Tại sao mắt díp lại khi thấy buồn chán?
(Dân trí) - Các nhà khoa học cuối cùng đã giải thích được lý do vì sao nghe 1 bài phát biểu đều đều, dự một giờ học không có gì mới... lại khiến chúng ta buồn ngủ.
Các nhà khoa học ĐH Tsukuba (Nhật Bản) đã phát hiện ra vùng nhân não nucleus accumbens nằm ở trán sẽ có mật độ dày đặc 1 loại thụ thể. Những thụ thể sẽ phản ứng với chất dẫn truyền thần kinh có tên adenosine, vốn giúp điều chỉnh chu kỳ ngủ và thức, khiến chúng ta buồn ngủ. Do đó, cho dù bạn đã nghỉ ngơi ban đêm đầy đủ thì bạn vẫn sẽ thấy buồn ngủ nếu bạn cảm thấy chán.
Nhân não nucleus accumbens đóng vai trò quan trọng trong hệ thống "khen thưởng" của não bộ. Đây vốn là nơi giải phóng dopamine và làm chúng ta có cảm giác vui vẻ khi chúng ta làm những việc như ăn, uống, tình dục hay giao tiếp xã hội… Nhưng nếu không có các kích thích tạo động lực này thì chính phần não này lại khiến chúng ta rất mệt mỏi.
Theo nghiên cứu, ngủ do buồn chán gây khó chịu không khác gì giấc ngủ thông thường và cả 2 đều có thể bị “dập tắt” bởi cafein.
Trưởng nhóm nghiên cứu Yo Oishi, ĐH Tsukuba, cho biết: “Một tách trà hay cà phê sẽ giúp cơn buồn ngủ do buồn chán qua nhanh”.
Điều này mở ra phương pháp điều trị chứng mát ngủ mới an toàn hơn khi chúng ta đã biết rõ các thụ thể gây ra buồn ngủ.
Nhân Hà
Theo DM