Ngày Thầy thuốc Việt Nam:

Tâm thư day dứt về án tù của BS. Hoàng Công Lương

(Dân trí) - Day dứt về bản án 42 tháng tù giam tòa tuyên phạt BS. Hoàng Công Lương, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Thế Dũng đã gửi tâm thư chia sẻ nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam. Báo Dân trí xin trích đăng nội dung thư đến bạn đọc.

Lương Em, anh là Bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. Tết này, anh quá day dứt trong lòng về bản án 42 tháng tù giam đối với Em. Anh không thể cầm nước mắt về những lời buộc tội Em nên đành viết những dòng này để chia sẻ, nhất là chúng ta lại được nhắc tới “Ngày Thầy thuốc Việt Nam”.

Chúng ta là một “Gia đình Y tế” mà các Thầy Cô anh đã dạy từ khi còn là sinh viên: “Corps Médical”, cao quý và thiêng liêng lắm! Những buồn vui trong ngành không thể nào không chạm đến tim óc chúng ta, anh viết thư này đến Em, cũng không phải hoàn toàn cho Em mà còn cho anh, một bác sĩ ở tuổi “Thất thập cổ lai hy”.

hoang-cong-luong-15264055716241207860278.jpg

BS Hoàng Công Lương trong phiên xét xử tại TAND TP. Hòa Bình (ảnh: Nguyễn Dương)

 

Chuyện ở Bệnh viện em khi xảy ra, anh thật bị sốc và hỏi ngay tại sao vậy? Thật đau cho Gia đình bệnh nhân, cho chính chúng ta bất lực trước sự ra đi của Bệnh nhân. Có nhiều người tưởng nhân viên y tế chúng ta chai lì trước Bệnh nhân tử vong, không phải vậy - mà để lại vết hằn trong tim óc chúng ta.

Ngày anh vừa bước chân vào làm sinh viên nội trú, Thầy anh đã dạy: “Bây giờ tụi con đi ngẩng cao đầu vì vừa đậu nội trú rồi ngày càng đi đầu cúi thấp dần; biết tại sao không? Tại vì những lỗi lầm do chính mình gây ra lúc hành nghề”, lời Thầy dạy anh khắc vào tim óc mình và đến tuổi này anh thấy sao quá đúng!

Chắc Em cũng mê bóng đá, cả nước vừa tận hưởng niềm vui bóng đá còn Em thì dằn vặt nỗi đau từ lực bất tòng tâm trước cái chết của Bệnh nhân, đến tạm giam, đến biết bao chịu đựng gần 02 năm qua; Tết vừa qua lại là một cái Tết bi thảm đến với Em và Gia đình, bởi bản án 42 tháng tù giam, khổ quá Lương ơi!

Thấy Em vẫn làm việc, vẫn cứu người dù bị truy tố, mấy ai làm được như Em? Hình ảnh thật đẹp! Nếu là đạo diễn anh sẽ làm phim về Em, tại sao không? Hàn Quốc, Mỹ có phim Good Doctor, thật cảm động, thật hay!

Có thầy thuốc nào bị buộc tội “Vi phạm quy định về khám, chữa bệnh” rồi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, rồi “Vô ý làm chết người” mà tất cả Gia đình bệnh nhân và Bệnh nhân đều mong toà phán quyết vô tội và được sớm trở về làm việc? Good Doctor là phim, còn Em là thật.

Anh sẽ nói với học trò của anh: “Nét đẹp Hoàng Công Lương”, đúng với tên gọi của Em. Y đức không phải bằng lời nói mà phải bằng hành động như hành động của Em.

Anh thật cảm động những Đồng nghiệp cao niên, những Đồng nghiệp chuyên gia đồng loạt biện hộ cho Em và vô cùng cám ơn, trân trọng những vị Luật sư hết lòng bào chữa cho Em với chứng cớ Em vô tội, với niềm tin Em vô tội cũng như vô vàn mang ơn các Bạn Truyền thông và nhiều người có vị là Đại biểu Quốc Hội chia sẻ, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn của Em, của nhân viên y tế.

