Tập thể dục không hiệu quả với người trầm cảm

(Dân trí) - Một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Y học Anh cho thấy đưa hoạt động thể chất vào hoạt động chăm sóc can thiệp không giúp làm giảm triệu chứng trầm cảm so với các hoạt động chăm sóc thông thường.

 

Tập thể dục không hiệu quả với người trầm cảm


 

Điều này tương phản với những hướng dẫn y tế hiện tại rằng tập luyện sẽ hỗ trợ cho những người đang có vấn đề về tâm thần.

 

Để đưa ra kết luận này, các nhà nghiên cứu đã chọn 361 bệnh nhân tuổi từ 18 - 69 và mới được chẩn đoán là trầm cảm. Họ được chia thành 2 nhóm với một nhóm sẽ thêm phần luyện tập trong gói chăm sóc và nhóm còn lại sẽ chỉ có chăm sóc thông thường với thời gian kéo dài là 12 tháng để xem liệu có bất kỳ sự thay đổi nào trong các triệu chứng của bệnh.

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy các bài tập hoàn toàn không làm giảm bớt các triệu chứng trầm cảm so với quá trình chăm sóc, điều trị thông thường mà nó chỉ làm tăng mức độ hoạt động thể lực.

 

Melanie Chalder, ĐH Xã hội và Y Tế Cộng Đồng Bristol, cho biết: “Nhiều nghiên cứu đã chỉ rõ tác động tích cực của luyện tập đối với những người bị chứng trầm cảm nhưng các bằng chứng của chúng tôi lại cho thấy những biểu hiện của trầm cảm không hề giảm ở những người này.

 

Tuy nhiên, điều quan trọng đáng lưu ý là sự gia tăng các hoạt động thể lực luôn có lợi với những người có các bệnh như béo phì, tiểu đường, tim mạch và tất nhiên, những bệnh này cũng có ảnh hưởng đối với người bị trầm cảm”.

 

John Campbell, chuyên gia về thực hành và chăm sóc ban đầu của trường cao đẳng Y và Nha khoa Peninsula, cho biết: “Nhiều bệnh nhân bị trầm cảm thường không thích uống các loại thuốc chống trầm cảm truyền thống, thay vào đó họ thích các dạng liệu pháp thay thế thuốc điều trị.

 

Luyện tập và vận động luôn hứa hẹn như một phương pháp điều trị hiệu quả nhưng cần hết sức thận trọng bởi nghiên cứu mới nhất này cho thấy luyện tập không hiệu quả với người trầm cảm”.

 

Đây là nghiên cứu có quy mô lớn đầu tiên về các hiệu ứng của tập luyện đối với trầm cảm.Hầu hết các bằng chứng trước đó cho thấy hiệu quả tích cực của tập luyện trong điều trị trầm cảm nhưng đều là các nghiên cứu nhỏ.

 

Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Bristol, Exeter và cao đẳng Y và Nha khoa Peninsula. Nghiên cứu được tài trợ như bởi Viện Quốc gia về Nghiên cứu Sức khỏe (NIHR), chương trình Đánh giá Y tế (HTA) với sự hỗ trợ từ Bộ Y tế Anh và các quỹ ủy thác chăm sóc địa phương.

 

Nhân Hà

Theo Telegraph