Thảm họa sợ tiêm phòng?

Thêm 6 ca tai biến sau <a href=" http://www11.dantri.com.vn/suckhoe/2007/6/183352.vip"> sự cố tiêm phòng dại ngày 14/6</a>; rồi các tai biến do tiêm phòng lao, viêm gan siêu vi B, Rubella… cấp tập xảy ra trong thời gian mới đây. Liệu việc phát hiện hàng loạt sự cố trong thời gian ngắn vừa qua là do ngẫu nhiên hay do “phong trào”?

Một bác sĩ công tác trong ngành y tế dự phòng than thở: “Thật ra phản ứng tiêm phòng là điều có thể xảy ra với mọi loại vắc xin ở một tỷ lệ chấp nhận. Những phản ứng nhẹ sau tiêm như nóng sốt, nổi hạch, mệt mỏi, nổi mẩn ngứa ở chỗ tiêm rất thường gặp, nằm trong giới hạn cho phép nên không có gì ầm ĩ. Đáng đề cập là những tai biến nặng như bại liệt, chết người. Nếu các phương tiện thông tin đại chúng cứ tập trung quá mức vào những sự cố tiêm phòng, e rằng hậu quả không lường hết được”.

 

Hậu quả của nó, theo ý ông, là người dân sống trong nỗi thấp thỏm mỗi khi đi tiêm phòng, thậm chí có người còn quay mặt luôn với việc phòng bệnh… muốn ra sao thì ra! Sau sự cố một trẻ tử vong do tiêm vắc xin sởi, quai bị, rubella cách đây một năm, sau khi báo chí vào cuộc “rầm rộ”, số trẻ đi tiêm phòng đã giảm sút thê thảm khiến ngành dự phòng lo lắng vì nguy cơ bùng phát những bệnh này trong vài ba năm tới.

 

Một góc nhìn khác, đặt ra vấn đề: Phải chăng từ trước đến nay chúng vẫn thường xảy ra nhưng không được ghi nhận vì nhân viên y tế thiếu kiến thức, không quan tâm, và một khi sự cố xảy ra, sau khi họ được trang bị kiến thức, quan tâm đầy đủ vấn đề thì mọi chuyện lại khác đi? Khả năng này hoàn toàn có thể xảy ra vì trong một báo cáo trước đây gửi cho Bộ Y tế về công tác phòng chống bệnh dại, GS.TS Hoàng Thuỷ Long, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ đã thừa nhận: “Cán bộ ở các điểm tiêm luôn thay đổi nên trình độ của họ còn hạn chế, chất lượng các điểm tiêm còn phải củng cố rất nhiều, phản ứng phụ tại chỗ và toàn thân do chích vắc xin không được theo dõi đầy đủ nên không tính được tỷ lệ chính xác”. Đáng lo hơn là có hay không việc bưng bít thông tin của cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố. Một giám đốc bệnh viện tại TPHCM nói: “Vẫn biết sự cố trong y khoa là có thể chấp nhận, tuy nhiên người đứng đầu bệnh viện nào cũng sợ sự việc phơi bày trước công luận, không những ảnh hưởng đến uy tín mà còn mất thi đua”.

 

Câu chuyện tiêm phòng cho thấy, tai biến tiêm phòng, ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân là một tai hoạ, nhưng để cộng đồng hoang mang, không đi tiêm phòng thật sự còn là một tai hoạ lớn hơn nữa.

 

Theo Phan Sơn

Sài Gòn tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm