Tăng giảm cân bất thường là do bệnh lý
Sự thay đổi thể trọng nếu là do chủ ý thì không đáng ngại. Nhưng nếu bạn tăng hay giảm trọng lượng cơ thể một cách rõ riệt mà không biết nguyên nhân thì đó thường là biểu hiện của bệnh lý.
Tăng cân
Bệnh béo phì là một trong những mối quan tâm lớn của cộng đồng về mặt sức khỏe. Tuy nhiên việc tìm ra nguyên nhân và cách khắc phục thường không quá khó khăn.
Những người béo phì thường do ăn nhiều, ít vận động. Việc đưa vào cơ thể một lượng thừa calori so với nhu cầu là nguyên nhân gây béo phì trong phần lớn các trường hợp và ít khi là do nguyên nhân bệnh lý, ngoại trừ hội chứng Cushing do dùng quá nhiều hoặc lạm dụng thuốc corticoid.
Ngoài ra, béo phì cũng có thể gặp trong các bệnh nội tiết khác như giảm chức năng tuyến giáp, tuyến sinh dục hay một số bệnh bẩm sinh gây béo phì. Các trường hợp này hiếm gặp và tần suất mắc bệnh không mang tính phổ thông có ý nghĩa cộng đồng.
Tuy ít có nguyên nhân bệnh lý nhưng về lâu dài, béo phì lại đưa đến những bệnh lý liên quan nặng nề khác như xơ vữa động mạch, tăng huyết áp...
Sút cân
Sút cân mà không thấy lý do về ăn uống thì còn nghiêm trọng hơn cả tăng cân vì có nguy cơ lớn mắc một bệnh thực thụ. Nếu không được khống chế thì hầu hết bất cứ một bệnh nặng nào cũng có thể gây sút cân. Cơ chế thông thường là do chán ăn hay hậu quả của các rối loạn sinh lý, bệnh trực tiếp ở gan, dạ dày, ruột hoặc do trầm cảm.
Đái tháo đường: Đầu tiên, sút cân trong đái tháo đường là do mất dịch và hậu quả của tình trạng đường bị theo ra trong nước tiểu làm tiêu kiệt calori. Tiếp đến là do rối loạn các hoóc môn, làm tăng quá trình tiêu thụ protein và lipid. Cơ thể ở trạng thái dị hóa mạnh. Một đặc điểm của sút cân trong bệnh đái tháo đường là người bệnh vẫn ăn nhiều.
Bệnh nội tiết: Mặc dù đa số người bệnh vẫn thèm ăn và ăn rất nhiều song do quá trình dị hóa chiếm ưu thế nên lượng calori tiêu thụ là đáng kể so với lượng calori đưa vào. Vì vậy mà người bệnh vẫn gầy. Một số nguyên nhân khác gây sút cân trong nhóm bệnh nội tiết là chuyển hóa quá mức do u tế bào ưa crom; thiểu năng tuyến yên hay tuyến thượng thận cũng có thể gây sút cân.
Bệnh dà dày - ruột: Sút cân gặp trong chứng đi tiêu mỡ, viêm tụy mãn hoặc bệnh xơ nang mặc dù ăn vẫn bình thường, thậm chí còn ăn nhiều. Bệnh tiêu chảy mạn tính do viêm ruột, bệnh trào ngược dạ dày thực quản hay loét thông thường cũng có thể gây sút cân. Nguyên nhân sút cân trong nhóm bệnh lý đường ruột thường do rối loạn hấp thu.
Nhiễm trùng: Bao giờ cũng phải được đặt ra ở những bệnh nhân sút cân mà không cắt nghĩa được. Đứng hàng đầu là bệnh lao, bệnh nấm, áp-xe gan do amíp... Những biểu hiện nhiễm trùng trong các bệnh này thường kín đáo, cơ chế của sút cân trong nhiễm trùng thường do chán ăn và kèm theo các rối loạn chuyển hóa dẫn đến sự cân bằng âm.
Bệnh ác tính: Đây cũng là một nguyên nhân quan trọng nhất gây sút cân mà không có dấu hiệu và triệu chứng nào đáng kể ở giai đoạn đầu. Cơ chế của sút cân trong bệnh ác tính thường bao gồm nhiều yếu tố tham gia, bao gồm cả chán ăn, kém hấp thu và rối loạn chuyển hóa cùng với sự tiêu phí calori do xâm lấn của khối u.
Bệnh tâm thần: Sút cân rất nhiều là do chán ăn.
Bệnh thận: Một trong những biểu hiện sớm nhất của bệnh là chán ăn, vì vậy bệnh nhân sút cân không giải thích được đều phải xem xét lại chức năng thận.
Theo Thanh Niên