1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Thả diều bằng dây đồng, bé trai bị điện giật bỏng nặng

(Dân trí) - Cánh diều vụt bay lên khỏi mặt đất đã lượn vòng rồi sa xuống đường điện cao thế, cùng với tiếng “roẹt” là cơ thể của bé N. bị cháy xém. Nghe tiếng kêu cứu của đám trẻ, nhiều người vội lao tới thì phát hiện dây thả diều là sợi dây đồng.

Thông tin từ bệnh viện Nhi Đồng 2 ngày 5/6 cho biết, tại đây vừa tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp bỏng nặng do bị điện giật trong lúc thả diều. Nạn nhân là bé N.T.N. (11 tuổi, ngụ tại Lâm Đồng).

Được biết, trước khi tai nạn xảy ra, bé N. cùng em họ và đám trẻ trong thôn rủ nhau đi thả diều. Khi cánh diều của mình vừa no gió, bé N. hồ hởi chạy tới thả giúp cho em họ. Diều vừa rời khỏi mặt đất đã chao đảo và vướng vào đường dây điện cao thế. Một tiếng “roẹt” vang lên cùng với luồng ánh sáng xanh từ đường điện theo dây diều truyền xuống khiến cậu bé ngã lăn ra đất bất tỉnh, quần áo trên cơ thể cháy xém.
 
Bỏng điện thường để lại những hậu quả rất nặng nề
Bỏng điện thường để lại những hậu quả rất nặng nề

Đám trẻ đang chơi cùng, kinh hãi chạy tán loạn kêu cứu, nhiều người lớn ở gần lập tức chạy tới thì tá hỏa khi phát hiện dây của chiếc diều đang vướng vào đường điện không phải sợi dây cước mà là sợi dây đồng. Sau khi giải cứu khỏi hiện trường, bé N. nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện địa phương cấp cứu nhưng do bị bỏng quá nặng nên cháu phải chuyển xuống bệnh viện Nhi Đồng 2.

Tại đây ghi nhận, bé N. bị bỏng toàn thân trong đó có vùng ngực và đùi bị bỏng sâu. Nhờ quá trình cấp cứu, hồi sức tích cực, bé đã qua giai đoạn nguy kịch, tuy nhiên cháu còn phải trải qua nhiều cuộc ghép da và đứng trước nguy cơ gặp phải các di chứng nặng nề về sau.

Bỏng điện thường gây tác hại nặng nề và khó điều trị nhất trong các loại bỏng, đa số trường hợp đều bị đốt cháy toàn bộ gân cơ, thậm chí cả xương ở những nơi điện đi qua. Bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên thường xuyên quan tâm tới con em mình để hướng dẫn cho bé kỹ năng tránh khỏi những mối nguy có thể bị điện giật. Tuyệt đối không cho trẻ thả diều gần đường dây diện, tránh nguy cơ bị phóng điện do diều vướng vào đường dây hoặc trẻ leo lên trụ điện để gỡ diều.

Để phòng tránh tai nạn điện giật cho trẻ, người lớn cần đặt các thiết bị điện trong gia đình xa tầm tay với của các bé, che chắn kỹ ổ cắm điện, ngắt các thiết bị điện khi không sử dụng, thường xuyên kiểm tra đường dây đề phòng các dây điện lâu ngày tróc vỏ bọc. Trong trường hợp xảy ra tai nạn điện cần bình tĩnh tách nạn nhân khỏi nguồn điện, nếu thấy trẻ có biểu hiện ngưng tim ngưng thở cần thực hiện biện pháp ấn tim và hà hơi thổi ngạt sau đó nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
 
Li Uyên 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm