Đắk Lắk:
Tăng mạnh số ca chân tay miệng đầu năm học mới
(Dân trí) - Chiều 7/9, tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, bệnh chân tay miệng trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh này đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong mấy tuần qua.
Theo đó, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận bệnh chân tay miệng hiện diện ở 171/184 xã, phường, thị trấn. Số ca chân tay miệng ở trẻ mà Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk thống kế được đã lên đến 2.499 ca. Trong đó, thành phố Buôn Ma Thuột có số ca chân tay miệng nhiều nhất (720 ca); tiếp theo là huyện Ea H’leo (323 ca); theo sau nữa là huyện Cư M’gar (216 ca)…
Cuối tháng 8- đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần Đắk Lắk ghi nhận 70 đến 90 ca chân tay miệng, tăng từ 20 đến 30 ca/tuần so với tháng 7. Trong ảnh: Một em bé điều trị chân tay miệng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk (Ảnh: Viết Hảo).
Bác sỹ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Đắk Lắk cho biết, thời điểm từ cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần toàn tỉnh Đắk Lắk ghi nhận 70 đến 90 ca chân tay miệng ở trẻ. Con số này so với tháng 7, tăng từ 20 đến 30 ca/tuần.
Theo BS Lào, nguyên nhân khiến bệnh chân tay miệng tại Đắk Lắk tăng mạnh trong thời gian qua là do tháng 9, tháng 10 rơi vào đúng chu kỳ dịch bệnh chân tay miệng tăng cao. Mặt khác, thời điểm này học sinh bắt đầu trở lại trường đi học nên dễ lây truyền cho nhau. Bên cạnh đó, sau một thời gian bệnh chân tay miệng lắng xuống, người dân và các cơ sở y tế địa phương có dấu hiệu chủ quan.
“Bệnh chân tay miệng tại Đắk Lắk hiện đang có dấu hiệu tăng mạnh trở lại trong mấy tuần qua. So với các tuần tháng 6 - 7, mấy tuần qua tuần nào cũng tăng 20 đến 30 ca/tuần…”, BS Lào cho biết.
Nhằm hạn chế bệnh chân tay miệng tại Đắk Lắk, BS Lào khuyến cáo, các trường học mầm non, tiểu học cần tăng cường công tác vệ sinh cho trẻ và người chăm sóc trẻ. Thực hiện rửa tay bằng xà phòng đúng cách trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Đặc biệt, ở các trường mầm non cần lưu ý vệ sinh nền nhà sạch sẽ, lau rửa đồ chơi cho trẻ đúng vệ sinh. Khi phát hiện trẻ bị bệnh cần cách ly ngay với trẻ lành, đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Theo BS Lào, bệnh chân tay miệng tại Đắk Lắk tăng là do tháng 9 - 10 rơi vào đúng chu kỳ dịch bệnh chân tăng miệng tăng cao. Người dân và các cơ sở y tế địa phương có dấu hiệu chủ quan. (Ảnh: Viết Hảo).
Ngoài ra, BS Phạm Văn Lào cho biết thêm, hiện Đắk Lắk đang trong mùa mưa, bệnh sốt xuất huyết (SXH) cũng tăng cao. Hiện toàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận 220 ca SXH trên địa bàn 15 huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt, trong tháng 8 và tuần đầu tháng 9 đã tăng hơn 100 ca SXH.
Viết Hảo