Táo bón gây lòi ruột, thần kinh và tử vong

Táo bón không chỉ gặp nhiều ở người già, trẻ nhỏ mà đang gia tăng nhanh chóng trong giới thanh niên, đặc biệt là những người làm việc nơi công sở. Bệnh không gây chết người cấp tính nên nhiều người chủ quan dẫn tới các tai biến thậm chí viêm phúc mạc, tử vong...

Nội soi xác định tổn thương do táo bón - ảnh: Hà Linh

Nội soi xác định tổn thương do táo bón - ảnh: Hà Linh

Hoại tử ruột vì táo bón

 

BSCKII Vũ Đức Chung, Trưởng khoa Nội tiêu hóa, BV 354 - cho biết, táo bón là bệnh rất phổ biến với tỉ lệ mắc cao trong cộng đồng, nhất là ở người già và trẻ em, nhưng gần đây gia tăng nhanh chóng trong giới thanh niên, đặc biệt là những người làm việc nơi công sở đang ngày càng tăng mạnh, số người bị táo bón ngày càng lớn.

 

Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc nặng nề, tâm lý căng thẳng quá mức, cộng thêm ít vận động, thể dục thể thao và phải ngồi lâu trong văn phòng, thói quen nhịn đại tiện... Nhiều người vẫn nghĩ phân rắn mới là táo bón, nhưng thực tế, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như ít đi cầu, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó nhọc khi đi vệ sinh.

 

Điển hình, chị Nguyễn Vân A, 42 tuổi, là nhân viên công sở suốt ngày ngồi máy tính nên bị táo bón mạn tính đã lâu, mỗi lần đại tiện rất khổ sở, không chỉ ra máu mà còn lòi thịt ra cả hậu môn. Chị đã cắt trĩ đau đớn vô cùng, nhưng vẫn không hết. Chấp nhận sống chung với bệnh, mỗi lần lòi ra, chị lại ấn vào, nhưng gần đây chỗ đó xuất hiện cả một khối phồng như quả cà chua, thường kèm theo rớm máu, đau, chảy nhầy hoặc són phân liên tục, không ấn vào được. Đoạn trực tràng sa bị nghẽn vì cơ hậu môn co thắt, phù nề, niêm mạc tím tái dần có các mảng hoại tử.

 

Nhiều biến chứng nguy hiểm

 

BS Chung cho biết, người bệnh thường chủ quan với bệnh táo bón không đi khám mà không biết, đôi khi táo bón là triệu chứng khởi đầu của một bệnh lý thực thể nào đó tại đường tiêu hoá như: Bệnh của đại tràng, các bệnh toàn thân suy giáp trạng, tăng canxi máu, co thắt, nhu động giảm, phình đại trường...; rối loạn chức năng vận chuyển ruột, thần kinh, nhiễm độc chì, thậm chí ung thư gây chèn ép...

 

Ngoài ra, táo bón là do thói quen ăn uống không khoa học, chế độ ăn nhiều đạm, ít chất xơ, ít vận động, lười uống nước, lười đi cầu, đi không đều, nén hoặc nhịn đi cầu... Đặc biệt, nguy hiểm khi có bệnh hầu hết mọi người không đi khám và điều trị, khiến cho không ít người phải trả giá về vấn đề sức khỏe, thậm chí cả tính mạng của mình.

 

Theo BS Chung, biểu hiện của bệnh là buồn nôn, đau chân, đau đầu, đầy hơi, sốt, chán ăn và gây khó khăn cho sự co thắt ở ruột, nhưng có không ít trường hợp do táo bón lâu ngày, phân nằm trong trực tràng là một nguồn kích thích gây nên những rối loạn thần kinh như cáu kỉnh, dễ tức giận, mệt mỏi, dễ tức bụng, bồn chồn... Những chất độc do chuyển hóa của vi khuẩn thấm vào trong máu gây nhiễm độc thần kinh, làm cơ thể dễ nhiễm khuẩn. Đặc biệt, có thể dẫn tới chứng tổng hợp dạ dày mang tính mẫn cảm hoặc các bệnh dạ dày, đường ruột khác...

 

Nếu phân đọng lại trong trực tràng làm cản trở tuần hoàn sinh ra trĩ nội, trĩ ngoại, sa trực tràng, phình đại tràng, viêm đại tràng, để lâu biến chứng có thể dẫn tới ung thư đại tràng. Thực tế đã có những bệnh nhân phải mổ cấp cứu do táo bón gây tắc ruột... Đây là biến chứng thường xảy ra, đôi khi nguy hiểm tới tính mạng. Bệnh nhân bị sốt cao, bụng căng đau, tim đập nhanh với nhịp rối loạn, người mệt mỏi, có thể đưa tới bất tỉnh. Phân bị nêm chặt có thể đè lên bàng quan làm bí tiểu tiện và lâu ngày đưa tới suy thận. Hơn nữa, người bị táo bón có thể gây cơn thiếu máu cục bộ và ngất vì phải rặn lâu, ảnh hưởng xấu tới sự tuần hoàn máu ở não bộ và động mạch vành...

 

Để phòng tránh bệnh, người trẻ tuổi nên duy trì thói quen ăn uống hợp lý: Ăn đủ chất xơ thường có trong rau quả, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu đỗ. Mỗi ngày nên ăn 25-30gr chất xơ, tức khoảng 300gr rau, trái cây. Đặc biệt, cần uống đủ nước để phân trong ruột mềm ra, nên hạn chế uống nước trà đặc, càphê, cocacola... và phải tận dụng thời gian rảnh rỗi để vận động cơ thể và tập một thói quen đi đại tiện đúng giờ.

 

Người bệnh không nên sử dụng bất kỳ một loại thuốc chữa táo bón nào kéo dài quá 8 - 10 ngày, các thuốc trên có nhiều tác dụng phụ, dùng lâu có thể gây biến chứng cho đường ruột, có hại cho gan, thận và đặc biệt nó không giải quyết được gốc rễ của bệnh.

 

Theo Hà Linh

Lao động