Tầm soát ROP góp phần hạn chế tình trạng mù lòa ở trẻ
(Dân trí) - Đi vào hoạt động hơn 4 tháng, chương trình tầm soát bệnh lý võng mạc ở trẻ sinh non (viết tắt là ROP) ở khoa Nhi Bệnh vện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa đã góp phần giúp nhiều trẻ sinh non tránh được nguy cơ mù vĩnh viễn.
TS Lê Hữu Thọ, Phó Giám đốc Sở y tế tỉnh Khánh Hòa cho biết, mỗi năm số trẻ sinh non (28-37 tuần tuổi) toàn tỉnh khoảng 20.000 ca, trong đó khoảng 400 - 500 ca tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và số trẻ cần đưa vào tầm soát ROP là 100 - 150 trẻ/năm.
Tháng 6/2012, được sự tài trợ của Tổ chức Handicap International, Phòng khám ROP đặt tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa được thành lập. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, phòng khám này đã khám cho 87 cháu với 182 lượt khám, trong đó có 5 ca ở tỉnh Phú Yên, 2 ca ở Đăk Lăk, 1 ca ở Gia Lai. Qua tầm soát đã phát hiện 17 trẻ có biểu hiện của ROP, trong đó 5 trẻ đã được gia đình đưa vào Bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh điều trị kịp thời, tránh được nguy cơ mù lòa cho trẻ.
Bác sĩ Trần Thảo Vy, Khoa Mắt, Bệnh viện Đa Khoa Khánh Hòa cho biết, bệnh võng mạc ở trẻ sinh non là một tình trạng bệnh lý của mắt do sự phát triển bất thường của mạch máu võng mạc ở trẻ sinh non hay nhẹ cân. Trong quá trình phát triển của thai nhi, mạch máu võng mạc bắt đầu từ phần trung tâm phía sau rồi phát triển dần về phía trước và kết thúc vào lúc thai nhi đủ tháng. Ở trẻ sinh non, quá trình này chưa kịp hoàn thành. Sau khi trẻ sinh ra, nếu mạch máu tiếp tục phát triển bình thường thì trẻ không mắc bệnh, nếu mạch máu phát triển bất thường thì trẻ sẽ mắc bệnh.
Tuy nhiên, ở giai đoạn đầu, bệnh này không thể phát hiện được bằng mắt thường (nhìn bên ngoài mắt vẫn thấy bình thường) mà phải dùng các loại máy chuyên biệt do bác sĩ chuyên khoa về mắt khám mới phát hiện được bệnh. Khi bệnh này đã biểu hiện ra ngoài thì đã ở giai đoạn muộn (bong võng mạc), trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn. Vì thế, trẻ cần được khám, tầm soát ROP sau khi sinh khoảng 4 tuần hoặc sớm hơn.
Theo các bác sĩ, những trẻ cần khám mắt để phát hiện bệnh ROP là trẻ cân nặng lúc sinh dưới 2kg hoặc tuổi thai lúc sinh dưới 34 tuần (7,5 tháng); trẻ cân nặng lúc sinh từ 2kg trở lên nhưng bị ngạt khi sinh, nằm lồng ấp, thở oxy kéo dài, có những bệnh lý khác kèm theo, hoặc đa thai (sinh đôi, sinh ba…).
Điển hình là cháu, N.N.N.T con của chị N.T.T.M ở xã Vĩnh Lương, Nha Trang, khi sinh con của chị chỉ nặng 2,2kg, phải nằm ở lồng ấp để được điều trị tích cực. Sau khi xuất viện, chị được bác sĩ tư vấn nên đưa cháu đến phòng khám ROP đặt tại Khoa Nhi để được tầm soát bệnh lý võng mạc. Qua thăm khám bằng những dụng cụ đặc biệt, các bác sĩ phòng khám này phát hiện cháu T. bị ROP và tư vấn gia đình nên chuyển cháu lên bệnh viện tuyến trên điều trị. Gia đình chị đã đưa cháu T. vào Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. Hồ Chí Minh điều trị. Sau khi điều trị mắt cháu đã bình phục.
Trịnh Anh