Một bậc cao niên (đã ngoài 80), chuyên gia của ngành mình ở TP. HCM nhờ anh chia sẻ với Em qua e-mail:

“Chào anh Dũng,

Nhân vụ kiện của BS Hoàng Công Lương và cuộc nói chuyện với anh hôm nay, tôi nhớ lại vụ kiện của mình 17 năm về trước, với các chi tiết như sau:

- Năm 2002, một sản phụ sau khi được BS BV Từ Dũ thực hiện thủ thuật khâu eo tử cung (điều trị hở eo tử cung) thì đã xuất hiện các cơn gò chuyển dạ doạ sanh non ở tuổi thai 22 tuần tại BV Phụ Sản Quốc tế Sài Gòn.

- Tôi đã ra quyết định xử trí cứu bằng cách chỉ định cho dùng Nifedipin (Adalat) để trấn áp cơn gò tử cung tức thời vì các cơn gò dồn dập này sẽ đe doạ tính mạng của cả mẹ lẫn con. Khi eo tử cung đã được khâu, với tần suất cơn gò dồn dập sẽ dễ dẫn đến tử vong thai nhi, rách cổ tử cung hoặc tệ hơn nữa là vỡ tử cung và nguy cơ tử vong cả người mẹ.

- Sau khi dùng thuốc, các cơn gò thưa dần và dừng lại, tính mạng của sản phụ được bảo toàn, tuy nhiên sau đó thì mất tim thai, bé tử vong.

- Nifedipin (Adalat) là thuốc từ nhiều năm đã được y văn thế giới (Cochrane) công nhận là thuốc điều trị hiệu quả và an toàn nhất để trấn áp cơn gò doạ sanh non, đã được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là phác đồ của Bộ Y tế thời điểm đó vẫn chưa cập nhật thuốc này vào trong phác đồ.

- Và đó cũng là điểm mà gia đình sản phụ đã kiện tụng tôi là người đã ra quyết định sai lầm, họ kiên quyết chính vì BS dùng Adalat mà con họ tử vong. Câu chuyện kiện tụng đã đeo đuổi và khiến tôi nặng nề mệt mỏi suốt gần 2 năm trời từ Sơ thẩm đến Phúc thẩm vì gia đình bệnh nhân kháng cáo hết lần này đến lần khác. Dù ở phiên toà nào, luật sư có quy kết tôi hết lần này tới lần khác, tôi vẫn kiên định với quan điểm: nếu cho tôi lựa chọn lại, tôi vẫn quyết định chọn Adalat để cứu mẹ con bệnh nhân.

- Ở giai đoạn đó, nếu không có những nhận định khách quan, những tiếng nói chính thống từ phía Hội đồng chuyên môn của Sở Y Tế TPHCM thì có lẽ trường hợp của tôi cũng sẽ rất khó khăn khi những người ngoài cuộc họ không hiểu vấn đề. Và cũng nhờ Toà án nhân dân TPHCM từ đợt Sơ thẩm đến Phúc thẩm đều đã có cái nhìn sáng suốt, biết xem xét các giải trình, phân tích từ phía Hội đồng khoa học chuyên ngành mà đã không xử oan cho người BS là tôi.

Nhìn lại chuyện của mình ngày xưa, tôi thấu hiểu và thấy đau lòng cho bản án của BS Hoàng Công Lương".

Ngày đó, đầu tiên Gia đình sản phụ gởi đơn kiện đến Sở Y tế TP. HCM, anh đã lập ngay Hội đồng chuyên môn của ngành Y tế TP. HCM với nhiều chuyên gia đầu ngành từ Sản Phụ Khoa đến Tim Mạch,…anh còn nhớ mãi phần nêu ý kiến cuối cùng trước khi Hội đồng thảo luận của Bậc đàn anh này là: “Nếu gặp trường hợp tương tự, tôi vẫn quyết định tương tự”. Gia đình sản phụ không đồng ý với kết luận “vô tội” của Hội đồng, nên tiếp tục kiện lên Toà án nhân dân TPHCM. Toà án đã yêu cầu Sở Y tế cung cấp Biên bản họp của Hội đồng. Sau ngày xử án, một đồng nghiệp trẻ gởi cho anh một tâm thư qua e-mail nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam, nhắc lại vụ việc này và khẳng định đó là “Y đức” bởi lời nói: “Nếu gặp trường hợp tương tự, tôi vẫn quyết định tương tự”.

