Tại sao phụ nữ sau mãn kinh lại hay bị trầm cảm?
(Dân trí) - Từ bốc hỏa đến đau khớp và mất ngủ, các triệu chứng thực thể của mãn kinh có thể rất khó chịu. Nhưng đối với nhiều người, tâm trạng trầm uất và lo lắng cũng ảnh hưởng không kém đến cuộc sống hàng ngày.
Nghiên cứu mới cho thấy hàng triệu phụ nữ đang phải chịu đựng những vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan đến mãn kinh và tiền mãn kinh - thời kỳ trước lần kinh nguyệt cuối cùng của một người phụ nữ.
Trên thực tế, kết quả khảo sát của công ty Healthspan cho thấy 61% số phụ nữ bị lo âu do các triệu chứng tiền mãn kinh. Một phần tư bị suy nhược thần kinh nặng, trong khi gần 1/3 cho biết tâm trạng bị ảnh hưởng, khiến họ dễ khóc và có những cơn bộc phát cảm xúc đột ngột.
Trong khi đó 49% số phụ nữ có các triệu chứng trước mãn kinh không biết nguyên nhân là do tiền mãn kinh.
Nhìn chung, 1/3 số phụ nữ được khảo sát cho biết các triệu chứng mãn kinh khiến họ xấu hổ, và một nửa nói rằng mãn kinh đã ảnh hưởng đến sự tự tin của họ.
Tại sao mãn kinh lại ảnh hưởng đến tâm trạng?
Trầm uất và lo âu ở tuổi trung niên thường được qui cho nguyên nhân "hội chứng tổ bỏ không” và cuộc đấu tranh để đối mặt với tuổi già và không còn khả năng sinh nở. Nhưng nhiều phụ nữ nói rằng họ cảm thấy tự tin và hài lòng hơn với cuộc sống khi họ đến tuổi trung niên.
Vâng, đây là một thời kì của sự chuyển tiếp và thay đổi có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ cảm xúc của chúng ta. Nhưng sự thật là khi tiến gần đến thời kỳ mãn kinh, người phụ nữ trải qua nhiều thay đổi về nội tiết. Điều này có nghĩa là sự thay đổi tâm trạng phần lớn là do những thay đổi trong cơ thể, chứ không phải trong cuộc sống.
Các thụ thể estrogen có mặt ở khắp cơ thể, bao gồm cả não. Một trong những vai trò của estrogen trong não là ngăn chặn giáng hóa của serotonin – thường được gọi là “chất của hạnh phúc”.
Vì vậy, khi lượng estrogen giảm trong thời kì tiền mãn kinh thì serotonin cũng giảm, có thể ảnh hưởng đến cảm xúc.
Những thay đổi ở tuyến thượng thận cũng đồng nghĩa với việc chúng ta có thể trở nên nhạy cảm hơn với các hoóc-môn stress trong thời kỳ mãn kinh, nghĩa là bạn dễ bị những cơn lo âu và hoảng loạn hơn.
Nồng độ thấp của serotonin cũng được cho là nguyên nhân khiến rất nhiều phụ nữ hay cáu kỉnh, giận dữ và bứt rứt ở thời kì này.
Tại sao mãn kinh khiến người phụ nữ kém tự tin?
Khi bạn cảm thấy lo lắng, não là nơi tiếp nhận những “chất sợ hãi”, có thể khiến bạn nghi ngờ khả năng đối phó với những điều mà trước đây bạn vẫn vượt qua được.
Về mặt tiến hóa, điều này có tác dụng khiến chúng ta chạy vào hang và tránh xa nguy hiểm, đó là lý do tại sao bạn có thể muốn rút lui khỏi các sự kiện xã hội như các buổi tiệc tùng hoặc gặp gỡ những người mới, và đột nhiên bắt đầu sợ các cuộc họp hay hội thảo lớn tại nơi làm việc.
Khi mất đi sự tự tôn và tự tin, tất cả những gì bạn thấy sẽ chỉ là những yếu kém và thất bại của bạn.
