Tài xế xe cấp cứu: Nghề đối mặt tử thần

Dù hết sức cẩn trọng khi ngồi sau tay lái nhưng nghề lái xe cấp cứu khó tránh khỏi tai nạn bất ngờ.

Đã một tuần nằm điều trị tại khoa Thần kinh Bệnh viện (BV) Chợ Rẫy, tài xế xe cứu thương Nguyễn Trung Chiển (28 tuổi, BV Sản-Nhi tỉnh Trà Vinh) vẫn chưa khôi phục được trí nhớ. Kể lại câu chuyện bị tai nạn, anh lúc nhớ lúc quên, giọng nói khó khăn. Người vợ trẻ ngồi bên không kìm được nước mắt.

“Tôi là vợ mà ảnh không nhận ra”

Thật khó khăn chúng tôi mới ráp được lời kể của anh Chiển thành câu chuyện dưới đây: “Chiều 8-7, tôi chở một bệnh nhi bị ung thư máu từ BV Sản-Nhi tỉnh Trà Vinh lên một BV ở TP.HCM để điều trị. Ngoài tôi, bệnh nhi trong xe còn hai người nhà bệnh nhân và một nữ điều dưỡng. Khi xe qua cầu Cổ Chiên trên địa phận tỉnh Bến Tre thì trời chạng vạng tối. Vì mạng sống của người bệnh, tôi cho xe chạy với tốc độ khoảng 90 km/giờ, còi hú liên tục. Bất ngờ một người đàn ông chạy xe máy băng ngang trước đầu xe. Tôi thắng gấp để tránh đụng người đàn ông nên xe cứu thương bị lăn nhiều vòng. Tôi bất tỉnh không biết những gì xảy ra sau đó, số phận những người đi chung chuyến xe giờ ra sao”.

Người vợ kể tiếp: “Tôi nghe những người đưa chồng tôi đi cấp cứu kể lại người dân đã lôi chồng tôi và những người trong xe ra. Vài phút sau xe cứu thương bốc cháy ngùn ngụt. Chồng tôi được đưa đến BV Chợ Rẫy, bác sĩ nói ảnh bị chấn thương sọ não, chấn thương cột sống. Còn những người khác trong xe không biết ở đâu, giờ ra sao”.

Anh Chiển lắng nghe vợ kể, đôi mắt bỗng thất thần. Người vợ đỡ anh nằm xuống giường. Ngay sau đó anh chìm vào giấc ngủ mê mệt.

“Khổ lắm anh à, tôi là vợ mà nhiều lúc ảnh còn nhận không ra. Khi ngủ là mê sảng, la hoảng “cấp cứu, cấp cứu” hoài. Hình như từ hồi bị tai nạn đến giờ ảnh vẫn chưa hoàn hồn” - vợ anh Chiển nói.

Người vợ tâm sự chồng chị làm tài xế xe cấp cứu được hơn ba năm. Mỗi khi người chồng ôm vô lăng là chị ở nhà đứng ngồi không yên. “Ảnh kể xe cấp cứu cứu người nên phải chạy nhanh, biết là nguy hiểm nhưng cũng phải chạy vì mạng sống bệnh nhân quý từng giờ, từng phút không thể chậm trễ được. Biết là vậy nhưng dạo này tai nạn nhiều nên tôi lo lắm. Khi nào ảnh về tới nhà tôi mới thật sự yên tâm” - vợ anh Chiển nói.

Theo các bác sĩ, bệnh anh Chiển phải điều trị nhiều tháng. Anh là trụ cột gia đình giờ nằm một chỗ, vợ bỏ công ăn chuyện làm lo chăm sóc chồng, cuộc sống gia đình bỗng chốc rơi vào cảnh khó. “May ở đây trưa chiều có người đến phát cơm từ thiện, cũng đỡ được phần nào” - người vợ cho biết.

Tài xế
Chiển vẫn lúc tỉnh lúc mê sau một tuần bị tai nạn đang được vợ chăm sóc. Ảnh:
TRẦN NGỌC

Tài xế Chiển vẫn lúc tỉnh lúc mê sau một tuần bị tai nạn đang được vợ chăm sóc. Ảnh: TRẦN NGỌC

Xe cứu
thương do tài xế Chiển điều khiển bị cháy còn trơ khung. Ảnh: TL
Xe cứu thương do tài xế Chiển điều khiển bị cháy còn trơ khung. Ảnh: TL

Sợ nhất gặp “quái xế”

Nghề tài xế xe cứu thương dù không muốn nhưng có nhiều lúc bị rơi vào tình huống nguy hiểm chẳng khác nào đùa giỡn với tử thần. Và để trải nghiệm cảm giác mạnh đó, chúng tôi xin theo chân tài xế Lê Văn Minh, tổ trưởng Đội xe cấp cứu thuộc BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM).

