vong.

Hiểm họa sưởi ấm bằng than

Ở các vùng nông thôn, đặc biệt khu vực miền Trung, việc người dân sử dụng than củi để sưởi ấm rất phổ biến. Và cũng có những tan nạn thương tâm xảy ra, khi than bén vào quần áo, chăn màn gây cháy, bỏng. Có những tai nạn khiến cả nhà tử vong vì ngủ trong phòng kín đốt than củi, gây ngộ độc khí CO2.
 
Sưởi ấm bằng than đã gây nhiều tai nạn thương tâm bỏng và ngộ độc khí độc từ than.
Sưởi ấm bằng than đã gây nhiều tai nạn thương tâm bỏng và ngộ độc khí độc từ than.

Tai nạn bỏng vừa xảy ra hôm 2/1 với bé gái 6 tháng tuổi ở Quỳnh Lưu, Nghệ An chắc chắn khiến không ít người giật mình vì dùng than củi để sưởi ấm rất đỗi phổ biến, quen thuộc với nhiều địa phương. Chính người mẹ của bé gái này cũng không thể ngờ, việc chị dùng than củi để dưới gầm giường sưởi ấm lại gây họa cho con, bởi hàng ngày chị vẫn làm vậy. Không hiểu sao lần này, than bén lên giường, chăn, màn và bùng cháy, ôm trọn cô con gái bé bỏng bên trong khi chị vừa ra ngoài vườn làm cỏ. Khi nghe tiếng khóc của con, chạy vào thì cả chiếc giường đã đùng đùng cháy. Vội lôi được con ra, nhưng hậu quả là em bé bị bỏng tới 50% diện tích cơ thể, nghi ngờ bỏng hô hấp và đang đối mặt với tình trạng nguy kịch tính mạng.

Cũng thời gian này năm 2011, tại Can Lộc, Hà Tĩnh, 3 mẹ con đã tử vong trong phòng vì sưởi ấm bằng than. Sau một đêm ngủ dậy, không thấy vợ và hai con ra khỏi phòng, ông Đức mới đẩy cửa bước vào thì thấy vợ và con trai, con dâu đã chết vì ngộ độc khí CO2 từ than củi.

Theo TS Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc (BV Bạch Mai), năm nào cũng vậy, khi thời tiết trở lạnh là xuất hiện những ca ngộ độc do sử dụng than làm lò sưởi ấm. Không chỉ ở các vùng nông thôn, mà ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình cũng sử dụng than hoa sưởi ấm trong phòng ngủ, nhà tắm nhưng lại đóng kín cửa phòng, gây ngộ độc khí than.

“Khi đốt than trong phòng ngủ, phòng tắm chật hẹp lại đóng kín cửa, than cháy sẽ đốt hết khí oxy, sinh ra khí CO2 gây ngộ độc cho người trong phòng. Trong khi đó, khí CO là khí độc thải ra do sự đốt cháy không hoàn toàn, không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết, nhất là khi đang ngủ, mọi người sẽ dần lịm đi mà không biết gì. Có những trường hợp, tự dưng thấy choáng nhưng cũng không thể dậy để mở cửa phòng, ngã vật xuống và lịm đi. Những trường hợp này không cấp cứu kịp thời, để thiếu oxy não lâu dẫn đến hôn mê, tử vong, nếu cứu được cũng sống đời sống thực vật do não bị tổn thương”, TS Duệ nói.

Vì thế, nếu sử dụng than củi để sưởi ấm, cần chú ý để tránh bỏng, nhất là với trẻ em hiếu động chạy nhảy chơi đùa rất dễ ngã vào chậu than. Không để than dưới gầm giường, gần những nơi dễ bắt lửa như gỗ, quần áo. Đốt than tuyệt đối không được đóng kín cửa phòng mà phải hé một chút cửa để có sự lưu thông không khí.

Thận trọng khi dùng thiết bị sưởi ấm bằng điện

Các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) luôn tiềm tàng nguy cơ gây cháy cao. Vì vậy, không nên để gần trẻ nhỏ, người già vì tia hồng ngoại mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ bỏng. Đã từng có trường hợp cụ già bị bỏng chân vì đặt máy sưởi quá gần, trời rét buốt, người già chân lạnh cóng, gần như mất cảm giác không biết da bị nóng rực, gây bỏng.
 
Sưởi ấm bằng than đã gây nhiều tai nạn thương tâm bỏng và ngộ độc khí độc từ than.
Máy sưởi rất hữu ích để giữ ấm, nhưng phải để ở khoảng cách an toàn và thường xuyên để ý đến máy. Ảnh: H.Hải

Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này khoảng 1 - 2 mét và tốt nhất nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người bởi các nguy cơ nói trên.

Ngoài ra, để tránh khô mũi khi dùng máy sưởi có thể nhỏ muối sinh lý ấm hàng ngày, bôi kem dưỡng da.

Chăn điện cũng là thiết bị được sử dụng phổ biến trong mùa đông. Phó giáo sư Nguyễn Đức Lợi, Viện Nhiệt Lạnh, Đại học Bách khoa (Hà Nội) cho biết, khi sử dụng chăn điện phải kiểm tra kỹ xem có bị gãy may so, hư hỏng cách điện và cách nhiệt của dây không. Khi sử dụng, nên điều chỉnh công suất vừa phải, đủ ấm. Tuy nhiên cũng không nên lạm dụng vì chăn điện làm ấm trực tiếp đến cơ thể và cũng gây khô da, khô mũi. Vì thế, chỉ nên bật ấm rồi tắt trước khi ngủ. Mọi người cũng cần lưu ý, không nên giặt ướt chăn, gối điện mà nên giặt khô để tránh tình trạng chập điện.

Cẩn trọng với túi sưởi

Sự việc túi sưởi đang cắm điện thì bất ngờ phát nổ khiến cho một bệnh nhi bỏng nặng phải nhập viện diễn ra mùa rét năm ngoái chắc chắn khiến nhiều người giật mình vì túi sưởi là sản phẩm sử dụng phổ biến trong các gia đình.

KS Nguyễn Huy Bạo, nguyên cán bộ Viện Kỹ thuật Quân sự cho biết, túi sưởi cũng như bất kỳ loại đồ điện nào đều có thể gây ra họa lớn cho người sử dụng nếu thiếu hiểu biết của người sử dụng về nó… Trong quá trình sử dụng, không ít người vừa cắm điện vừa ôm, hoặc ôm lên người rồi rút điện nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách dễ gây chập. Có người vì lạnh vùng lưng liền đặt túi sưởi xuống giường, nằm đè cả người nên rất dễ bục, vỡ túi sưởi gây bỏng.

Để an toàn, người sử dụng phải tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất trong việc sạc điện và sử dụng. Tuyệt đối không sử dụng túi khi đang cắm điện. Khi sử dụng, không tì đè toàn thân nặng lên túi sưởi mà chỉ nên đặt cạnh bên người, trong chăn giúp làm ấm. Không dùng vật sắc nhọn vạch lên túi, không để vật nặng đè lên, tránh gây bục túi dẫn đến rò dung dịch, rò điện. Nếu túi đã bị rò rỉ tuyệt đối không được sử dụng.

Hồng Hải