Tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ: Những người cần thực hiện
(Dân trí) - Đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là nỗi ám ảnh đối với nhiều người bởi khả năng gây tử vong và để lại di chứng của bệnh đều rất cao. Tầm soát nguy cơ đột quỵ có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi người, giúp phòng tránh và bảo vệ tính mạng.
Đột quỵ và nguy cơ tử vong cận kề
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Doanh, chuyên gia Nội thần kinh - Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI, đột quỵ não hay tai biến mạch máu não là biến cố thần kinh nguy hiểm có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh nếu không được cấp cứu kịp thời.
Một khi đột quỵ xảy ra, các tế bào não không được cung cấp đủ oxy và dinh dưỡng sẽ bị tổn thương và hoại tử. Mỗi phút trôi qua có gần 2 triệu tế bào não chết đi và không hồi phục khiến nhiều chức năng trong cơ thể bị rối loạn trong và sau đột quỵ.
Các thống kê cho thấy đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng top 3 trên thế giới, chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch. Nguy cơ tử vong ở các bệnh nhân đột quỵ lên tới 50%. Trên toàn cầu, hàng năm có khoảng 14 triệu bệnh nhân đột quỵ mới và 6 triệu người tử vong do căn bệnh này. Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận hơn 200.000 ca đột quỵ.
Tuy bệnh nguy hiểm nhưng 80% các trường hợp đột quỵ có thể tầm soát phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ và sàng lọc đối tượng dễ mắc bệnh.
Những ai dễ mắc đột quỵ và nên tầm soát sớm?
Theo bác sĩ Doanh, tuổi tác là một trong những yếu tố có nguy cơ quan trọng dẫn tới đột quỵ. Bệnh thường xảy ra ở những người cao tuổi, nhất là ở độ tuổi trên 65. Lúc này, não bộ và hệ thần kinh đã thoái hóa, các mạch máu nuôi não cũng không còn mềm mại và thông suốt, dẫn đến thiếu cung cấp máu cho não, gây đột quỵ nhồi máu não hoặc giãn, vỡ mạch máu, gây đột quỵ xuất huyết não.
Các nghiên cứu cho thấy, ở những người trên 55 tuổi, cứ sau mỗi 10 năm, nguy cơ đột quỵ lại tăng 50%. Nguy cơ này sẽ cao hơn ở người trên 55 tuổi có ít nhất một yếu tố nguy cơ đi kèm hoặc người trên 45 tuổi kèm 2 yếu tố nguy cơ.
Tăng huyết áp được coi là "kẻ giết người thầm lặng" khi gây nên nhiều bệnh lý khác nhau, trong đó có đột quỵ. Các thống kê cho thấy gần 60% ca đột quỵ liên quan đến bệnh tăng huyết áp.
"Huyết áp tăng cao gây tổn thương lớp nội mạc mạch máu, khiến cholesterol và các chất khác trong máu dễ lắng đọng, gây xơ vữa động mạch não, động mạch cảnh, động mạch vành và tăng nguy cơ hình thành huyết khối. Huyết áp cao cũng làm mỏng các thành mạch máu, khiến nguy cơ nứt vỡ tăng lên, từ đó dẫn đến đột quỵ", bác sĩ Doanh lý giải.
Bên cạnh đó, nhiều bệnh lý khác như bệnh tim mạch, rung nhĩ, thiếu máu cơ tim, thiếu máu não, hẹp động mạch cảnh, mỡ máu, tiểu đường, bệnh động mạch ngoại vi, chứng ngưng thở khi ngủ, đau nửa đầu Migraine,… đều có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
Theo các nghiên cứu, người mắc bệnh tiểu đường, béo phì có nguy cơ đột quỵ cao gấp 2-4 lần so với người bình thường. Ở những người tiền sử gia đình có người bị đột quỵ, nguy cơ mắc bệnh này cũng cao hơn so với bình thường.
Hiện nay đột quỵ ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Nguyên nhân chủ yếu do các thói quen xấu như uống rượu bia, hút thuốc lá nhiều, lười vận động, làm việc quá sức... Trong đó, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 6 lần ở những người hút thuốc lá. Lười vận động thường liên quan đến tình trạng thừa cân, béo phì, cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ ở người trẻ.
Tầm soát nguy cơ đột quỵ: Gỡ "nút thắt" để bảo vệ tính mạng
Đột quỵ là căn bệnh cấp tính, thường xảy ra đột ngột khiến người bệnh không kịp trở tay. Nếu chờ đến khi đột quỵ khởi phát mới tiến hành cứu chữa thì tỷ lệ sống sót của bệnh nhân thường không cao. Ngay cả khi được cứu sống, nguy cơ đối mặt với các biến chứng nghiêm trọng như liệt, rối loạn vận động, rối loạn ngôn ngữ, suy giảm nhận thức... của bệnh nhân cũng rất lớn.
"Tầm soát nguy cơ đột quỵ là việc cần được làm sớm để phòng ngừa bệnh. Mấu chốt là người bệnh phải tìm ra các mầm mống nguy cơ dẫn đến đột quỵ như các bệnh lý tim mạch, tiểu đường, mỡ máu,... từ trước và kiểm soát hiệu quả các yếu tố này, chứ không thể tầm soát đột quỵ một cách trực tiếp được", bác sĩ Doanh nhấn mạnh.
Tầm soát nguy cơ đột quỵ bao gồm việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu để phát hiện những chỉ số bất thường về nhịp tim, đường huyết, cholesterol máu và các yếu tố cảnh báo đột quỵ khác.
Thực tế, ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc tầm soát đột quỵ. Tuy nhiên, do không hiểu rõ về các yếu tố nguy cơ gây bệnh nên không ít trường hợp tầm soát mông lung và chưa hiệu quả.
Bác sĩ Doanh khuyên người bệnh nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ với hệ thống danh mục rõ ràng, phù hợp tại cơ sở y tế uy tín với đội ngũ chuyên gia giỏi và hệ thống thiết bị hiện đại.
Bên cạnh đó, việc thay đổi lối sống sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ đột quỵ từ sớm. Các khuyến cáo được đưa ra gồm hạn chế ăn chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, uống ít rượu bia, không hút thuốc lá, tập thể dục thường xuyên, nghỉ ngơi hợp lý…
Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI ra mắt "Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ" với các mức độ khác nhau nhằm giúp người dân phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ để có biện pháp kiểm soát kịp thời, bảo vệ sức khỏe.
Tháng 10, Thu Cúc TCI tặng 35% "Gói tầm soát nguy cơ đột quỵ" và ưu đãi 30% nhiều xét nghiệm, chụp chiếu liên quan đến tầm soát nguy cơ đột quỵ tại tất cả các cơ sở. Đồng thời, Thu Cúc TCI miễn phí khám ban đầu và tặng 20% phí cận lâm sàng khi khám Nội thần kinh tại 32 Đại Từ và 136 Nguyễn Trãi.
Xem thêm thông tin chi tiết tại: https://benhvienthucuc.vn/thu-cuc-tci-uu-dai-toi-35-kham-tam-soat-nguy-co-dot-quy/