Tẩy trắng răng: Cẩn thận kẻo rước họa!

Để có hàm răng trắng, nụ cười tự tin, nhiều bạn trẻ đã chọn phương pháp tẩy, bọc trắng răng. Tuy nhiên, nhiều phòng mạch làm chưa tốt đã dẫn đến những tai biến dở khóc dở cười.

Tẩy trắng răng: Cẩn thận kẻo rước họa! - 1

Mộc nhĩ, nấm, rong biển là những thực phẩm giúp làm trắng răng
Trắng răng hóa… sún

 

Chị Trần Thị H. (Mai Động, Hà Nội) vì uống nhiều thuốc kháng sinh khi nhỏ nên có hàm răng màu xám xanh. Để tự tin cười tươi trong lễ cưới sắp tới, chị quyết định đi tẩy trắng răng. Thay vì đến chuyên khoa của các bệnh viện chị lại chọn một phòng khám nha khoa tư nhân với lời quảng cáo: “Trắng răng sau một giờ”. Sau một tuần tẩy trắng răng, chị thấy đau nhức, đồng thời có dấu hiệu sưng quanh hàm. Vì chủ quan, chị không đi khám lại, không ngờ mấy ngày sau khuôn mặt chị sưng tấy, lợi mưng mủ đau nhức không thể chịu nổi. Kết quả đáng buồn là trong ngày cưới, chị phải “vác” khuôn mặt biến dạng với nụ cười méo mó chào đón khách. Ngay sau lễ cưới, chồng chị đưa ngay chị đến khám tại bệnh viện. Bác sĩ cho biết, khi tẩy trắng răng, kỹ thuật viên đã không đảm bảo vệ sinh, để chất tẩy răng có nồng độ cao dính vào lợi khiến lợi bị nhiễm trùng. Để kịp thời cứu chữa, ngoài uống thuốc, bác sĩ phải nhổ chiếc răng bị hỏng.

 

Trong khi đó, chị Nguyễn Thúy Hà (Dịch Vọng, Cầu Giấy) lại “cơ khổ” với hàm răng được bọc trắng. Số là đầu năm chị đi bọc răng, thay vì bọc sứ thì chị lại bọc bằng chất liệu nhựa composite để tiết kiệm chi phí. Ngoài việc kiêng khem các đồ ăn cứng, nóng, lạnh chị còn khổ sở vì miệng luôn có mùi hôi. Chị Hà tâm sự: “Đi bọc răng để làm đẹp chứ đâu nghĩ sẽ gặp nhiều phiền toái thế này. Tôi đang trong tình trạng dở khóc dở cười, bỏ cũng không được mà chịu đựng mãi cũng không xong”.

 

Tai biến về làm đẹp răng rất nhiều!

 

Đó là chia sẻ của TS, bác sỹ Phạm Như Hải - Trưởng khoa Răng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba. Theo bác sĩ thì hiện nay xu hướng làm đẹp răng, trong đó tẩy trắng, bọc răng cũng được nhiều người biết đến. Tuy nhiên, không phải cơ sở thẩm mỹ nào cũng dễ dàng làm tốt vấn đề này.

 

Tẩy trắng răng có hai loại là tẩy trắng răng tại phòng mạch và tẩy trắng răng tại nhà. Tẩy trắng răng tại phòng mạch là khi bệnh nhân đến, bác sĩ sẽ làm vệ sinh răng sạch sẽ, sau đó bọc một lớp thuốc lên răng và theo dõi trong vòng khoảng 20 phút đến 1 tiếng. Loại thứ hai là tẩy trắng răng tại nhà, bác sĩ sẽ đến hướng dẫn cách đặt thuốc và theo dõi. Tẩy trắng răng tại nhà thường an toàn, trắng hơn vì nồng độ thuốc thấp, người bệnh dễ theo dõi cũng như giữ được thuốc tốt hơn. Trong trường hợp thấy hơi đau nhức, người bệnh sẽ tự bỏ lớp thuốc ra, tránh được tai biến. Đối với tẩy trắng răng tại phòng mạch, đòi hỏi bác sĩ, kỹ thuật viên phải vệ sinh răng người bệnh thật kỹ, làm cẩn thận, tránh chất tẩy dính vào lợi gây sưng và nhiễm trùng. Nếu tẩy trắng răng nên tẩy mức sáng hơn vì sau một thời gian răng sẽ lại màu. Trường hợp bị chất tẩy dính vào lợi gây đau nhức sẽ phải sử dụng thuốc và súc miệng để trung hòa chất tẩy.

 

Đối với bọc răng thì độ trắng được lâu hơn, có thể điều chỉnh màu sắc theo sở thích tuy nhiên cũng có nhiều ảnh hưởng hơn. Để bọc răng, bác sĩ sẽ phải mài lớp men răng bên ngoài rồi mới bọc. Độ dày của lớp men có thể dày từ 2 đến 5 ly, tùy vào từng loại răng, vì thế bác sĩ cần phân biệt chủng loại cũng như độ dày của lớp men để có độ mài thích hợp. Nếu mài quá sâu sẽ dễ dàng bị viêm tủy răng dẫn đến một số tai biến, nhẹ thì bị viêm, sưng lợi, nặng thì hỏng chân răng, viêm xương dẫn đến phải nhổ răng hoặc nhiễm trùng máu…

 

Có hai loại chất liệu để bọc răng là sứ và composite. Đối với loại bằng composite được dùng ít hơn vì dễ vỡ, viêm nhiễm và gây hôi miệng. Sau khi tẩy trắng răng hoặc bọc răng khoảng 4 đến 5 ngày nếu thấy đau nhức cần phải kịp thời đến bệnh viện có chuyên khoa răng để được kiểm tra và điều trị. Nếu để lâu dài, bệnh đã biến chứng, phải điều trị kháng sinh cho đỡ đau, sưng sau đó nhổ răng.

 

Theo An ninh thủ đô