1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thâm nhập lò bơm nước bẩn vào heo

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và một số tỉnh lân cận, tình trạng một số “lò” nuôi heo từ hộ lẻ cho đến trang trại quy mô công nghiệp sử dụng chất tăng trọng trong chăn nuôi đang diễn ra khá phổ biến. Không chỉ thế, heo trước khi ra thị trường còn được bơm nước, nhồi nhét để tăng trọng.

  

Điều nguy hại là người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thịt heo sạch, đâu là thịt heo có chứa chất cấm. Sau nhiều ngày thâm nhập ở một số địa điểm chăn nuôi này, PV NTNN đã thu thập được nhiều chứng cớ để lật tẩy kỹ nghệ nói trên.

 

Không cần biết nước bẩn hay sạch, cứ thế, nhiều trại nuôi heo ở Đồng Nai nhồi nước vào cơ thể heo trước khi xuất chuồng để có trọng lượng cao hơn. Những con heo bị bơm nước sau một hồi rên la thảm thiết vì đau đớn, đã mệt mỏi đổ gục, lờ đờ rồi bị các thương lái đưa đi.

 

Trại bơm nước giữa rừng vắng

 

Theo sự mách bảo của người dân và thương lái, chúng tôi đến trung tâm cung cấp heo của Công ty CP tại Khu công nghiệp Biên Hòa (Đồng Nai). Đồng hồ chỉ 12 giờ trưa- thời điểm vàng để “phục kích”. Thông thường thương lái đến mua heo trễ hơn, nhưng nếu là heo bơm nước thì cần có thời gian từ 3 - 4 tiếng để bơm nước nên họ đến mua sớm hơn.

 

Từ 12 giờ trưa đến 15 giờ ngày 13.10.2014, có 4 xe chở heo từ Trung tâm CP chạy ra. Và 3 trong 4 xe đó đã không chạy qua cầu Đồng Nai để về các lò giết mổ ở TP.HCM mà rẽ hướng về phía Hố Nai, Gia Kiệm của huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi liền bám theo.

 

Từ Trung tâm CP, các xe này chạy băng qua Khu công nghiệp Biên Hòa II và rẽ vào đường tránh qua TP.Biên Hòa, đường Bùi Văn Hòa. Một xe chạy đến khu nằm sau nghĩa trang TP.Biên Hòa thuộc địa phận xã Phước Tân, Biên Hòa, Đồng Nai.

 

Chiếc xe này theo một còn đường độc đạo, chạy ngoằn ngoèo vào sâu trong một rừng tràm rồi đỗ lại trước một trại heo khá lớn nằm giữa khu rừng tràm bốn bề hoang vắng. Xung quanh trại được xây một lớp hàng rào bảo vệ bằng bê tông cao khoảng 3m khá kiên cố. Chúng tôi chỉ thấy có duy nhất một lối vào ở cửa chính phía trước cho các xe heo chạy ra vào. Và đứng gác ở cổng là vài tay bảo vệ, xăm trổ đầy mình.

 

Trong vai nhân viên của một thương lái cần tìm mối bơm nước cho heo, chúng tôi đã thâm nhập vào trại heo này. Trại này được xây dựng trên diện tích khoảng 1.000m2 được thiết kế như một trại nuôi heo với nhiều dãy chuồng nhốt heo bằng sắt kiên cố. Heo chở đến sau khi cho nghỉ ngơi chốc lát thì bị các thợ bơm nước, mặc quần cộc, cởi trần đến cột mõm ở hàm trên bằng dây dù, rồi kéo heo đến cột vào một điểm cố định ở thanh sắt trước chuồng. Khi bị buộc như vậy thì heo bắt buộc phải ngước lên và há mồm ra.

 

Phía trên thành chuồng là một dãy xô nhựa được cột dọc theo các chuồng để chứa nước bơm, có gắn bên ngoài là một ống dây nhựa dài khoảng 2m, đầu kia thọc thẳng vào bụng heo. Các thợ bơm bắt đầu điều chỉnh cái khóa được gắn phía trước xô nhựa để điều tiết lượng nước bơm vào tùy theo thể trạng và trọng lượng từng con heo. Chúng tôi không rõ nước trong xô dùng để bơm cho heo là loại nước gì, nhưng chắc chắn không phải nước sạch đã qua xử lý từ vòi vì quan sát thấy nước vẫn lợn cợn cặn bã và không trong.

 

Từ khi bị cột mõm lôi đi và bị thọc ống bơm nước vào sâu trong mồm, heo bị đau giãy giụa và bắt đầu rên la, rống lên từng hồi. Đây là trại heo có quy mô khá lớn, với khu chuồng trại bơm có thể chứa và bơm nước cho khoảng 700 – 800 con heo/ngày. Lúc chúng tôi đến đang có khoảng 100 con heo đang được bơm nước. Tiếng 100 con heo rống vang dội khắp cả trại, đứng ở xa 200m còn nghe được, đập vào màng nhĩ đinh tai nhức óc. Tiếng la rống, rồi giẫy đạp, có con bị sặc nước nhìn rất thê thảm và tàn ác.

 

Không bơm thì “chết”!

 

Sau khoảng 10 phút bơm khi thấy bụng heo no căng tròn ra thì mấy tay thợ đến rút ống bơm nước ra, rồi lấy sơn xanh ở cái thùng nhỏ kế bên quẹt lên thân heo đánh dấu 1 gạch, ý là để nhớ đã bơm được 1 lần. Tôi hỏi: “Thế còn bơm mấy lần nữa?”. Tay thợ vừa dùng vòi bơm vào heo, vừa trả lời nhát gừng: “Để heo nghỉ chút rồi bơm tiếp 2 lần nữa là xong”.

