Tan vỡ giấc mơ cứu người vì bệnh tâm thần

Gần 15 năm nay, sinh viên ký túc xá (KTX) ĐH Y Dược TPHCM đã quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông tâm thần, ăn mặc nhếch nhác, đeo cặp kính dày cùng chiếc xe đạp cũ.

Hằng ngày anh đứng tựa lưng vào tường, thỉnh thoảng đọc ngấu nghiến một cuốn sách rồi xin cơm ăn... Ít ai biết rằng người đàn ông ấy từng khát vọng thành một bác sĩ đa khoa. Trớ trêu là từ khi nhận bằng bác sĩ đến nay, bệnh tâm thần kéo anh trôi dạt giữa đời thường...

Gãy một giấc mơ

Tên của người đàn ông đó là Trương Thanh Sơn, quê Phú Yên. Anh Sơn là sinh viên khóa 1996 của Trường ĐH Y khoa TP.HCM danh giá.

Như bao sinh viên y khoa khác, để đặt chân vào giảng đường trường y, anh Sơn từng là một học sinh giỏi ở xứ nẫu. Học được 5 năm thì anh Sơn mắc bệnh tâm thần, gia đình phải đưa đi chữa trị.

Theo anh Bạch Quốc Dũng, bảo vệ lâu năm ở KTX ĐH Y Dược thì anh Sơn từng khỏi bệnh và lấy bằng bác sĩ đa khoa. Sau đó bệnh tình anh trở lại và suốt 15 năm nay ngày nào anh cũng đến KTX và sân trường ĐH dõi mắt nhìn xa xăm, đọc sách. Đói bụng, anh đi xin bánh mì, cơm chay từ thiện để ăn. Mỗi ngày hai lần xin đồ ăn như vậy.

BS Kiên Quốc, người bạn cùng trường với anh Sơn, cho biết thêm có bữa không có đồ ăn, anh Sơn đi lục thùng rác lấy thức ăn, khi thì mẩu bánh mì, lúc thì cơm thừa dưới đáy các hộp cơm do sinh viên bỏ lại. Một lần vô tình quay lại trường, người bạn cũ phát hiện ra anh Sơn với tình trạng như trên.

“Gặp sinh viên trong trường, Sơn đến xin ăn. Giữa thời buổi có nhiều cạm bẫy, ai cũng sợ. Có người thương cho ăn, người lo lắng bỏ đi. Vậy là Sơn ăn rác. Chúng tôi rất xót xa, nhiều khi chỉ nghe đến vậy là muốn khóc”, BS Quốc nói.

Tan vỡ giấc mơ cứu người vì bệnh tâm thần

Anh Trương Thanh Sơn dựa lưng vào KTX ĐH Y Dược. Đôi mắt anh xa xăm về một miền ký ức đã qua và luôn nhận mình là nghiên cứu sinh cao học... Ảnh: THANH NHÃ

Để rõ hơn về cuộc sống hiện tại của anh Sơn, BS Quốc dẫn chúng tôi đến căn phòng trọ của anh ở đường Ngô Gia Tự, quận 5. Đó là một căn phòng nhỏ trên gác xép, tối tăm và nóng bức chỉ khoảng 10m2 . Những người ở trọ chung nhà với anh Sơn cho biết anh rất hiền, không nói chuyện gì với ai từ nhiều năm nay. Cả tháng mới thấy anh tắm một lần, không thấy giặt giũ gì và thức ăn chỉ là bánh mì khô. Tiền thuê nhà gia đình anh Sơn chuyển vào trả cho chủ. Không ai có thể dẫn được anh Sơn về nhà ở Phú Yên. Tết, lễ anh cũng tìm tới KTX Y Dược để lại... nhìn xa xăm cùng với chiếc xe đạp suốt thời sinh viên đến nay.

Sẽ chữa trị cho anh Sơn

ThS. BS Cao Xuân Minh, một người bạn khác của anh Sơn, cho hay hiện nay các bác sĩ chuyên khoa là bạn đồng môn xưa đang hội ý và tiến tới hội chẩn để chữa bệnh cho anh Sơn. Muốn vậy, rất cần sự hợp tác từ phía gia đình anh. Mọi liên lạc với gia đình anh Trương Thanh Sơn đang được gấp rút tiến hành.

BS Minh và BS Quốc cho biết anh Sơn còn nhớ đường đi về từ nhà trọ đến trường, nhớ tên một vài bạn bè và tự cho lý do đến trường là học cao học... nghĩa là khả năng chữa trị không quá khó. Có thể kết hợp liệu pháp tâm lý và dùng thuốc là anh Sơn có thể cải thiện tình hình...

“Sơn đã nhận được bằng bác sĩ nhưng dù có chữa trị thành công cũng rất khó để anh quay lại với nghề. Một người bạn của tôi cũng từng bị tâm thần, sau khi điều trị xong anh đã trở lại là một bác sĩ phẫu thuật. Cuộc sống luôn có phép màu, ai cũng muốn tin điều đó nhưng rất khó để tin tưởng Sơn điều trị được bệnh nhân. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để Sơn trở lại một người bình thường” - BS Minh tâm sự.

Thi vào ngành y là một khó khăn vì một mình phải “chiến đấu” với 27.000 thí sinh. Khi vào trường thì chương trình học nặng và dài hơn nhiều ĐH khác. Sinh viên y khoa suốt ngày phải vùi đầu vào bài vở với 300 kỳ thi, sáng thực tập bệnh viện, chiều giảng đường lý thuyết, tối lại học bài thi cử... chưa kể các bạn nhà nghèo còn chịu áp lực mưu sinh. Thư viện KTX trường y ở đường Ngô Gia Tự lúc nào cũng sáng đèn cho đến tận 3 giờ sáng.

Có những bạn mất cân bằng, thần kinh yếu đã bột phát ngay từ những năm đầu tiên. Có bạn đang trực cấp cứu bỗng dưng vác nước dội từ trên đầu xuống ướt sũng, có bạn chịu đựng và học thật giỏi nhưng đến năm thứ sáu bột phát thể phân liệt rồi mất, cũng có bạn nửa đêm... múa dao trong phòng KTX...

BS HỒ THỊ XUÂN NGA, Viện Tim TPHCM

Theo Thanh Nhã

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm