Thai phụ bàng hoàng mất con 38 tuần tuổi chỉ từ dấu hiện đau bụng, ra máu âm đạo
(Dân trí) - Thai phụ 25 tuổi (Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh) vào viện với biểu hiện đau bụng, ra máu âm đạo. Song bác sĩ phát hiện thai đã chết lưu, dù thai đủ tháng nhưng chậm phát triển chỉ nặng 1,7 kg.
Đây là lần mang thai thứ 3 của thai phụ Bế Thị N. Thai phụ được gia đình đưa vào khoa Sản, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí trong tình trạng thai 9 tháng. Trước đó khoảng một tháng chị cho biết có đi siêu âm kiểm tra thai những chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.
Sau khi tiến hành thăm khám, siêu âm, làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán thai đã chết lưu ở tuần thai thứ 38 tuần 3 ngày. Mặc dù đủ tháng nhưng thai nhi chậm phát triển và chỉ nặng 1,7 kg. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến thai bị chết lưu.Theo bác sĩ đây là trường hợp đáng tiếc cho sản phụ và gia đình vì đã không được khám, chẩn đoán sớm tình trạng thai chậm phát triển để có chỉ định can thiệp kịp thời. Thai phụ cũng bàng hoàng, không thể ngờ mình mất đi đứa con đã đến cận ngày sinh.Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hường, Trưởng Khoa Sản Bệnh viện cho biết thai chậm phát triển xảy ra khoảng 3 - 5% trường hợp mang thai. Đây là tình trạng thai bị suy dinh dưỡng ngay khi nằm trong bụng mẹ. Những trẻ này sẽ chậm phát triển, nguy cơ mắc bệnh cao hơn các trẻ khác và có thể tử vong.
Những nguyên nhân dẫn đến thai nhi chậm phát triển có thể do mẹ mắc các bệnh như tăng huyết áp, tiền sản giật, các bệnh lý về thận, tiểu đường, các bệnh lý liên quan đến hồng cầu hoặc hút thuốc, nghiện rượu… Đặc biệt là các sản phụ trong quá trình mang thai mắc các bệnh lý nhiễm trùng, virus, vi khuẩn, kí sinh trùng… cũng có thể khiến thai nhi kém phát triển.
Việc khám, theo dõi thai định kỳ rất quan trọng để kịp thời phát hiện nguy cơ.
Vì vậy, bà mẹ khi có mang thai cần đi khám thai định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các bất thường ở thai thi để có thể dự phòng và điều trị sớm. Đồng thời bỏ thói quen hút thuốc, uống rượu nếu có.
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp cơ sở 1 (Hà Nội) cũng khuyên thai phụ nên khám thai và siêu âm ít nhất 4 lần trong suốt thai kỳ. Xác nhận thai nằm trong buồng tử cung chưa, xác nhận có tim thai khi thai được 7 tuần. Đồng thời làm xét nghiệm vi sinh (tìm nấm, vi khuẩn lậu, giang mai...), xét nghiệm nhóm máu.
Ngoài ra cần chú ý làm xét nghiệm sàng lọc trước sinh vào tuần thứ 15-18, siêu âm tìm dị tật của thai vào các tuần 12-22-32. Tiêm phòng uốn ván vào tháng thứ 6 hoặc tháng thứ 7.
Ở 3 tháng cuối cùng, mức độ khám và siêu âm có thể thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng toàn thân của mẹ và sức khỏe của bé. Thai phụ cũng cần chú ý theo dõi dấu hiệu đạp, cử động của thai nhi, kịp thời đến bệnh viện ngay khi cảm nhận có bất thường. Trong quá trình mang thai bà mẹ cũng nên khám, theo dõi đầy đủ tình trạng huyết áp, phòng sản giật, vị trí rau bám, bác sĩ Dung cho biết.
“Chị em cũng cần phân biệt rõ không chỉ đi siêu âm thai mà là đi khám thai. Bác sĩ sẽ theo dõi cân nặng của thai nhi, đo các chỉ số đường kính lưỡng đỉnh, chu vi đầu, chu vi bụng, chiều dài xương đùi…, xem thai có phát triển bình thường, có dị tật gì không…”, bác sĩ Dung lưu ý.
Trong thời gian mang thai, chị em cần tăng 10-12 kg, để sinh con có trọng lượng khoảng 3 kg. Người mẹ cần ăn uống nhiều hơn bình thường với nhiều loại thực phẩm. Đồng thời làm việc vừa phải, hoạt động nhẹ nhàng, không làm việc nặng. Nghỉ ngơi là việc cần thiết cho bà mẹ và thai nhi, tuy nhiên không nên nghỉ ngơi hoàn toàn sẽ khó đẻ. Tập thể dục như đi bộ giúp người mẹ sảng khoái, tuần hoàn lưu thông, ăn ngủ tốt.
Hà An