1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thận trọng khi bé kêu đau chân

(Dân trí) - Thấy con liên tục kêu đau chân, chị lại nghĩ do bé nghịch ngợm, chạy nhảy, chơi đùa. Tới khi, không đêm nào bé được ngủ yên vì cơn đau hành hạ, phải xoa bóp dầu gió thường xuyên, chị mới đưa bé đi khám mới phát hiện bé bị thấp tim.

Thận trọng khi bé kêu đau chân - 1
Mỗi tháng, hai mẹ con chị Hạnh lại phải lặn lội lên Hà Nội
để tái khám cho con vì căn bệnh thấp tim. (Ảnh: H.Hải)
Viêm họng dẫn đến thấp tim

Đó là trường hợp của cháu Trần Thanh Phong, 12 tuổi (Nam Định). Hiện giờ, định kỳ mỗi tháng 1 lần, bé lại cùng mẹ lại tay xách nách mang lên Hà Nội tái khám, siêu âm tim.

Chị Hạnh, mẹ bé Phong kể: Từ bé, cháu vốn đã rất hay bị viêm họng, nhanh thì vài ba hôm thấy khỏi, có những đợt lâu thì kéo dài hàng tuần. Do tần suất liên tục, có tháng 2 lần nên chị chủ quan không cho bé đi khám bác sĩ mà chỉ tự cho dùng thuốc.

Rồi một dạo, cháu Phong liên tục kêu đau chân. Chị nghĩ đơn giản là do cu cậu chạy nhảy, chơi đùa nhiều nên bị va đập, đau nhức. Nhưng từ đợt rét năm ngoái, tình trạng đau chân của Phong ngày càng trở nên nặng nề hơn, không ngày nào là không phải bôi dầu. Lắm đêm, đang ngủ chị cũng phải dậy xoa dầu vì con bị đau không ngủ được.

Lúc này, chị mới đưa con lên khoa Nhi BV Bạch Mai khám. Bác sĩ xác định cháu bị thấp tim do biến chứng của viêm họng, buộc phải điều trị, theo dõi lâu dài.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi BV Bạch Mai, bệnh thấp tim là một biến chứng nguy hiểm của viêm họng do liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A gây ra. Loại liên cầu khuẩn này kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim.

Thấp tim hay tái phát, gây tổn thương van tim với nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng người bệnh. Nếu thấp tim không điều trị có thể dẫn đến những biến chứng tại van tim như hẹp van hai lá, hở van hai lá, hẹp van động mạch chủ… dẫn đến suy tim, khó thở, suy hô hấp, có thể tử vong.

Bệnh nặng do chủ quan

Căn bệnh này hap gặp nhất ở lứa tuổi trên 5. Nguyên nhân là do sự chủ quan của gia đình, vì thường trẻ lớn bị viêm họng, cha mẹ ít khi đưa đi khám mà tự ý mua thuốc điều trị hoặc để bệnh tự khỏi. Tiếp đó là cha mẹ ít để ý đến biểu hiện bệnh khi đã chuyển biến chứng.

Biểu hiện của bệnh: trẻ bị sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác. Sưng khớp và hiện tượng sưng di chuyển từ khớp này sang khớp khác là một yếu tố quan trọng để nhận biết nguy cơ bị thấp tim ở bệnh nhân. Tuy nhiên, do hay bị vào mùa đông, trẻ mặc quần áo dày, không thường xuyên tắm rửa cho con mà bé thì chỉ biết kêu đau chân nên đã khiến bệnh khó được phát hiện kịp thời.

Vì thế, cần quan sát và khi thấy trẻ có những dấu hiệu trên, phải đưa trẻ đến viện ngay để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Bệnh thấp tim có thể phòng được bằng phương pháp tiêm chậm peniciline. Phương pháp này có tác dụng làm cho bệnh không tái phát được và không gây biến chứng vào tim.

Cần điều trị triệt để

Trên thực tế, với căn bệnh viêm họng, có khoảng 85% trường hợp viêm họng là do vi rút, sẽ không phải dùng kháng sinh điều trị mà chỉ dùng thuốc giảm triệu chứng. Còn 15% trường hợp còn lại là do vi khuẩn, bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc phù hợp.

Tuy nhiên theo TS Dũng, cái khó khi bị bệnh là cha mẹ không thể xác định danh giới bệnh do vi rút hay do vi khuẩn để dùng hay không dùng thuốc kháng sinh. Vì thế, khi bé có dấu hiệu bị bệnh, ho, viêm họng cần đưa trẻ đi khám bệnh để bác sĩ xác định nguyên nhân.
 
Khi đã được chẩn đoán bệnh, cần điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, không bỏ ngang. Rất nhiều phụ huynh, sau 2 - 3 ngày dùng thuốc thấy con có vẻ đỡ hơn là dừng thuốc. Điều này cực kỳ nguy hiểm, vì thực chất, bệnh mới chỉ đỡ mà chưa khỏi hẳn. Không dùng đủ liệu trình điều bị, bệnh dễ tái phát, hơn nữa, người bệnh có nguy cơ bị nhờn thuốc do không điều trị triệt để.

Cũng theo TS Dũng, khi bé bị bệnh về hô hấp, viêm họng không nên cho trẻ tiếp xúc, gần gũi với trẻ khác để tránh nguy cơ lây lan bệnh. Đồng thời cần phải điều trị sớm và triệt để, không nên cho tới lớp, tránh lây lan cho các bạn học khác. Tại gia đình cũng không nên cho trẻ bị bệnh tiếp xúc nhiều với các trẻ khác sẽ hạn chế lây lan bệnh hô hấp ra cộng đồng.

Để phòng bệnh viêm họng, quan trọng là phải nghỉ ngơi, giữ ấm. Giữ ấm cổ, ngực, gan bàn chân. Đồng thời nên uống nhiều vitamin C tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi bị viêm họng cấp, chủ yếu là chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Hồng Hải

 

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