Thái độ phục vụ hài lòng bệnh nhân quyết định thành công tự chủ bệnh viện
(Dân trí) - “Thước đo tự chủ là người bệnh tin tưởng tìm đến bệnh viện đó, rồi thu nhập của đội ngũ y, bác sĩ tăng cao hơn, việc chăm sóc y tế cho người dân luôn được cải thiện tốt…”, Phó Chủ tịch Bạc Liêu nói.
Sau 1 năm thực hiện cơ chế tự chủ ở ngành Y tế, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu Bùi Quốc Nam cho biết, hiện tỉnh có 12 đơn vị y tế trực thuộc được giao quyền tự chủ về tài chính; trong đó có 3 đơn vị có nguồn thu tự đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên là Bệnh viện đa khoa Bạc Liêu, Trung tâm Y tế thị xã Giá Rai và Trung tâm Y tế huyện Phước Long.
Qua thực hiện cơ chế cho thấy các đơn vị có tiết kiệm được nguồn kinh phí, thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, viên chức và người lao động từ khoảng 0,2 đến 0,5 lần tiền lương.
“Các đơn vị được quyền tự chủ trong việc phân bổ chênh lệch thu chi và trích lập các quỹ theo quy định, tạo cơ chế khuyến khích đội ngũ y, bác sĩ và nâng cao chất lượng dịch vụ…”, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu đánh giá hiệu quả.
Tuy nhiên, một số đơn vị y tế cũng cho rằng, việc thực hiện cơ chế tự chủ đã gặp không ít khó khăn. Như chưa cho phép tự chủ về nhân lực, vì vậy các đơn vị phải tự gồng gánh cả một bộ máy hiện hành khi chuyển sang tự chủ đảm bảo chi thường xuyên, còn lại mọi thứ phải trình, xin, chờ đợi…
Còn theo lãnh đạo Sở Y tế Bạc Liêu, khó khăn bao trùm đó là các đơn vị thực hiện trong điều kiện hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, cơ chế chưa đồng bộ.
Ngoài ra, nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh thuộc trách nhiệm chi trả của quỹ bảo hiểm y tế cho các đơn vị chiếm khoảng 80-90% nguồn thu của đơn vị. Tuy nhiên, quá trình thực hiện nguồn thu này chưa được đảm bảo, nhất là những trường hợp vượt trần, vượt quỹ được hội đồng quản lý quỹ xem xét quá chậm (như kinh phí từ năm 2018 đến nay chưa được giải quyết dứt điểm).
Thước đo tự chủ là người bệnh tìm đến bệnh viện, nguồn thu cao hơn
Bà Lâm Thị Sang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, thực hiện cơ chế tự chủ thì lãnh đạo các đơn vị có đủ thẩm quyền để tính toán, điều hành, đề xuất và quyết định.
“Chúng ta tự chủ là kiếm ra được nhiều tiền, mà tiền đến từ bệnh nhân. Nhưng bệnh nhân đến với chúng ta khi mà họ tin tưởng vào chuyên môn của bệnh viện như khám tốt, chẩn đoán hay, điều trị giỏi. Bệnh nhân phải được phục vụ tốt bằng thái độ niềm nở, tôn trọng.
Bệnh nhân hài lòng thì khi bệnh họ đến bệnh viện đó nhiều hơn, thu nhập của bệnh viện cao hơn, mà thu nhập cao thì người ta phải thay đổi thái độ. Một sự tác động qua lại như thế chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự sống còn của bệnh viện. Tự chủ thành công hay không chính là chỗ đó”, bà Sang nêu quan điểm.
Theo Phó Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu, qua đánh giá của nhiều đơn vị thì nếu không tự chủ được nhân lực thì cũng khó tự chủ về tài chính. Do đó, tỉnh sẽ nghiên cứu việc này trong thời gian tới để có hướng tốt nhất.
"Nhưng dù có tự chủ hay không tự chủ thì yêu cầu các đơn vị y tế phải thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nhiệm vụ chính trị mà tỉnh đã giao về chăm lo sức khỏe của người dân", bà Sang chốt lại.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Sở Y tế Bạc Liêu kiến nghị Bộ Y tế phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định thay thế hoặc sửa đổi bổ sung Nghị định 85/2012/NĐ-CP ngày 15/12/2012 của Chính phủ, về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám, chữa bệnh của các cơ sở công lập.
Đồng thời, cần ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế tự chủ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp y tế phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, nhất là đối với các Trung tâm Y tế huyện đa chức năng (khám, chữa bệnh; y tế dự phòng; dân số; an toàn thực phẩm) để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp y tế theo Nghị quyết 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương, để trong quá trình thực hiện không xảy ra những khó khăn, vướng mắc như thời gian qua.