Khi sự việc không diễn ra tốt đẹp, việc đổ lỗi cho sự yếu kém cá nhân đồng nghĩa với việc bạn rất khó cố gắng thêm một lần nữa.
10 cách tự nhiên để đối phó với những thay đổi tâm trạng khi mãn kinh
Các thuốc chống trầm cảm có thể cứu mạng cho nhiều phụ nữ ở thời điểm này trong đời, và chúng cũng giúp làm giảm bốc hỏa.
Nhưng không phải với ai thuốc cũng hiệu quả, và không phải ai cũng muốn dùng thuốc. Có rất nhiều điều bạn có thể làm để giúp cho chính mình
1.Hoạt động - và hoạt động thường xuyên...
Tập thể dục được ví như thần dược để nâng cao tâm trạng, sinh lực và cải thiện giấc ngủ.
Việc tập thể dục thường xuyên sẽ tạo ra những chất dẫn truyền thần kinh mang lại cảm giác tốt được gọi là các endorphin, có thể cài đặt lại “nhiệt kế” tâm trạng của bạn ở mức độ cao hơn.
Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng khi thân thể khỏe khoắn, bạn sẽ không phản ứng quá mạnh với stress.
Các kiểu tập aerobic như đi bộ làm tăng lưu lượng máu và ôxy cung cấp cho não, giúp xua tan “mây mù” trong não.
Việc bạn làm gì không quan trọng, mà điều quan trọng nhất là bạn hãy làm điều đó thường xuyên, vì tác động tích cực đến tâm trạng được tạo ra từ sự tích lũy các hoạt động.
Bạn sẽ cảm thấy tốt hơn ngay sau một buổi tập, nhưng để có hiệu quả lâu dài, bạn phải thực hiện vài lần một tuần.
2. Nói về chuyện đó
Mãn kinh vẫn bị xem là một chủ đề “nhạy cảm” và phụ nữ thậm chí không muốn tâm sự với cả bạn thân về những gì họ cảm thấy.
Nhưng cảm giác cách biệt có thể càng khiến tâm trạng và sự tự tin bị giảm sút. Hãy cố gắng cởi mở với “nửa kia” về những gì bạn đang trải qua và tại sao bạn có vẻ hay cáu kỉnh hoặc mau nước mắt như vậy.
Đầu tư cho một liệu trình tư vấn có thể giúp bạn làm chủ tâm trạng của mình, đồng nghĩa với lợi ích cho cả gia đình.
Và tham gia các diễn đàn để đơn giản biết rằng những người phụ nữ khác cũng đang có những trải nghiệm tương tự có thể tạo nên sự khác biệt lớn .
3. Chánh niệm
Thay vì biến tâm trí thành một “màn hình trống” (một việc không thể), thì chánh niệm là nắm giữ mọi suy nghĩ, cảm xúc, cảm giác và thấy biết những cảnh vật xung quanh trong mọi giây phút, mà không đánh giá xấu tốt, đúng sai.
Chánh niệm giúp bạn thoát ra khỏi những suy nghĩ tiêu cực có thể “chiếm quyền” điều khiển tâm trạng.
4.Tránh suy nghĩ quá nhiều - và tính hết những may mắn
Khi bạn đang trầm uất hoặc lo âu, bạn có thể bị mắc kẹt trong những câu hỏi “tại sao”, tốn thời gian lật đi lật lại vấn đề và cố gắng tìm ra lý do tại sao bạn lại cảm thấy chán nản như vậy.
Nhưng rút cuộc thì những suy nghĩ này không mang lại bất cứ điều gì mà còn càng làm xói mòn sự tự tin của bạn .
Hãy cố hạn chế thời gian “lo lắng” xuống còn 15 phút mỗi ngày, vào một giờ cụ thể .
Đếm những may mắn. Khi chán nản, bạn có xu hướng tập trung vào những điều tiêu cực maà bỏ qua những mặt tích cực .
Hãy thử nghĩ về ba việc đã diễn ra tốt đẹp, hoặc chỉ đơn giản là may mắn, trước khi vào giường ngủ.
