Thai nhi 34 tuần chết lưu bất thường khi đang theo dõi tại viện?
(Dân trí) - Vốn biết có bệnh lý rau tiền đạo, nên khi bị ra máu, chị Phạm Thị Hồng Xuân (36 tuổi, ở Gia Lộc, Hải Dương) đã được gia đình đưa đến nhập viện Phụ sản Trung ương. Sau 4 ngày nằm viện, chiều 15/6 bác sĩ đột ngột thông báo tim thai đã mất.
Đây là lần mang thai thứ 3 của chị Xuân, trước đó chị đã sinh hai con gái khỏe mạnh. Lần mang thai thứ 3 này, suốt quá trình mang thai chị đều khỏe mạnh. Tuy nhiên, vì có rau tiền đạo nên chị lên Bệnh viện Phụ sản Trung ương kiểm tra theo lịch hẹn. Đến ngày 12/6 khi thấy có hiện tượng ra máu, chị liền được cho nhập viện theo dõi. 10h sáng 16/6 bác sĩ đã phẫu thuật lấy ra thai nhi chết lưu là một bé trai, 34 tuần tuổi nặng 1,6kg.
Theo người nhà bệnh nhân, sáng sớm 12/6, do bị ra máu nên chị Xuân vào viện cấp cứu từ 5h sáng. Trong suốt quá trình theo dõi thai tại bệnh viện, nhiều lần chị Xuân nhờ người nhà hỏi nhân viên y tế vì cảm nhận thai đạp yếu, không như bình thường khi ở nhà.
Đến chiều thứ 6, sau một ngày nằm viện, chị lại có yêu cầu này nhưng nhân viên y tế đề nghị đợi sáng thứ 2 hỏi bác sĩ điều trị. Sau đó một ngày, chị lại thấy thai đạp vồng trở lại, chưa kịp mừng thì chiều Chủ nhật (15/5) nhân viên y tế bất ngờ thông báo không thấy tim thai và sau một đêm, chị Xuân được mổ lấy thai đã chết lưu.
Phía gia đình chị Xuân cho rằng bệnh viện đã chậm trễ trong việc mổ cấp cứu lấy thai. Trong quá trình chị Xuân lưu viện, bệnh viện cũng ít giải thích cho người nhà bệnh nhân về tình trạng bệnh lý của thai phụ và thai nhi. “Nếu ngay thời điểm thai đạp yếu, bác sĩ thăm khám, cho mổ cấp cứu thì cháu tôi đã không chết oan ức như thế. Hơn 8 tháng mang nặng, đẻ đau mà thằng bé không được làm người”, chị của sản phụ Xuân bức xúc nói.
Trao đổi với báo chí ngay sau ca mổ lấy thai cho chị Xuân, bác sĩ Trần Danh Cường, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, người trực tiếp thực hiện ca mổ, cho rằng đây là trường hợp nhau bám bất thường dẫn đến tuần hoàn kém và đột ngột dẫn đến tai nạn kể trên.
TS Cường cho biết thêm, trường hợp sản phụ này vào viện theo dõi khi thai được 34 tuần. Là người trực tiếp khám, làm tất cả các thăm dò cho bệnh nhân, thấy tình trạng tim thai bình thường nên TS Cường đã tư vấn để theo dõi tiếp vì nguyên tắc giữ thai càng đủ ngày đủ tháng càng tốt. Đến thứ 7, chủ nhật diễn biến đột ngột mất tim thai. “Đây là bệnh lý rất đặc biệt dây rau bám màng. Nó là một dị dạng của bánh rau do rau bám bất thường do dây dốn bám không đúng vị trí nên tuần hoàn rất kém”, TS Cường nói.
Trước phản ứng của người nhà bệnh nhân, vì sao không mổ sớm hơn để cứu bé? TS Cường cho rằng nếu mổ sớm, nhiều khả năng mổ ra trẻ vẫn sống, nhưng khả năng sống sau này như thế nào, bởi thai non tháng chỉ xử trí những trường hợp cấp cứu, đe dọa tính mạng mẹ con. Trong khi đó, ở trường hợp này, tại thời điểm khám tim thai vẫn bình thường nên bác sĩ mới tư vấn giữ thai theo dõi tiếp trên máy. Tuy nhiên đây cũng là một rủi ro vì dây rốn bám màng, bác sĩ cũng không lường được.
Tại bệnh viện Phụ sản Trung ương, các trường hợp rau tiền đạo ra máu chúng tôi vẫn giữ thai, vì nguyên tắc phải giữ thai cho đủ tháng, trong quá trình theo dõi có thể xử trí bất cứ lúc nào. “34 tuần không phải tuổi thai cứu sống được 100%. Thai 32 tuần khả năng sống tuyệt đối là 30%, còn 70% là rủi ro. từ 35 tuần trở đi khả năng sống là 90%.
Trước ý kiến người nhà bệnh nhân cho rằng bác sĩ, nhân viên y tế đã không sát sao theo dõi, nhất là trong hai ngày nghỉ cuối tuần, ông Cường cho rằng về quy trình theo dõi đã làm đủ về chuyên môn. Riêng hai ngày nghỉ cuối tuần, ông Cường cho biết sẽ xem xét trong cả quy trình và sẽ có trả lời sớm nhất cho công luận.
“Tình huống này xảy ra đột ngột, tất cả những trường hợp mất tim thai do dây dốn là những tai nạn không lường được. Do rau bám ở vị trí bất thường, mạch máu cung cấp cho dây dốn cũng bất thường”, ông Cường nói.
Ngay trong sáng 16/5 sau mổ lấy thai, thai nhi đã được đưa về nhà mai táng. Hiện mẹ bệnh nhi đã tỉnh táo, được phẫu thuật giữ nguyên tử cung cho thai phụ.
Tú Anh