 

Nói xong anh ta rút vòi bơm và tháo dây cột ra, heo lảo đảo ngã vật xuống nền nhà, miệng trào nước ra lênh láng. Sau khi cho heo nghỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ thì tay thợ tới bơm nước lần 2, rồi cho nghỉ tiếp 1 tiếng nữa mới tới bơm lần cuối cùng. Lúc này heo đã mệt lả, nằm im không nhúc nhích động đậy gì hết.

 

Tôi lại buột miệng hỏi: “Thế nó có chết không?” – tay thợ liếc tôi một cái rồi nói: “Lúc đầu mới bơm cũng có chết nhưng giờ thì ngon lành rồi, chẳng chết con nào nữa. Với lại heo của CP thường khỏe hơn heo ngoài, khó chết lắm”.

 

Đến khoảng 17 giờ thì heo bơm nước xong được đưa lại lên xe chở về các lò thành phố giết mổ. Lúc này nhìn con nào cũng lừ đừ, mệt mỏi, yếu ớt. Tôi nhẩm tính, mỗi lần bơm như vậy khoảng 2 lít nước. Vị chi 3 lần bơm là 6 lít. Nước được bơm trực tiếp vào bao tử heo để dễ thẩm thấu vào da và thịt nên lúc này trọng lượng heo đã tăng lên được khoảng 4kg hơn. Với giá bán heo hơi hiện nay là khoảng 52.000 đồng/kg, nhân cho 4kg tăng trọng, là được hơn 200.000 đồng/con.

 

Tác hại của heo bơm nước không chỉ làm giảm chất lượng thịt heo mà khi bơm nước bẩn có thể gây ngộ độc thực phẩm cho người ăn, về lâu dài sẽ tích luỹ thành chất độc gây hại cho bao tử. Đặc biệt, các lán trại, lò bơm nước đang đưa vào một công nghệ bơm mới là trộn 1 loại thuốc an thần của Trung Quốc vào trong nước để quá trình bơm được dễ dàng, heo không chống cự nhiều, mà loại thuốc này khá độc hại cho người sử dụng.

Thấy tôi lẩm nhẩm, anh thương lái đi kế bên “chốt” giùm: “Không tính vậy được đâu, vì còn nhiều chi phí lắm. Chi phí trả tiền thuê mặt bằng và công bơm nước hết 20.000 đồng/con rồi còn hao hụt trên đường đi khoảng cả ký nữa. Heo bán ra chợ còn bơm 3 - 4 đợt nước chứ heo cung cấp cho các đơn vị lớn, uy tín như Vissan, các siêu thị, nhà hàng chỉ dám bơm 1 – 2 lượt thôi, chứ bơm nhiều họ phát hiện ra là cũng chết.

 

Tóm lại sau khi trừ hết mọi chi phí thì mỗi con heo bơm nước tụi tui lời khoảng 100.000 đồng/con. Mỗi ngày tui mua 100 con heo thì cũng kiếm được khoảng chục triệu hơn. Thời buổi bây giờ khó khăn, kiếm được vậy là mừng lắm rồi”.

 

Trên đường dẫn chúng tôi đi ra, anh thương lái còn chỉ cho chúng tôi thêm một loạt 5 - 7 lán, trại bơm nước khác trong khu vực 2 xã Phước Tân và Bắc Sơn của huyện Trảng Bom, Đồng Nai. Theo lời anh này, sở dĩ tình trạng bơm nước nở rộ hiện nay, nhà nhà, lò lò đều bơm bởi không bơm thì sẽ “chết”.

 

Nguyên nhân do từ tháng 3 đến giờ, heo tăng giá vùn vụt và giữ ở mức cao 52.000 – 54.000 đồng/kg heo hơi bắt tại chuồng mấy tháng nay. Với giá cao như thế, nông dân có lợi nhưng thương lái khi mua, xẻ thịt mảnh bán ra thị trường, chỉ có thể ở mức bình quân là 65.000 đồng/kg, không thể tăng hơn bởi sẽ không có người mua và như vậy họ không có lời. Nên họ bắt buộc phải nghĩ cách bơm nước tăng trọng heo để mà hưởng mức lời chênh lệch đó.

 

“Bơm nước còn đỡ, có khu còn mua heo CP xuất chuồng về, trộn thuốc tăng trọng vào vỗ béo heo lên 1,2 – 1,3 tạ bán ra thị trường mới là lời khủng khiếp. Ăn con heo đó mới là độc chết người. Bữa nào tôi dẫn đi tiếp” – anh thương lái hứa hẹn.

 

Theo lời cánh thương lái thì nhân viên thú y ở các lò mổ và cả ở các trạm kiểm soát trên đường vận chuyển, bằng vào kinh nghiệm của mình chỉ cần nhìn bằng mắt thường đã có thể nhận biết được con heo bơm nước. Thế nhưng họ bỏ qua, “du di” cho thương lái kiếm sống. Và trong tháng 9 đợt cao điểm an toàn vệ sinh thực phẩm vừa qua, trong 3 ngày 10,11, 12/9, Chi cục Thú y TPHCM có tổ chức đợt kiểm tra tại các lò giết mổ ở TPHCM và 80% các lò đều có vi phạm heo bơm nước. Thông tin này được cánh thương lái ở TPHCM tiết lộ nhưng phía Chi cục Thú y TPHCM không có công bố.