Những bài tập thái độ đơn giản như vậy đã được chứng minh là sẽ cài đặt lại "nhiệt kế tâm trạng”.
5. Đặt mục tiêu vừa tầm
Lên danh sách những điều mà bạn muốn đạt được, sắp xếp chúng từ dễ nhất đến khó nhất, sau đó cố gắng giải quyết từng thứ một mỗi tuần, bắt đầu từ những việc đơn giản nhất.
Ngay cả những thành công nhỏ có thể giúp xây dựng lại niềm tin.
6. Thử những bài tập thở
Dành thời gian để thư giãn mỗi ngày và kiểm soát mức độ stress có thể tạo ra sự khác biệt lớn không chỉ cho tâm trạng, mà còn cho những triệu chứng khác như bốc hỏa.
Một bài tập thở đơn giản như thở 7-11 có thể giúp ích - ngồi yên trong năm phút, hít vào trong khi đếm đến bảy và thở ra trong khi đếm đến 11.
7. Giảm rượu
Rượu có thể tạm thời nâng đỡ tâm trạng giảm bớt lo lắng, nhưng về lâu dài rượu là một trong những tác nhân phổ biến nhất gây lo âu và trầm cảm.
Tuân thủ giới hạn uống lành mạnh và cố gắng để có những ngày không bia rượu thường xuyên mỗi tuần.
8. Chọn niềm vui mỗi ngày - và chiều chuộng bản thân
Có một cụm từ mới đang rất phổ biến trong tâm lý học hiện nay: “sự ưu tiên tích cực”.
Ý của cụm từ này cũng giống như lời một bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” - ngày càng nhiều chuyên gia tin rằng việc tìm ra những niềm vui dù rất nhỏ mỗi ngày có thể là một giải pháp cho mức độ lo âu gia tăng của xã hội.
Đừng cảm thấy “cắn rứt lương tâm” nếu bạn dành thời gian để chat với bạn thân, đi bộ trong công viên hay nhâm nhi li cà phê trong một quán cà phê xinh xắn.
Hãy nuông chiều bản thân. Phụ nữ có thể rất tự trọng nhưng việc tử tế với chính mình(đđối xử với bản thân như một người bạn tốt) có thể tạo nên hiệu ứng dây chuyền đối với sự tự tin và tâm trạng.
9. Sử dụng một số thảo dược có ích
Cỏ Thánh John (St John Wort), theo truyền thống được sử dụng để điều trị trầm uất và lo lắng, hiện đã có bằng chứng lâm sàng và được ủng hộ trong điều trị trầm cảm nhẹ đến vừa. Một số người khác thấy Rhodiola hoặc 5 - Htp cũng giúp ích.
Ăn uống tốt. Não là một cơ quan rất nhạy cảm với những gì chúng ta ăn và uống. 60% bộ não được tạo thành từ các axit béo thiết yếu, do đó không có gì đáng ngạc nhiên khi những nước ăn nhiều cá nhất có tỷ lệ trầm cảm thấp nhất (nếu bạn không ăn cá có dầu thường xuyên, hãy cân nhắc việc uống omega - 3 bổ sung).
Các nghiên cứu cũng tìm thấy mối liên hệ giữa nồng độ thấp của axít folic, một vitamin B giúp điều hòa hệ thần kinh, và tỷ lệ mắc trầm cảm.
Nghiên cứu gần đây cũng đã tập trung vào một acid amin gọi là tryptophan (có trong thịt gà tây , cá , các loại hạt), giúp tạo ra “chất hạnh phúc” serotonin.
10. Nhớ rằng ít hơn chính là nhiều hơn
Rất nhiều người trong chúng ta bị mắc vào một căn bệnh được gọi là "hội chứng bận rộn", cho rằng cuộc sống bận rộn là một thành công, để rồi sau đó cảm thấy có lỗi vì không thể theo kịp.
Nhưng rất nhiều thứ có thể làm đảo lộn mọi việc và tác động đến tâm trạng. Do đó hãy thực tế về những gì mà bạn có thể đạt được mỗi ngày
Cẩm Tú
Theo Daily Mail