1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thận trọng khi chọn và dùng thuốc tuần hoàn não

Rối loạn tuần hoàn não thường có một số biểu hiện như đau đầu (đau ê ẩm, nặng đầu, khó chịu), ù tai, giảm thính lực tạm thời, chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng, hay quên đột ngột, giảm trí nhớ, nặng hơn có thể có cơn đột quỵ kèm theo mất ý thức...

Những thuốc thường dùng

 

Các thuốc làm giảm các biểu hiện trên nhưng có cơ chế mức độ khác nhau:

-Cinnarizin (stugeron, cinarin): Cinnarizin chẹn kênh calci có chọn lọc, đồng thời làm giảm hoạt tính co mạch của một số chất (adrenalin, serotonin). Do đó làm tăng lưu lượng máu đến các vùng, giảm tình trạng thiếu oxy não mà không làm tăng áp lực máu, tốc độ tim, làm giảm một số biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não.

 

- Nicergolin (sermion): Nicergolin làm giảm lực cản, tăng dòng chảy ngoại vi, làm tăng mức tiêu thụ ôxy, glucose, lập lại cân bằng tuần hoàn não. Được dùng trong rối loạn tuần hoàn não do giảm sút dòng chảy ngoại vi.

 

- Piracetam (ucetam, anoxyl, gabacet): Piracetam tác động trực tiếp lên não, lên hệ thống thần kinh trung tâm, cải thiện khả năng dẫn truyền, cải thiện sự chuyển hóa não của người bình thường cũng như người thiếu hụt một vài chức năng về sự nhận thức, sự học- nhớ, sự lanh lợi, tỉnh táo.

 

Piracetam tăng cường sự chuyển hóa ôxy, glucose não; duy trì tổng hợp năng lượng não; tăng cường sự phục hồi tổn thương do đó bảo vệ, phục hồi khả năng nhận thức sau chấn thương não (giảm ôxy-huyết, nhiễm độc, sau sock điện) cải thiện tình trạng bị mất trí sau nhồi máu phức tạp hoặc thiếu máu cục bộ não. Dùng sớm (trước 7 giờ sau khi xảy ra sự cố). Thuốc được dùng cho người già để cải thiện sự mất trí nhớ, chóng mặt, thiếu sự tập trung hoặc lanh lợi, thay đổi trạng thái hành xử; cho trẻ em khó học và viết (nhưng không thay thế các biện pháp khác). Piracetam còn gọi là thuốc hưng trí (nootropic).

 

- Cerebrolysin: Cerebrolysin đi qua hàng rào máu- não, tác động vào bên trong tế bào thần kinh, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung tâm theo nhiều cách, có tác dụng dinh dưỡng thần kinh độc đáo, bao gồm: tăng sinh, biệt hóa, đảm bảo các chức năng, tính đặc trưng của các tế bào thần kinh; tăng cường sự dẫn truyền, chuyển hóa; che chở cho các thương tổn não do thiếu máu cục bộ và nhiễm độc thần kinh. Thuốc được dùng cho người rối loạn trí nhớ, kém tập trung, sa sút trí tuệ (do nguyên nhân mạch máu não, nhồi máu não nhiều chỗ), dùng cho người đột qụy (do thiếu máu cục bộ, do chấn thương).

 

- Ginkgo biloba (tanakan, cebrex, ginkocer, sagokan), là cao đã được chuẩn hoá của lá bạch quả. Ginkgo biloba dọn sạch gốc tự do, ngăn ngừa sự phá hủy màng tế bào, kích thích sự giải phóng catecholamin, duy trì sự hoạt động của động mạch, tĩnh mạch, làm bình thường sự chuyển hóa của não (tăng tiêu thụ glucose, hạn chế mất cân bằng chất điện giải) trong điều kiện thiếu máu cục bộ.

 

Thuốc được dùng làm giảm các biểu hiện của rối loạn tuần hoàn não, một vài chứng bệnh về mắt (tắc mạch võng mạc). Gần đây, được nghiên cứu dùng trong các biểu hiện: chán nản, khác thường về ứng xử, đau đầu mạn do căng thẳng, biểu hiện tâm thần vận động, thần kinh do đái tháo đường, giảm sút trí tuệ, trí nhớ (khi các biểu hiện này là do rối loạn tuần hoàn não hay có liên quan đến tuần hoàn não).

 

Và sự thận trọng khi dùng...

 

Có một số biểu hiện của bệnh khác gần giống như rối loạn tuần hoàn não như nhức đầu, hoa mắt chóng mặt do rối loạn tiền đình; đau đầu, mệt mỏi suy giảm trí nhớ do suy nhược thần kinh. Nhiều người bị rối loạn tuần hoàn não nhưng không khám hay khám sơ sài rồi dùng nhầm sang các thuốc chữa các bệnh trên (vitamin B1, vitamin B6+magie, seduxen). Cách dùng sai này sẽ không đỡ bệnh mà còn có hại.

 

Các thuốc (kể cả loại được coi là hưng trí như piracetam, ginkgo biloba) chỉ có khả năng phục hồi lại sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não đến mức bình thường, chứ không làm vượt quá mức bình thường trước đó. Một số người dùng các thuốc này khi không bị bệnh, hay tăng liều để tăng cường trí tuệ là không có hiệu quả thực tế.

 

Thầy thuốc tùy theo loại và mức độ rối loạn tuần hoàn não để chọn thuốc, liều dùng thích hợp để đủ lập lại cân bằng não bị suy giảm. Một số người tự ý dùng tăng liều với hy vọng tuần hoàn não mạnh lên sẽ có lợi là hoàn toàn sai lầm. Thực ra việc tăng liều như thế có thể gây nên các biểu hiện trái ngược như căng thẳng, mệt mỏi, mất ngủ.

 

Trong thiếu máu cục bộ cần dùng thuốc sớm (như piracetam, cerebrolysin). Sau khi đạt được yêu cầu bảo vệ hồi phục tổn thương não, thường ngừng thuốc. Một số người coi chúng là thuốc “bồi dưỡng cho não” tự ý dùng thêm không có ích lợi gì hơn.

 

Khi dùng thuốc cũng cần chú ý tới các tương tác bất lợi của thuốc. Ví dụ: cinnarizin, nicergolin làm tăng hiệu lực của các thuốc kháng histamin, thuốc an thần gây ngủ, rượu. Cerebroklysin làm tăng tích lũy thuốc IMAO, các thuốc chống trầm cảm. Ginkgo biloba gây nguy cơ tăng huyết áp khi dùng chung với IMAO. Vì vậy, không dùng chung với các thuốc có tương tác bất lợi.

 

Thận trọng khi dùng cerebrolysin, piracetam trên người chức năng thận suy giảm (vì thuốc bài tiết qua thận); cerebrolyzin, necergolin, ginkgo biloba cho người cao huyết áp. Không dùng ginkgo biloba cho người cường giáp, piracetam cho người suy gan. Hầu hết thuốc có tác dụng trên mạch và chuyển hóa chưa có thông tin đầy đủ với người có thai cho con bú, không nên dùng cho các đối tượng này. Nếu thực sự cần dùng có thể cân nhắc nhưng phải thận trọng.

 

Người rối loạn tuần hoàn não có thể mắc thêm chứng xơ vữa động mạch vành gây thiếu máu cục bộ ở não theo cơ chế khác, làm cho bệnh nặng nề phức tạp hơn. Cần dùng thêm các thuốc khác theo chỉ định của thầy thuốc (ví dụ như các thuốc phòng chống huyết khối).

 

Theo DS. Bùi Văn Uy

Sức khỏe & Đời sống