Ông Minh lái xe chuyển một bệnh nhân nặng đến một BV chuyên khoa ở quận 5. Đang trưa, dòng người xe đông đúc trên mọi ngả đường. Xe cứu thương hú còi lao đi. Nghe tiếng còi cấp cứu, phần lớn ô tô và xe máy chạy chậm lại nhường đường. Nhưng chúng tôi cũng không ít lần thót tim khi gặp các “quái xế” điều khiển xe máy sẵn sàng giành đường, “cúp đầu” xe cứu thương để vượt lên.

“Tôi lái xe cấp cứu 25 năm, đã nhiều lần phải nhường đường cho những “yên hùng” này nhưng cũng không tránh được va quẹt, bị “níu áo” cãi cọ qua lại. Cũng may là tới nay chưa xảy ra trường hợp nào đáng tiếc” - ông Minh tự sự.

Theo tài xế Minh, để đảm bảo an toàn, xe cứu thương thường giữ khoảng cách 3-5 m với xe phía trước để kịp xử lý khi xe phía trước thắng gấp. Ấy vậy mà nhiều xe máy thấy khoảng trống là lao lên chiếm chỗ bất chấp còi hụ inh ỏi.

“Rét”. Tài xế Minh bất ngờ đạp thắng để tránh đụng một người đi xe máy bất ngờ quẹo trái trước mũi xe. Chúng tôi bị ngã dúi người lên phía trước. May không xảy ra va quẹt. Hú vía! Người đàn ông đi xe máy quay lại giơ nắm đấm đe tài xế.

“Mỗi lần ngồi lên xe cứu thương là tài xế rất căng thẳng. Tuy nhiên, vẫn phải bình tĩnh trước mọi tình huống, phải nhún nhường bỏ qua tranh chấp, cãi vã trên đường. Tất cả vì mạng sống của bệnh nhân” - ông Minh nói.

Vui nhiều, buồn cũng lắm

Ông Nguyễn Trọng Khánh tài xế xe cấp cứu BV Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết các tài xế xe cấp cứu luân phiên làm việc theo ca, trực 24/24 giờ. Chờ lúc ông Khánh rảnh rỗi, chúng tôi hỏi chuyện vui buồn nghề tài xế xe cấp cứu. Ông Khánh cho biết ông làm nghề này đã 18 năm nay. Chuyện vui có nhiều mà chuyện buồn cũng lắm.

Ông Khánh trải lòng: “Nhiều vụ tai nạn bệnh nhân được đưa lên xe cứu thương trong tình trạng hấp hối, người nhà lo âu mong tài xế sớm đưa nạn nhân đến BV. Tôi biết nhiệm vụ và cố gắng hoàn thành thật nhanh nhưng cũng phải thật an toàn. Khi xe đến nơi, người nhà được cấp cứu kịp thời, tôi nhận được nhiều lời cám ơn cùng những nụ cười hạnh phúc của họ. Đó là niềm vui trong nghề của tôi”.

Còn chuyện không vui, ông Khánh nói dù hết sức cẩn trọng khi ngồi sau tay lái nhưng nghề lái xe cấp cứu khó tránh khỏi tai nạn bất ngờ. Như năm ngoái, ông Khánh chuyển một bệnh nhân từ BV Chợ Rẫy đến một BV ở tỉnh Bình Phước. Tới địa phận tỉnh Bình Phước, xe đang chạy với tốc độ 90 km/giờ thì thình lình một ông say xỉn điều khiển xe máy băng ngang. “Hai xe va nhau. Người chạy xe máy bị thương nên tôi đưa ổng lên xe và chở tới BV để cấp cứu luôn. May là sau đó ông ta tỉnh lại, tai qua nạn khỏi” - ông Khánh kể.

“Nói về mong ước, tôi chỉ mong người đi đường hiểu rõ luật hơn và nên nhường đường cho xe cứu thương” - ông Khánh bộc bạch.

Không được gây cản trở xe cứu thương

Theo khoản 1 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ, sau xe chữa cháy, xe quân sự, xe công an, đoàn xe cảnh sát dẫn đường thì xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu là phương tiện được quyền ưu tiên đi trước các phương tiện khác.

Khoản 2 và 3 Điều 22 Luật Giao thông đường bộ cũng quy định, xe cứu thương khi đi làm nhiệm vụ không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ. Khi có tín hiệu của xe cứu thương, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe cứu thương.

Trong trường hợp xảy ra tai nạn giao thông giữa xe cứu thương và các xe khác thì sau khi đánh dấu lại các dấu vết tại hiện trường như vị trí các bánh xe, vị trí người bị nạn, các dấu vết trên phương tiện… thì xe cứu thương được phép chở nạn nhân đến BV để cấp cứu. Tuy nhiên, sau đó phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

Thượng tá NGUYỄN HOÀNG DIỆP

Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ-đường sắt Công an TP.HCM


Theo Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM