Tăng cường hoạt động quản lý cảnh giác dược
(Dân trí) - Ngành dược đặt mục tiêu 50% bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng; đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 30%.
Mục tiêu này được Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đưa ra tại hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật và giao ban công tác dược năm 2015.
Theo đó, những con số gồm: 50% bệnh viện tuyến tỉnh, trung ương có bộ phận dược lâm sàng, 50% bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân có hoạt động dược lâm sàng; đạt tỷ lệ 2,5 dược sĩ/1 vạn dân, trong đó dược sĩ lâm sàng chiếm 30%... có ý nghĩa rất lớn và là mục tiêu trong Chiến lược phát triển ngành Dược Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Cục Quản lý Dược cho biết, tính đến tháng 12/2014, tổng số báo cáo ADR Trung tâm DI&ADR Quốc gia đã tiếp nhận và xử lý 8513 báo cáo (đạt 94,9 báo cáo/1 triệu dân). Trong đó, 7787 báo cáo được gửi từ các cơ sở điều trị, 98 báo cáo của chương trình báo cáo tự nguyện có chủ đích (TRS) gửi từ các cơ sở điều trị các đơn vị sản xuất, kinh doanh dược phẩm. Trong đó, thẩm định và phản hồi 82 trường hợp báo cáo khẩn (tương ứng với 248 báo cáo ADR). Phối hợp các đơn vị liên quan xem xét và xử lý 08 thuốc có chuỗi báo cáo phản ứng có hại nghiêm trọng xảy ra trên cả nước năm 2014 nguy cơ ảnh hưởng tính mạng người sử dụng thuốc.
Việc phát triển hệ thống dược tại bệnh viện tuyến huyện, tăng cường hoạt đọng dược lâm sàng tại các bệnh viện tư nhân, tăng tỉ lệ dược sĩ... sẽ giúp đẩy mạnh các hoạt động tăng cường triển khai các hoạt động cảnh báo sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả. Củng cố, phát triển hệ thống thông tin thuốc, theo dõi phản ứng có hại của thuốc; tuyên truyền, phổ biến thông tin an toàn, hiệu quả của thuốc, đảm bảo người được dân sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Hồng Hải