Thắc mắc về cháy nắng
(Dân trí) - Những mảng da chuyển màu ửng đỏ, nóng rát và ngứa sau chuyến đi biển vài ngày. Ai cũng biết như vậy là “cháy nắng” rồi, nhưng bạn liệu đã hiểu rõ về hiện tượng này chưa? Không đơn giản đâu nhé!
1. Mặt trời đốt cháy da như thế nào?
Khi bạn khoan khoái nằm phơi nắng cũng chính là lúc các tia cực tím từ ánh sáng mặt trời xuyên qua da, tiêu diệt các tế bào sống thường ngày có tác dụng tái tạo da mới. Các tia A, UVA có thể thâm nhập sâu hơn vào dưới da, và tia UVA, UVB thì đốt cháy da của bạn.
2. Sao da cháy nắng có màu đỏ?
Để “tu tạo” lại những tổn thương và dọn đi các tế bào da chết, mạch máu phải giãn rộng hơn và máu tăng cường lưu thông đến vùng da cháy nắng. Chính lượng máu dư khiến vùng da này đổi thành màu đỏ và lúc nào cũng nóng.
3. Sao da cháy nắng rát và ngứa?
Các tế bào bị tổn thương gửi thông điệp đến não, báo hiệu rằng “chúng tôi bị thương rồi” và kích thích cơ quan thụ nhận cảm giác đau. Chính vì lẽ đó, da bạn càng nhạy cảm hơn khi bị chạm vào.
4. Tại sao da chuyển màu nâu?
Phản ứng lại việc các tia UV đốt cháy lớp da dưới, cơ thể sản sinh ra nhiều sắc tố melanin hơn khiến da có màu sậm. Các sắc tố hấp thụ bức xạ nhiệt và bảo vệ tế bào khỏi bị phá hủy. Hầu hết mọi người không “đen” đi sau chỉ 1 ngày trên bãi biển, vì cần thời gian để tạo melanin.
5. Người tóc đỏ không nên có làn da nâu rám nắng, tại sao?
Melanin giúp cơ thể lọc bức xạ UV, tuy nhiên cũng có khả năng gây hại. Một dạng melanin có tên pheomelanin (sắc tố tạo màu da trung tính, tóc bạch kim, tóc đỏ) thực tế có thể tăng các tổn thương từ ánh mặt trời như cháy nắng hoặc ung thư da.
6. Kem chống nắng hoạt động như thế nào?
Kem chống nắng hiệu quả nhất là loại có thể bảo vệ con người khỏi cả hai tia UVA và UVB. Cơ chế hoạt động là hoặc hấp thụ luôn các tia UV hoặc tạo thành một lớp bảo vệ như một mặt phẳng khúc xạ, “lái” các tia UV ra hướng khác không cho chúng “tấn công” làn da của bạn.
7. Chỉ số chống nắng SPF30 hiệu quả gấp đôi SPF15?
Không hẳn như vậy. Các chỉ số chống nắng cho thấy bạn có bao nhiêu thời gian trước khi cháy nắng. Ví dụ, SPF 2 bảo vệ bạn gấp hai lần so với bình thường (không bôi kem chống nắng), SPF 30 bảo vệ gấp 30 lần so với bảo vệ tự nhiên và làm chệch hướng được 97% các tia mặt trời. Trong khi đó, SPF 15 bảo vệ gấp 15 lần và “ngoặt lái” được khoảng 93% các tia.
8. Tại sao dễ cháy nắng hơn khi đi biển?
Các tia mặt trời có thể phản chiếu được trên bề mặt cát, nước (và cả tuyết). Bên cạnh đó còn các yếu tố khác như: tia UV mạnh nhất vào mùa hè, khoảng giữa trưa, ở vùng cao so với mặt biển và gần xích đạo. Ngay cả trong ngày xám xịt vẫn có khoảng 80% các tia mặt trời có thể “đi xuyên” mây, sương mù.
9. Đỏ da một tí chẳng chết ai?
Sai lầm. Tiếp xúc trực tiếp với các tia UV có thể làm đột biến tế bào và gây ung thư. Trẻ nhỏ và thanh thiếu niên phơi nắng nhiều càng tăng nguy cơ ung thư da. Các hiệu ứng khác: Nếp nhăn, da nám, tàn nhang, đục nhân mắt.
10. Cách nào trị da cháy nắng tốt nhất?
Uống aspirin có thể làm chậm quá trình cháy nắng ban đầu (nên uống trong vòng 1 ngày sau khi phơi nắng). Nhớ uống nhiều nước, tắm nước mát, dưỡng ẩm cho da bằng dầu lô hội hoặc kem dưỡng có thành phần chữa viêm và dị ứng. Và bạn cần đi bác sĩ nếu cháy nắng kèm theo đau đầu, lạnh, hay sốt.
Huyền Trang
Theo Livescience