Tắt giọng suốt 2 năm vì “quên” răng giả trong thanh quản

(Dân trí) - Gần 2 năm kể từ ngày cắn vỡ hàm răng giả, ông Huy bị tắt giọng nói, khó thở, cơ thể suy yếu. Tại bệnh viện bác sĩ đã tiến hành nội soi gắp một phần hàm răng giả đã bám chặt vào thanh quản của bệnh nhân.

Cách đây 2 năm, trong lúc đang làm việc trên tàu thuộc đảo Phú Quốc, ông Lê Minh Huy (40 tuổi) bất ngờ ngã ngửa vì trúng gió độc. Sợ đồng nghiệp cắn lưỡi tử vong, những người làm cùng đã lấy thanh gỗ chèn ngang miệng ông Huy.

Trong lúc quằn quại, ông Huy nghiến vào thanh gỗ khiến hàm răng giả vỡ tan. Sau khi được sơ cứu hồi tỉnh, giọng của ông trở nên thều thào khó nghe. Ông đã đến cơ sở y tế địa phương khám thì được chẩn đoán viêm thanh quản.

Phần răng giả qua hình ảnh nội soi thanh quản và khi được gắp ra ngoài
Phần răng giả qua hình ảnh nội soi thanh quản và khi được gắp ra ngoài

Sau quá trình điều trị nhưng bệnh không thuyên giảm, nghĩ là bị viêm thanh quản mạn tính nên ông Huy không tiếp tục chạy chữa. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân thường xuyên mệt, khó thở đặc biệt là lúc lao động nặng. Ngày 2/2, bệnh nhân phải đến bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM trong tình trạng suy hô hấp, giọng nói gần như bị tắc hoàn toàn.

Tại đây, qua chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ phát hiện dị vật dài 4cm, rộng 2cm, có mấu sắt đang bám chặt vào thành thanh quản bệnh nhân. BS Phan Đình Long, khoa Xoang – Mũi cho biết: “Dị vật gần như che lấp toàn bộ cửa thanh quản khiến bệnh nhân mất tiếng, đồng thời gây nên tình trạng khó thở khiến cơ thể không được cung cấp đủ ô xy khi hoạt động mạnh. Mặt khác, dị vật đã gây viêm loét gần hết vùng cửa thanh quản, nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử”.

Sau khi gắp dị vật, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt
Sau khi gắp dị vật, sức khỏe bệnh nhân đang bình phục tốt

Ngay lập tức, chỉ định can thiệp cho bệnh nhân được thực hiện, bác sĩ đã tiến hành gây mê và nội soi gắp ra ngoài dị vật là một phần của hàm răng giả. Các bác sĩ đồng thời cũng xử lý vết loét do nó gây ra trên thanh quản người bệnh. Sau phẫu thuật sức khỏe bệnh nhân đã bình phục tốt, tuy nhiên vẫn được bác sĩ theo dõi để ngăn chặn tình trạng chảy máu tại vết loét thanh quản.

BS Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng, cho hay, các trường hợp “quên” dị vật trong thanh quản sau 3 ngày hay một tuần, thậm chí là một tháng, không phải là hiếm. Tuy nhiên, “quên” khối dị vật lớn trong thanh quản đến 2 năm như bệnh nhân Huy là ca đầu tiên bệnh viện tiếp nhận.

Dị vật đường thở là tai nạn nguy hiểm, thường gặp ở cả người lớn và trẻ em đặc biệt trong dịp tết khi trẻ ăn các loại hạt như bầu, bí, hướng dương. BS khuyến cáo phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ ăn các loại hạt trên vì kỹ năng lừa cắn và nuốt hạt của các bé chưa thành thạo. Những trường hợp cả người lớn và trẻ em sau khi bị ho sặc, xuất hiện cảm giác khó thở, khàn tiếng hoặc mất tiếng cần đến bệnh viện chuyên khoa để được thăm khám, điều trị kịp thời.

Vân Sơn