BS. Nguyễn Thế Dũng tại BV. Nhi đồng TP 23.02.2019.JPG

BS Nguyễn Thế Dũng, Nguyên Giám đốc Sở Y tế TP. HCM day dứt với mức án 42 tháng tù giam mà đồng nghiệp trẻ phải gánh chịu

 

Trước sống chết của Bệnh nhân anh em mình không thể bó tay vì bất cứ lý do hay thủ tục gì mà đem hết trí lực chuyên môn để cứu người; chúng ta chỉ có một mệnh lệnh, một lương tri “phải cứu người”; mất thời gian vàng, Bệnh nhân mất mạng sống. Anh cũng thường phải bỏ thủ tục hành chánh để dành thời gian vàng cho bệnh nhân.

Ước mơ trở thành bác sĩ là ước mơ tuyệt đẹp, dấn thân cứu người. Xã hội cần những người ước mơ như Em; nhiều người có con em cũng muốn con em mình ước mơ như Em. Anh chia sẻ với Em nỗi sợ không được tiếp tục hành nghề.

Ngày xử án Em, anh hết sức thất vọng sự vắng mặt của giám đốc (nguyên giám đốc) Bệnh viện em. Ông ấy không thể biết hết mọi việc nhưng nắm được mấu chốt của vấn đề; những nguỵ tạo chứng cớ, những sai lệch hiện trường, những khó khăn xử án cũng từ những mấu chốt đó mà ra. Các Luật sư nêu quá nhiều về những sự kiện này còn nếu ai đó cho rằng ông ấy không nắm được mấu chốt thì anh không còn gì để nói về ông ấy nữa chưa kể việc chia sẻ với anh em lúc hoạn nạn mà ông ấy ở vai trò thủ lĩnh.

Những giả mạo là dấu hiệu của chạy tội; trong vụ án này các Luật sư còn đề cập đến hợp đồng, đến tiền bạc như vậy có tham ô không? Tham ô nếu có trong vụ án này dù tiền ít hay tiền nhiều thì tội vô cùng lớn đã gây nên cái chết của 09 mạng người, tổn thất nghiêm trọng cho ngành Y tế chúng ta! Vấn đề này cần làm rõ để bảo vệ sự trong sáng như màu áo blouse trắng thiêng liêng của ngành mình. Thật mừng về hành động trung thực của các Bạn Điều dưỡng trong đó có Bạn Đinh Tiến Công luôn đồng hành trong đội ngũ phục vụ Bệnh nhân. Sự trung thực và trong sáng, hai phẩm chất cao quý của ngành y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình, chỉ có các Bạn ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình mới làm được.

Các ông giám đốc cũ, phó giám đốc cũ của Bệnh viện em nhiều lúc ông nói gà, bà nói vịt. Khổ cho Em quá! Làm việc trong một cổ máy như thế với một chuỗi gây chết 09 mạng người. Còn Em là nạn nhân “thứ 10 đau đớn!”.

Anh không biết làm gì để chia sẻ với Em ngoài bức thư này, Em đã vượt qua gần 02 năm đau đớn nhờ lẽ phải, nhờ kiên cường, nhờ tin vào công lý. Công lý là ngọn hải đăng cho loài người; những ai thách thức công lý, chà đạp công lý, bóp méo sự thật phải trả giá.

Tiếp tục vững vàng nhen Lương! Đó là Nghề Nghiệp của chúng ta mà; Nghề nặng nhất mà Nghiệp cũng nặng nhất đôi khi phải hy sinh cả mạng sống như Thầy Phạm Ngọc Thạch, Thầy Đặng Văn Ngữ, Chị Đặng Thuỳ Trâm,… nhưng lại là lẽ sống của Gia đình Y tế chúng ta.

Bên cạnh Em luôn có mọi người trông đợi ngày Em trở lại hành nghề.

TP. HCM ngày 27/2/2019

Anh, Nguyễn Thế Dũng